Đường bộ

Cao tốc bứt tốc khi có cát

04/06/2024, 07:36

Những ngày đầu tháng 6/2024, trên công trường cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, hơn 70 mũi thi công luôn tất bật.

3 năm, làm xong 800km cao tốc

Kỳ 1: Cao tốc đến đâu, làm giàu đến đó

Kỳ 2: Chạy đua nối thông, mở rộng cao tốc huyết mạch

Kỳ cuối: Cao tốc bứt tốc khi có cát

Bên cạnh các mỏ đã đề xuất cấp phép, các đơn vị liên quan vẫn đang tích cực tìm thêm nguồn cát nhằm đáp ứng đủ nhu cầu thi công các tuyến cao tốc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025.

Có cát, cao tốc trục ngang bứt tốc

Cuối tháng 5/2024, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, một trong những nhà thầu tham gia thi công dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nhận tin vui khi UBND tỉnh Sóc Trăng đã duyệt giấy phép đầu tiên khai thác cát sông. Mỏ nằm ở xã An Thạnh 1 và xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung với diện tích 100ha. Tổng trữ lượng cát san lấp được phép khai thác hơn 1,1 triệu m3.

Cao tốc bứt tốc khi có cát- Ảnh 1.

Nhà thầu tích cực đưa cát về công trường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Trước đó, cuối năm 2023, tỉnh Sóc Trăng tổ chức bàn giao hồ sơ 5 mỏ cát với tổng diện tích hơn 450ha, trữ lượng hơn 11 triệu m3 cho các nhà thầu lập hồ sơ, thủ tục khai thác theo cơ chế đặc thù. Ngoài mỏ cát vừa được duyệt, 4 mỏ cát còn lại đang hoàn tất các thủ tục để sớm khai thác.

Cùng thuộc dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dự án thành phần 2 đoạn qua TP Cần Thơ (dài 37km) cũng từng bước đón nhận tín hiệu tích cực về nguồn vật liệu. Ông Đặng Hoàng Vĩnh, Giám đốc Quản lý dự án - Ban điều hành cao tốc (thuộc Ban QLDA đầu tư xây dựng TP Cần Thơ) cho biết, nhu cầu cát cho dự án thành phần 2 là trên 7 triệu m3.

Hiện, một mỏ trên sông Tiền ở xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã được cấp phép khai thác với khối lượng 2,4 triệu m3. Số cát còn thiếu, chủ đầu tư đang gấp rút làm việc với các địa phương như Vĩnh Long, Tiền Giang… để tìm thêm nguồn, phấn đấu đạt kết quả vào cuối năm 2024.

"Cát được khai thác bắt đầu từ hơn một tháng qua, đến thời điểm này đã về tới công trường khoảng 200.000m3, chỉ đủ thi công đường công vụ, san lấp nền đường đào sẵn. Trong tháng 6, nhà thầu sẽ đẩy nhanh tiến độ đưa cát về công trình, phấn đấu đạt gấp đôi khối lượng đưa về công trường, khoảng 7.000m3/ngày", ông Vĩnh thông tin.

Tham gia thi công dự án tại gói thầu số 44, ông Nguyễn Văn Nam, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thành Huy cho biết, ngay sau khi mỏ cát trên sông Tiền thuộc xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới được tỉnh An Giang bàn giao, trên công trường, nhà thầu đã huy động 300 công nhân, 100 máy móc, thiết bị để tăng tốc các hạng mục. Tuy nhiên, nhu cầu cát thi công cần khoảng 12.000m3/ngày trong khi thực tế chỉ đạt 5.000m3/ngày. Đơn vị sẽ tiếp tục đề xuất địa phương nâng công suất.

Cao tốc trục dọc chờ cát biển

Những ngày đầu tháng 6/2024, trên công trường cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, hơn 70 mũi thi công luôn tất bật.

