Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Khu Quản lý đường bộ IV (Cục Đường bộ Việt Nam thuộc Bộ GTVT) cho biết, đến thời điểm hiện tại đơn vị chưa nhận được thông báo về thời gian thu phí chính thức của tuyến cao tốc này.
Cán bộ này thông tin, cuối tháng 6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Đường bộ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025. Trong đó, quy định về phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác, hiệu lực thực hiện từ 1/10/2024.
"Thời gian thu phí cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vẫn chưa chốt. Theo tôi được biết, hiện Bộ GTVT đang trong quá trình lập tờ trình, dự thảo Nghị định có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi nghị định được phê duyệt, đơn vị thực hiện việc thu phí sẽ lên kế hoạch, phương án cụ thể rồi mới bắt đầu thu phí", đại diện Khu Quản lý đường bộ IV thông tin thêm.
Dự án có tổng mức đầu tư dự án khoảng 4.826 tỷ đồng, chính thức lưu thông hồi cuối tháng 12/2023.
Như Báo Giao thông đã thông tin, ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Đường bộ 2024, Bộ GTVT chính thức xin ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc. Dự kiến thời gian trình Chính phủ trước ngày 15/8.
Theo Bộ GTVT, hiện có 12 dự án, đoạn tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư, đại diện chủ sở hữu đã đưa vào khai thác. Trong đó, có 10 đoạn tuyến dự kiến thu phí là Hà Nội - Thái Nguyên, TP.HCM - Trung Lương, Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Trong dự thảo nghị định, Bộ GTVT đề xuất mức phí sử dụng cao tốc nhà nước đầu tư như sau: mức phí sử dụng đường cao tốc đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện triển khai thu phí (mức 1): tương đương với 70% lợi ích thu được khi sử dụng đường cao tốc (khoảng 1.300 đồng/xe/km).
Mức phí sử dụng đường cao tốc áp dụng đối với các dự án đường cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành, khi đưa vào khai thác mà chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định tại Luật Đường bộ (mức 2): tương đương với 50% lợi ích thu được khi sử dụng đường cao tốc (khoảng 900 đồng/xe/km).
Bộ GTVT nhấn mạnh, mức phí được xây dựng trên cơ sở lợi ích của của chủ phương tiện. Đồng thời có tham khảo thông lệ quốc tế, theo đó người sử dụng đường cao tốc thường sẵn sàng chi trả mức chi phí tương đương với 50-70% lợi ích thu được khi sử dụng đường cao tốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận