Mặt bằng vướng, khó triển khai các mũi thi công
Có mặt tại gói thầu 11- XL thuộc dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi (đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh), ghi nhận của PV Báo Giao thông, dù thời tiết khá thuận lợi tuy nhiên tiến độ thi công vẫn chưa như mong muốn. Nguyên nhân được xác định do "điểm nghẽn" mặt bằng.
Điểm nghẽn tại vị trí làm cầu vượt ngang; đường công vụ để phục vụ tuyến chính do Tổng công ty 319 thi công
Cụ thể, tại dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi do Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), Kỹ sư Ngô Văn Thuấn (cán bộ Tổng công ty 319) cho biết: Hiện tại, đơn vị đã xây dựng xong nhà điều hành, trạm thí nghiệm... điều động vào công địa nhiều máy móc, nhân lực để thi công. Tuy nhiên, trên phạm vi dự án thuộc địa phận xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà còn vướng mặt bằng để thi công tuyến chính do có các hộ dân có trang trại lợn, khu dân cư, đất ruộng...chưa đền bù xong.
"Nếu được bố trí mặt bằng sạch, đơn vị sẽ bố trí 2 mũi “đánh” từ hai điểm đầu lại để thi công đường công vụ dọc tuyến nhằm mở các hướng tiếp cận để thi công. Ngoài ra, khi có đường công vụ sẽ thuận lợi cho việc xe vận chuyển VLXD đi lại, tập kết vật liệu vào tuyến chính", Kỹ sư Thuấn nói.
Theo chính quyền địa phương, hiện có một số trang trại lợn có quy mô lớn chưa thể thể định giá thiết bị vì không có trong bảng tính giá của địa phương.
Tương tự, tại nút giao ngã 5, công tác thi công cũng bị chững lại, đơn vị chưa thể đưa máy móc vào thi công vì còn vướng nhà các hộ dân, trang trại, đất thổ cư, ao cá.... Nếu có mặt bằng thuận lợi, đơn vị sẽ bố trí 3 mũi thi công các tuyến kết nối như: đường nối Ngô Quyền - ĐT.550 (dài 5,05 km); đường song hành cao tốc nối ĐT.550 - Hàm Nghi kéo dài (dài 3,93 km); đường Cẩm Quan - QL1 (dài 3,2 km).
Mặt bằng tại vị trí đường TX O1 cũng đang là "điểm ngẽn". Tại đây, đơn vị có kế hoạch bố trí thi công cầu vượt ngang TX01; đường công vụ để phục vụ thi công tuyến chính. Nếu thuận lợi bố trí thi công đồng thời mũi cầu và đường...
"Chúng tôi hầu như chưa triển khai được các mũi thi công như dự kiến do không có phương án nào khả dĩ. Hiện tại địa phương đã giao được 8,8/12,97 km nhưng thực tế mới triển khai thi công liền mạch trên tuyến được khoảng 1 km.
Khi nhận của PV tại gói thầu 11-XL thuộc dự án thành phần đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng, do liên danh nhà thầu là Công ty Xây dựng Xuân Trường - Công ty CP 471 - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập đảm nhiệm, tình hình cũng không mấy khả quan hơn.
Tại gói này, tuy được chủ đầu tư giao mốc mặt bằng nhưng vẫn còn đó nhiều vị trí các đơn vị thi công chưa thể triển khai liền mạch do chưa có đường công vụ thông suốt.
Doanh nghiệp XuânTrường thi công gói từ km 521 + 500 đến 544+300 còn vướng một số hộ dân tại xã Cẩm Quan.
Ông Nguyễn Đăng Doanh (Công ty XD Xuân Trường) thông tin, công ty đã huy động khoảng 50 đầu máy, thiết bị triển khai thành 6 mũi thi công cào bóc hữu cơ. Tuy nhiên, khối lượng công việc chưa đạt như kỳ vọng do ở một số đoạn đang vướng phải mặt bằng “xôi đỗ”.
“Tại km 521 + 500 đến 544+300 còn vướng một số hộ dân tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên nên chưa thể làm đường công vụ tiếp cận công địa để thi công. Trong phạm vị 22,8km đo đơn vị đảm nhiệm thi công còn vướng khoảng 4km mặt bằng “xôi đỗ”. Nếu thuận lợi chúng tôi sẽ bố trí 5 mũi thi công đường, 3 mũi thi công cầu...” - ông Doanh nói.
Khó GPMB vì... chưa có tiền lệ
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Sáu - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết: Hiện quy hoạch đất tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng chưa hoàn thiện, nhiều hộ dân chưa thể di dời đến nơi ở mới. Một vấn đề khác là các hạng mục như: cây trồng, thiết bị trong các trang trại lợn không có trong đơn giá của UBND tỉnh. Một số trang trại chăn nuôi lớn khi dự án đi qua đã làm thay đổi toàn bộ quy hoạch, thiết kế ban đầu. Thậm chí, một số trang trại có quy mô lớn phải dừng sản xuất...
Tương tự, tại huyện Kỳ Anh cũng có một số "điểm nghẽn” về công tác GPBM, địa phương này cũng đang lúng túng xử lý vì trước đây chưa có tiền lệ.
Theo ông Võ Tá Cương - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết, dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua địa phận huyện Kỳ Anh có chiều dài 24, 41km.
Trong đó, gói Hàm Nghi - Vũng Áng (20,44km); Vũng Áng - Bùng (3,97km) ảnh hưởng đến 977 hộ, 9 tổ chức, diện tích đất phải thu hồi 229,45 héc ta. Đến nay, địa phương đã hoàn thành kiểm kê đất đai, tài sản, thẩm định phương án bồi thường và thu hồi đất với diện tích thu hồi 182,3 ha; chi trả tiền bồi thường được 83,6/86,5 tỷ đồng, cho 814/883 hộ với diện tích 179,4ha.
Huyện đã tổ chức bàn giao mặt bằng, đạt 78,1% (19,67km/24,41km) cho chủ đầu tư, diện tích đã bàn giao 179,4 ha.
Tuy nhiên, theo ông Cương, hiện có một số "điểm nghẽn” về công tác GPMB như đền bù mỏ đá tại xã Kỳ Văn. Nhiều hộ dân trồng rừng sản xuất trong phạm vi đất thuộc rừng phòng hộ, người dân yêu cầu được bồi thường về cây còn phải hỗ trợ tiền cải tạo đất...
"Những việc này đều chưa có tiền lệ. Chúng đang tìm cách tháo gỡ theo hướng thực hiện từng bước một: chỉ đạo làm trước từ cơ sở, rồi lấy ý kiến các các sở, ngành và các công ty tư vấn liên quan, cố gắng xong trong tháng 3 này", ông Cương cho hay.
Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 qua địa bàn Hà Tĩnh có tuyến chính dài 102,38 km, gồm 3 dự án thành phần: đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi dài 35,28 km; đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng dài 54,2 km; Vũng Áng - Bùng (đoạn qua Hà Tĩnh) dài 12,9 km.
Tuyến kết nối dài 12,18 km, gồm 3 tuyến: đường nối Ngô Quyền - ĐT.550 (dài 5,05 km); đường song hành cao tốc nối ĐT.550 - Hàm Nghi kéo dài (dài 3,93 km); đường Cẩm Quan - quốc lộ 1 (dài 3,2 km).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận