Ngày 15/5, theo thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh này vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ vướng mắc trong khai thác, cung ứng vật liệu cát đắp nền phục vụ thi công Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau đoạn qua địa bàn tỉnh (thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025).
Sớm gỡ khó vật liệu cát đắp nền
Theo đó, UBND tỉnh Cà Mau kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương có mỏ cát tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp thiết thực, hiệu quả để tập trung tháo gỡ vướng mắc trong khai thác, cung ứng vật liệu cát đắp nền, bảo đảm việc khai thác cát đáp ứng tiến độ thi công.
Qua đó, cơ bản hoàn thành tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trong năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026 theo đúng kế hoạch, tạo động lực để thúc đẩy phát triển cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Cà Mau.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh này vừa phối hợp với Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) rà soát các khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Qua rà soát cho thấy, đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Cà Mau đang vướng chủ yếu do nguồn cung cấp vật liệu cát đắp nền chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ.
Cụ thể, tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường cho tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (trong đó có đoạn Hậu Giang - Cà Mau) cần khoảng 18,5 triệu m3, nhưng thực tế đến nay các nhà thầu tiếp nhận về công trường được khoảng hơn 3,5 triệu m3.
Sản lượng chỉ tập trung ở phần công trình cầu
Trong khi đó, vật liệu cát sông đến nay chưa xác định đủ nguồn cung. Việc hoàn thiện thủ tục để khai thác tại các mỏ còn chậm; công suất khai thác của các mỏ chưa đáp ứng tiến độ thi công do bị khống chế công suất khai thác cát theo ngày bởi quy định trong hồ sơ đánh giá tác động môi trường và quyết định giao mỏ.
UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, với khối lượng, công suất khai thác mỏ như hiện nay, tiến độ dự án đến hết năm 2025 sẽ chậm khoảng 5 - 6 tháng so với tiến độ được duyệt.
Còn theo phản ánh của các nhà thầu, cần sớm hoàn thành cấp phép bổ sung các mỏ mới và nâng công suất khai thác đối với các mỏ vật liệu cát sông đang khai thác.
Đối với cát biển, mặc dù có trữ lượng lớn, nhưng đến nay chưa hoàn thiện các thủ tục liên quan nên chưa thể khai thác đưa vào sử dụng cho các dự án.
Được biết, đến nay, dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau sản lượng đạt 3.102/11.957 tỷ đồng (25,9%); sản lượng chỉ tập trung ở phần công trình cầu, phần tuyến chính cao tốc phải xử lý đất yếu là đường găng của dự án, nhưng do thiếu vật liệu cát đắp nền, nên triển khai chậm.
Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đi qua địa bàn bốn tỉnh: Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau, do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư.
Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau có điểm đầu nối với điểm cuối cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang (thuộc huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang); điểm cuối giao với đường hành lang ven biển phía Nam (thuộc huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), với chiều dài 73,223 km và tuyến nối dài 16,597 km, tổng mức đầu tư trên 17.152 tỷ đồng.
Tuyến cao tốc giai đoạn phân kỳ đầu tư bốn làn xe bề rộng nền 17m; giai đoạn hoàn chỉnh bốn làn xe bề rộng nền 24,75m. Vận tốc thiết kế 100km/h.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận