Hạ tầng

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vừa thi công nước rút vừa chờ đất đắp

04/04/2023, 20:29

Dù UBND tỉnh Đồng Nai đã cho gia hạn các mỏ để lấy đất đắp thi công đường dân sinh nhưng hiện nhà thầu vẫn phải chờ hoàn thiện thủ tục.

Những ngày đầu tháng 4/2023, trên công trường cao tốc dài 99 km, nhà thầu đang tiếp tục thi công các hạng mục thảm nhựa mặt đường, an toàn giao thông, lắp dải phân cách, biển báo...

img

Một biển báo vừa được lắp đặt hoàn chỉnh phạm vi gói thầu XL03 qua Đồng Nai

Trên công trường gói thầu XL03, dưới trời nắng gay gắt, nhiều tốp công nhân hối hả làm việc. Tại nút giao kết nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, các đường nhánh đang được tăng tốc thi công lớp nhựa cuối cùng.

Còn tại gói thầu XL04, ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc điều hành gói thầu (thuộc Tổng công ty Xây dựng Thăng Long) cho biết, hiện tại các hạng mục trên tuyến chính vẫn đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch thông xe cuối tháng 4/2023.

Nhà thầu đang tập trung thi công các hạng mục lắp hộ lan, rào, tôn lượn sóng, sơn vạch kẻ đường, tiêu phản quang, đang thảm lớp bê tông nhựa tạo nhám trên phần tuyến chính và sẽ hoàn thành trước 15/4.

img

Một nhánh nút giao kết nối cao tốc Long Thành đã sơn vạch kẻ đường, lắp hộ lan hoàn chỉnh

Theo nhà thầu, cuối tháng 3, tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận gia hạn với 4 dự án cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi vật liệu san lấp (mỏ đất) chỉ để phục vụ xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có đất đắp thi công, hiện các gói thầu vẫn đang thiếu khoảng 60.000 m3 đất đắp tại 3 vị trí cầu các đường dẫn cầu, đường gom dân sinh.

"Hiện, nhà thầu vẫn chưa lấy được đất ra công trường, do chờ hoàn thiện thủ tục gia hạn các mỏ đất, dự kiến trước 10/4 các mỏ mới được tiếp tục khai thác trở lại, chúng tôi đang rất sốt ruột”, ông Đoàn chia sẻ.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc điều hành gói thầu XL03 cho hay, đến hiện tại nhà thầu vẫn chưa lấy được đất thi công các vị trí đường dẫn đầu cầu, đường ngang dân sinh, đường gom.

Trên toàn tuyến nhà thầu đang bố trí 13 mũi thi công các hạng mục sơn vạch kẻ đường, lắp biển báo, hộ lan, giá long môn, hàng rào. Dự kiến, các hạng mục này thi công xong trước 25/4.

Toàn gói thầu còn 22.000 tấn thảm nhựa tạo nhám, trên công trường nhà thầu bố trí hai dây chuyền mỗi ngày thảm 2.000-3.000 tấn tăng tốc về đích trước 20/4.

"Khi có đất đắp chúng tôi sẽ tập trung ưu tiên trước các đường dẫn 6 cầu vượt kết nối với đường dân sinh để khi thông xe có đường cho người dân đi cắt ngang qua cao tốc", ông Hải nói.

img

Một đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua Đồng Nai

Tại gói thầu XL02 qua huyện Hàm Tân (Bình Thuận), ông Trần Văn Sơn, Chỉ huy trưởng thi công gói thầu thuộc Tập đoàn Cienco 4 cho biết, phần cầu vượt đã thi công xong, tuyến chính đang thi công hoàn thiện thảm bê tông nhựa tạo nhám cuối cùng, khe co giãn.

Hiện, nhà thầu đang bố trí 9 mũi thi công hoàn thiện các hạng mục ATGT và cơ bản hoàn thành các hạng mục nhà thầu trước 20/4.

Theo Ban điều hành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, để đảm bảo tiến độ, Ban điều hành đã yêu cầu các nhà thầu bổ sung nguồn bê tông nhựa, tăng tốc thảm nhựa mặt đường và các hạng mục ATGT.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km đi qua hai tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận. Theo kế hoạch, cao tốc này sẽ thông xe dịp cuối tháng 4/2023.

Ngày 25/3, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ GTVT, Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc giải quyết vướng mắc trong cung cấp vật liệu san lấp tại dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện như đề xuất của Thanh tra Chính phủ, cho phép tiếp tục giải quyết việc cung cấp vật liệu san lấp, không để ảnh hưởng đến tiến độ công trình.

Đến ngày 28/3/2023, Phó chủ tịch UBND Võ Văn Phi đã ký văn bản về việc chấp thuận gia hạn với 4 dự án cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi vật liệu san lấp (mỏ đất) chỉ để phục vụ xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Theo tính toán, hiện dự án cần khoảng 620.000 m2 đất đắp. Nếu không được gia hạn khai thác thì dự án không thể hoàn thành vào ngày 30/4/2023 như kế hoạch.

Vào năm 2022, Đồng Nai đã cấp phép cho các đơn vị liên quan được khai thác đất trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ và huyện Xuân Lộc để phục vụ cho dự án.

Tuy nhiên, đến ngày 31/12/2022 thì hết hạn. Từ đầu năm 2023 đến nay, do thiếu nguồn đất đắp nên nhiều hạng mục như cầu vượt, đường ngang dân sinh thuộc địa phận Đồng Nai chưa thể triển khai thi công.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.