Hạ tầng

Cao tốc “mở cửa” vùng Kinh Bắc

22/01/2016, 09:10

Đầu tháng 1/2016, cao tốc Hà Nội- Bắc Giang dài hơn 45km, vận tốc thiết kế 100 km/h đã chính thức được thông xe.

Dự án đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian lưu
Một đoạn cao tốc Hà Nội - Bắc Giang.

Đầu tháng 1/2016, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang dài hơn 45km, vận tốc thiết kế 100 km/h đã chính thức được thông xe và đưa vào khai thác toàn tuyến chỉ sau gần hai năm triển khai xây dựng, mở cánh cửa thu hút đầu tư, phát triển kinh tế cho hai tỉnh vùng đất Kinh Bắc.

Chỉ cách TP Hà Nội khoảng 70km, trước đây, các phương tiện lưu thông trên QL1 từ Bắc Giang về Thủ đô phải mất gần hai tiếng đồng hồ do mặt đường nhỏ hẹp lại xuống cấp, tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra, kèm theo nguy cơ TNGT luôn rình rập, điều này đã làm không ít các doanh nghiệp có ý định đầu tư vào địa phương phải nản lòng. Đây là nút thắt khiến Bắc Giang, một địa phương có vị trí chiến lược nằm trên tuyến hành lang đường bộ Hà Nội - Lạng Sơn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thúc đẩy phát triển KT-XH.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc huy động các nguồn xã hội hoá tham gia phát triển hạ tầng giao thông, đầu năm 2014, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức BOT với tổng số vốn gần 4.200 tỷ đồng. Tuyến đường với chiều dài 45,8km được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc gồm 4 làn xe, cho phép phương tiện chạy với vận tốc 100 km/h.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Hà Nội - Bắc Giang (nhà đầu tư dự án) cho biết, công trình rút ngắn thời gian khoảng 6 tháng, đưa vào khai thác sớm không chỉ giúp nhà đầu tư tiết giảm gần 500 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt do tiết kiệm được lãi suất ngân hàng, chi phí dự phòng, trượt giá mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại an toàn, thông thương hàng hóa.

“Tuyến cao tốc hiện đại với bốn làn xe rộng mở, mặt đường thảm bê tông nhựa đảm bảo chất lượng giúp các phương tiện đi lại êm thuận, tiết giảm thời gian lưu thông cho các phương tiện trên cung đường Bắc Giang - Hà Nội còn khoảng 45 phút thay vì gần hai giờ như trước đây”, ông Tuấn cho hay.

“Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2015 của tỉnh Bắc Giang đạt gần 10%. Kết quả này có được là nhờ phần đóng góp lớn của hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn được đầu tư xây dựng, đặc biệt là tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang”.

Ông Lại Thanh Sơn,Phó Chủ tịch UBNDtỉnh Bắc Giang

Hiệu quả đầu tư của tuyến cao tốc hiện đại nối liền Thủ đô với vùng đất quê hương quan họ được phát huy ngay từ thời kỳ “thai nghén”, bởi kể từ thời điểm chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt đã tạo ra một cú hích lớn, mở toang cánh cửa để các địa phương dọc tuyến đường đi qua thu hút đầu tư, phát triển KT-XH, đặc biệt là hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Hàng loạt các khu công nghiệp quy mô lớn đã và đang từng ngày mọc lên dọc tuyến cao tốc đi qua như: Khu công nghiệp Đại Đồng - Hoàng Sơn, KCN Tiên Sơn (tỉnh Bắc Ninh), KCN Đình Trám (Bắc Giang),…

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang có vai trò rất quan trọng để địa phương thu hút được nguồn vốn “khủng” từ các doanh nghiệp đầu tư vào Bắc Giang suốt hai năm qua. Ông Sơn dẫn chứng, năm 2014, số vốn đăng ký đầu tư vào Bắc Giang lên tới 250 triệu USD, trong khi đó, chỉ tính riêng nửa đầu năm 2015, con số này đã là 200 triệu USD.

“Kể từ thời điểm tuyến cao tốc được bắt đầu triển khai xây dựng, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng được lấp đầy 100%. Đặc biệt, trong năm 2015, chúng tôi đã phải mở thêm hai khu công nghiệp mới trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào Bắc Giang”, ông Sơn chia sẻ.

img

Xe phục vụ Đại hội Đảng 12 được cấp biển số riêng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.