Tuy nhiên, ông Lê Tuấn Anh, Chỉ huy trưởng thuộc nhà thầu CC1 cho hay, nguồn cát đưa về công trường chưa đáp ứng kỳ vọng. Trên tổng nhu cầu 800.000m3, khối lượng đưa về công trình mới đạt khoảng 400.000m3.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), đối với 2 dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau, các địa phương đã xác định nguồn cung và cấp bản xác nhận khai thác cho dự án là 16/19 triệu m3. Thực tế, các nhà thầu đang khai thác 13,1 triệu m3, chưa thể khai thác 2,92 triệu m3. Khối lượng cát đưa về công trường được hơn 5,5 triệu m3.

Nhu cầu cát cần đưa về công trường đến hết năm 2024 để hoàn thành công tác đắp gia tải theo kế hoạch là hơn 11 triệu m3. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là công suất khai thác còn hạn chế, chỉ đạt trung bình 25.000m3/ngày, trong khi nhu cầu cần cung ứng từ 55.000-60.000m3/ngày.

Hai mỏ vật liệu ở Vĩnh Long dù được cấp bản xác nhận từ tháng 2/2024 nhưng chưa thể khai thác do người dân cản trở. Chủ đầu tư dự án đã làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng để triển khai các thủ tục khai thác cát biển.

Tỉnh Sóc Trăng đã chấp thuận cho các nhà thầu được phép lập hồ sơ, thủ tục đăng ký khai thác cát biển theo cơ chế đặc thù và đã có văn bản gửi Bộ TN&MT để giao khu vực biển cho nhà thầu. Các nhà thầu đã trình hồ sơ để tỉnh Sóc Trăng cấp xác nhận khối lượng khai thác song tiến độ cấp phép chưa đáp ứng yêu cầu.

"Cần lưu ý, việc khai thác cát biển chỉ có thể thực hiện đến hết tháng 8, sau đó là khoảng thời gian biển động. Nếu mỏ cát biển không đưa vào khai thác từ tuần đầu tháng 6/2024, kế hoạch đến hết tháng 10/2024 cấp đủ 18,5 triệu m3 cát cho cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau sẽ khó đáp ứng", ông Minh chia sẻ.

Gỡ nút thắt nguồn cát biển

Nhằm tháo gỡ nguồn vật liệu thi công cao tốc, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng mới đây đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc quản lý, cấp phép khai thác cát biển.

Về áp dụng cơ chế đặc thù, Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH quy định chỉ có hiệu lực trong hai năm (2022 và 2023). Trong khi đó, Nghị quyết số 106 của Quốc hội không đề cập cơ chế đặc thù đối với cát biển.

Một khó khăn nữa là các mỏ cát biển trong khu B1 tỉnh Sóc Trăng nằm ngoài phạm vi vùng biển 6 hải lý (không thuộc thẩm quyền quản lý và cấp phép của tỉnh). Trong khi chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền giao hoặc ủy quyền cho UBND tỉnh cấp phép khai thác cát biển tại khu vực biển này.

Đề xuất giải pháp xử lý nút thắt trên, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao thẩm quyền cho UBND tỉnh Sóc Trăng hoặc chỉ đạo Bộ TN&MT có văn bản ủy quyền cho tỉnh Sóc Trăng được cấp phép khai thác cát biển đối với khu vực B1 đã được đánh giá. Đồng thời, chỉ đạo Bộ TN&MT sớm giao khu vực biển cho nhà thầu được khai thác khoáng sản (cát biển) theo cơ chế đặc thù.

Bổ sung thêm nguồn cát ở Tiền Giang, Bến Tre

Lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, các tỉnh: An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng đã dành nguồn cát tối đa cấp cho dự án và khó có thể cân đối thêm.

Kết quả làm việc của đoàn công tác Bộ TN&MT cho thấy, trữ lượng cát sông tại hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre còn tương đối lớn (kết quả nghiên cứu sơ bộ khoảng hơn 65 triệu m3), có thể ưu tiên cung cấp cho các dự án cao tốc. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đang tiếp tục rà soát, tổng hợp nhu cầu vật liệu cát thi công để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Một số nội dung cũng đang được Cục đề xuất lãnh đạo Bộ xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương giải quyết như: Cho phép nhà thầu đã được cấp mỏ ở dự án này có thể linh hoạt điều phối cho dự án khác gấp rút tiến độ hơn; Đẩy nhanh thủ tục triển khai các dự án nạo vét thông luồng để có nguồn cát thi công…


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.