Đường bộ

Chạy đua nối thông, mở rộng cao tốc huyết mạch

31/05/2024, 12:34

Không chỉ nỗ lực nối thông các dự án đầu tư mới, Bộ GTVT đang rốt ráo phối hợp nghiên cứu, đề xuất phương án nâng cấp mở rộng hàng loạt tuyến cao tốc.

3 năm, làm xong 800km cao tốc

Kỳ 1: Cao tốc đến đâu, làm giàu đến đó

Kỳ 2: Chạy đua nối thông, mở rộng cao tốc huyết mạch

Cùng với rốt ráo thi công, rút ngắn tiến độ hoàn thành các dự án trên trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nhiều tuyến cao tốc phân kỳ cũng đang được Bộ GTVT cân đối nguồn lực để sớm nâng cấp, đáp ứng nhu cầu vận tải gia tăng nhanh chóng.

Loạt dự án đua rút ngắn tiến độ

Những ngày cuối tháng 5, tranh thủ những ngày nắng đẹp, công trường dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi vẫn rộn vang tiếng máy ngày đêm vì mục tiêu rút ngắn tiến độ theo cam kết với Bộ GTVT. 

Chạy đua nối thông, mở rộng cao tốc huyết mạch- Ảnh 1.

Hàng chục km cao tốc Vân Phong - Nha Trang đã được thảm nhựa.

Đảm nhận thi công hơn 22km chiều dài tuyến chính, 15 cầu, 2 nút giao liên thông tại gói thầu 11-XL, lãnh đạo Vinaconex cho biết, tính đến nay, sản lượng thi công của đơn vị đã đạt 42%, nhanh hơn so với hợp đồng ký kết 1%. 

Trên cùng dự án, Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) cũng cấp tập dồn lực từ sáng sớm đến tối muộn để bám đuổi tiến độ. "Mục tiêu cuối năm nay sẽ thảm khoảng 5km trên hơn 12km tuyến chính. Nhà thầu sẽ hoàn thành xong trước ngày 30/6/2025, rút ngắn 4 tháng so với hợp đồng", ông Trần Đình Ngân, Giám đốc điều hành thuộc Tổng công ty 319 thông tin. 

Theo Ban QLDA Thăng Long (chủ đầu tư), hiện sản lượng thi công toàn dự án đạt hơn 41% giá trị các hợp đồng, phấn đấu hoàn thành vào tháng 6/2025. 

Sau gần một năm rưỡi thi công với tinh thần "3 ca, 4 kíp", dự án cao tốc đoạn Vân Phong - Nha Trang ghi nhận nhiều điểm sáng. Theo Ban QLDA 7 (chủ đầu tư), sản lượng thực hiện tới nay đã đạt 51,5% giá trị hợp đồng, nhanh hơn 0,8% so với kế hoạch điều chỉnh. 

Ông Đặng Văn Dũng, Giám đốc dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang cho hay, đang kiến nghị địa phương khẩn trương thu hồi đất bổ sung đối với phần diện tích điều chỉnh cục bộ. Có mặt bằng hoàn chỉnh, các nhà thầu sẽ lập lại tiến độ, rút ngắn thời gian hoàn thành trước ngày 30/6/2025.

Tương tự, tại dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, hàng loạt mũi thi công cũng vừa được bổ sung trên cả hai gói thầu. Theo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư), hiện sản lượng thực hiện dự án đã đạt 39% giá trị hợp đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 10/2025. Song, các đơn vị đang đặt mục tiêu rút ngắn 3 tháng.

Quyết liệt tổ chức triển khai

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GTVT về việc đẩy nhanh tiến độ thi công, các chủ đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu quyết liệt tổ chức triển khai, phấn đấu rút ngắn tiến độ. 

Có 8/12 dự án thành phần rút ngắn tiến độ từ 3 - 6 tháng gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh và Vân Phong - Nha Trang.

Với 4 dự án thành phần còn lại (Vũng Áng - Bùng, Chí Thạnh - Vân Phong, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau) việc rút ngắn tiến độ gặp khó do phải xử lý nền đường qua khu vực đất yếu, thời gian chờ lún từ 10 - 12 tháng. Cùng đó, công tác GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật cũng chưa hoàn thành, nguồn vật liệu cát đắp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chưa đáp ứng đủ nhu cầu cũng khiến tiến độ các dự án bị ảnh hưởng.

Cân đối nguồn lực sớm nâng cấp loạt cao tốc

Không chỉ nỗ lực nối thông các dự án đầu tư mới, Bộ GTVT cũng đang rốt ráo phối hợp nghiên cứu, đề xuất phương án nâng cấp mở rộng hàng loạt tuyến cao tốc, đáp ứng nhu cầu vận tải gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua. 

Chạy đua nối thông, mở rộng cao tốc huyết mạch- Ảnh 2.

Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn. Ảnh Tạ Hải.

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Cục trưởng Cục Đường cao tốc VN cho biết, việc đưa các tuyến cao tốc vào khai thác thời gian đã phát huy hiệu quả, tạo động lực, sức lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. 

Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế, đáp ứng yêu cầu kết nối liên thông và nhu cầu vận tải giai đoạn trước mắt, một số tuyến cao tốc phải phân kỳ đầu tư nên hạn chế năng lực thông hành. 

Theo tính toán, nhu cầu vốn để thực hiện việc nâng cấp khoảng gần 494.600 tỷ đồng. Trong điều kiện vốn nhà nước còn khó khăn, Bộ GTVT đã đề xuất một số tiêu chí xác định thứ tự ưu tiên đầu tư, nâng cấp các tuyến cao tốc phân kỳ. 

Căn cứ vào các nguyên tắc, tiêu chí, Bộ GTVT đã đề xuất thứ tự ưu tiên theo 4 nhóm. Trong đó, một số tuyến được xác định cần nghiên cứu, sớm cân đối nguồn lực triển khai. 

Cụ thể, các đoạn Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên cần được nâng cấp quy mô từ 2 làn lên 4 làn xe. Nguyên nhân do hai đoạn tuyến nằm trên trục cao tốc Bắc - Nam huyết mạch. Trong khi hầu hết các đoạn tuyến khác đã được đầu tư 4 làn xe, hai đoạn này cần được đầu tư nâng cấp, đảm bảo khai thác đồng bộ, an toàn. 

Cùng trục tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Chính phủ đã bố trí vốn nâng cấp đoạn Cao Bồ - Mai Sơn từ 4 làn xe hạn chế lên 6 làn xe; đang cân đối vốn nâng cấp đoạn TP.HCM - Dầu Giây lên 6 - 8 làn xe (tùy từng đoạn). Ngoài ra, tuyến TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận cũng đang được nghiên cứu, cân đối đầu tư mở rộng theo phương thức PPP.   

Hiện đang khai thác quy mô 2 làn xe, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai cũng cần sớm được nâng đời lên 4 làn xe. Bởi nếu không sớm mở rộng sẽ tạo thành điểm nghẽn, việc thông thương hàng hóa khó khăn hơn. 

Tương tự, trên trục cao tốc từ Hà Nội đến Bắc Kạn hiện có cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã được đầu tư 4 làn xe. Tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn mới được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư quy mô 4 làn xe. Nếu đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới không được nâng cấp sẽ tạo thành "nút thắt", tăng nguy cơ ùn tắc và mất ATGT…

"Đối với các tuyến cao tốc đầu tư phân kỳ còn lại, trường hợp cân đối được vốn sẽ thực hiện nâng cấp mở rộng trong giai đoạn 2026 - 2030 hoặc sau năm 2030 tùy thuộc vào nhu cầu vận tải, tính cấp bách", ông Huy chia sẻ.

Theo Cục Đường cao tốc VN, tính đến nay, cả nước đã đưa vào khai thác hơn 2.000km đường bộ cao tốc.

Trong hơn 2.000km đã đưa vào khai thác có 1.144km đạt quy mô hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn; 544km quy mô 4 làn xe hạn chế (tính cả 30km cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, 79km cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo mới đưa vào khai thác); 313km quy mô 2 làn xe.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.