Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương hỗ trợ ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án đường bộ cao tốc đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa |
Hôm nay (14/1), Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương hỗ trợ ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án đường bộ cao tốc đoạn Ninh Bình (Mai Sơn) - Thanh Hóa (Quốc lộ 45) và đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ GTVT căn cứ nguyên tắc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 của Bộ, ngành trung ương và địa phương theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn để hỗ trợ thực hiện các dự án trên.
Dự án đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa có chiều dài 107,28 km, đi qua 2 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa. Dự án được tách thành 2 dự án riêng biệt là Dự án đường bộ cao tốc đoạn Ninh Bình (Mai Sơn) - Thanh Hóa (Quốc lộ 45) và Dự án đường bộ cao tốc đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Tuyến đường Ninh Bình - Thanh Hóa hiện là tuyến giao thông quan trọng, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn.
Cũng trong cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ GTVT và ý kiến của Bộ Tài chính về việc chuyển chức năng cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án đầu tư xây dựng quốc lộ 12B đoạn Tam Điệp - Nho Quan, tỉnh Ninh Bình về Bộ GTVT.
Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giữ nguyên các nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây lắp đã được lựa chọn theo hình thức đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại văn bản số 318/TTg-KTN ngày 9/3/2012.
Bộ GTVT có trách nhiệm phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện các thủ tục bàn giao, tiếp nhận lại dự án theo quy định.
Dự án xây dựng quốc lộ 12B đoạn Tam Điệp - Nho Quan có tổng chiều dài 27,5 km theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Quốc lộ 12B, điểm đầu giao với Quốc lộ 1A tại km276+884, điểm cuối giáp địa phận huyện Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình).
Khi đi vào hoạt động, quốc lộ này không chỉ phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương mà còn phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn khi sông Hồng xả lũ, phòng chống cháy rừng quốc gia Cúc Phương, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng Tây Bắc, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 1A, đồng thời giảm tải ùn tắc giao thông nhất là trong mùa du lịch, lễ hội hàng năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận