Hạ tầng

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cần gỡ vướng gì?

02/08/2019, 06:30

Quá trình triển khai, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã gặp phải không ít khó khăn vướng mắc khiến không thể về đích đúng hẹn.

img

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có ý nghĩa rất quan trọng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long - vùng kinh tế trọng điểm gồm 13 tỉnh với hơn 20 triệu dân. Tuy nhiên, quá trình triển khai, dự án đã gặp phải không ít khó khăn vướng mắc khiến không thể về đích đúng hẹn. Báo Giao thông trao đổi với ông Trần Văn Thế, Phó Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận xung quanh câu chuyện này.

Ngân hàng ra điều kiện đánh đố giải ngân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
Dồn sức hoàn thành để giữ lời hứa
với người dân ĐBSCL

Ngày 30/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy dự án tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Sau khi lắng nghe các ý kiến về tình hình triển khai dự án, các vướng mắc cũng như giải pháp tháo gỡ, phát biểu kết luận, Thủ tướng nêu rõ, tỉnh Tiền Giang, với vai trò cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với dự án, phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, các tỉnh ĐBSCL về đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này.
Về tiến độ, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu cơ bản thông xe toàn tuyến vào năm 2020 và khánh thành vào năm 2021. Bên cạnh bảo đảm tiến độ thì chất lượng là vấn đề đặt ra hàng đầu, không phải vì thúc đẩy tiến độ mà “làm trước hỏng sau”. Thủ tướng hy vọng sau cuộc họp này thì chỉ còn nghe về những đơn vị, con người kiên cường thi công để bảo đảm tiến độ, không còn phải nghe về những ách tắc, khó khăn như vừa qua vướng phải.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 1/8, Thủ tướng tiếp tục đề cập tới việc phải thúc đẩy dự án, đồng thời ông cho biết, Chính phủ quyết tâm dồn sức để lo làm xong tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vì lời hứa với đồng bào ĐBSCL nhiều năm chưa thực hiện được.


Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một trong những dự án giao thông lận đận nhất khi đã triển khai 10 năm, phải chuyển đổi nhiều hình thức đầu tư, thay thế chủ đầu tư nhưng vẫn chưa hoàn thành. Vậy những vướng mắc lớn nhất tại dự án hiện nay là gì, thưa ông?

Đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau tại các dự án giao thông lớn như hầm Đèo Cả, Cổ Mã đến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, nhưng tôi chưa thấy dự án nào gặp nhiều trắc trở như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Một dự án cao tốc quy mô lớn, tác động đến hàng chục triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng tính từ lúc khởi động (tháng 11/2009) đến nay đã 10 năm không những chưa hoàn thành mà vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc.

Trong đó, hai vấn đề nổi cộm nhất là nguồn vốn tín dụng cho dự án chưa được giải ngân và hồ sơ điều chỉnh dự án chưa được phê duyệt. Đây chính là những nút thắt đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thông xe và hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án đã ký hợp đồng tín dụng từ tháng 6/2018 do VietinBank là ngân hàng đầu mối thu xếp vốn. Nhà đầu tư đã bỏ ra gần 2.500 tỷ đồng, tỉnh Tiền Giang cũng ứng trước hơn 200 tỷ đồng để triển khai dự án, vì sao vốn tín dụng vẫn chưa giải ngân được, thưa ông?

Nguyên nhân chính do VietinBank chưa tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của hợp đồng tín dụng đã ký trước đây. Đồng thời, các ngân hàng hợp vốn cho dự án còn đưa ra nhiều yêu cầu mới chưa phù hợp với thực tế trong quá trình thẩm định cho vay vốn đối với dự án điều chỉnh nên nguồn vốn tín dụng chưa thể giải ngân.

Cụ thể ngân hàng đưa ra các điều kiện như thế nào, thưa ông?

Đầu tiên, ngân hàng yêu cầu mức vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 30% tổng vốn đầu tư (khoảng 3.765 tỷ đồng), con số này cao hơn rất nhiều so với mức 20% được Bộ GTVT tính toán áp dụng cho các dự án cao tốc Bắc - Nam, cũng như các dự án khác áp dụng theo quy định của Nghị định 63/2018, tối thiểu chỉ từ 12 - 15%.

Hơn nữa, pháp luật hiện hành quy định phần vốn Nhà nước tham gia trong dự án PPP không tính vào tổng vốn đầu tư để làm cơ sở xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong tổng vốn đầu tư. Tuy nhiên, phía ngân hàng lại đưa ra cách tính phần vốn cho vay sẽ bao gồm cả phần vốn ngân sách hỗ trợ cho dự án (khoảng 2.500 tỷ đồng) dẫn đến phần vốn chủ sở hữu yêu cầu đối với nhà đầu tư tham gia dự án là quá cao, chưa hợp lý.

Cụ thể, phía ngân hàng đưa ra điều kiện mức vốn ngân sách Nhà nước tham gia vào dự án 20,5% (khoảng 2.575 tỷ đồng), mức vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 30% (khoảng 3.765 tỷ đồng), ngân hàng chỉ cho vay tối đa 49,5% tổng vốn đầu tư (khoảng 6.210 tỷ đồng).

Trong khi, Bộ GTVT đã có ý kiến với Ngân hàng VietinBank là áp dụng mức vốn chủ sở hữu 20% như các dự án cao tốc Bắc - Nam đang triển khai đầu tư. Kiểm toán Nhà nước cũng yêu cầu nhà đầu tư xây dựng phương án đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu là 20% tổng vốn đầu tư không bao gồm phần hỗ trợ của ngân sách Nhà nước trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh phương án tài chính và làm cơ sở để đàm phán với ngân hàng cho vay đủ tỷ lệ vốn vay là 80% tổng vốn đầu tư.

Rõ ràng, nếu áp dụng theo yêu cầu của ngân hàng về tỷ lệ vốn chủ sở hữu là 30% sẽ sai khác rất lớn so với các quy định của những dự án đã triển khai, đồng thời chưa phù hợp với ý kiến của Bộ GTVT, Kiểm toán Nhà nước và chẳng khác nào đánh đố nhà đầu tư trong việc đáp ứng nguồn vốn chủ sở hữu theo yêu cầu của ngân hàng.

Ngoài ra, các ngân hàng tài trợ vốn còn yêu cầu nhà đầu tư đàm phán với các tổ chức tín dụng khác để cho vay phần thuế giá trị gia tăng và gửi thông báo cam kết cấp tín dụng khoảng 930 tỷ đồng đến ngân hàng đầu mối trước ngày giải ngân đầu tiên. Đây là yêu cầu rất khó đáp ứng khi thời gian hoàn thuế VAT phụ thuộc vào việc giải quyết của cơ quan thuế và khả năng ngân sách từng giai đoạn.

Hồ sơ thủ tục vẫn vướng mắc

Như ông nói dự án còn vướng mắc cả về hồ sơ, thủ tục. Cụ thể là những thủ tục gì, thưa ông?

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tái khởi động lần 2 dự án vào tháng 3/2019, chúng tôi đã rà soát lại toàn bộ quá trình phê duyệt điều chỉnh dự án trước đây và nhận thấy nhiều bất cập.

Ban đầu, dự án được phê duyệt tổng mức đầu tư là 14.678 tỷ đồng, sau khi điều chỉnh tăng quy mô nhưng tổng mức đầu tư điều chỉnh còn 9.669 tỷ đồng. Quy mô tăng lên nhưng tổng mức đầu tư dự án lại giảm hơn 5.000 tỷ đồng là rất vô lý. Vừa qua, doanh nghiệp dự án đã chỉ đạo tư vấn lập hồ sơ điều chỉnh, cập nhật các giải pháp kỹ thuật, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành, giá trị tổng mức đầu tư của dự án sau khi được Viện Kinh tế - Bộ Xây dựng thẩm tra là 12.550 tỷ đồng.

Trên cơ sở đó, doanh nghiệp dự án đã trình UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT hồ sơ điều chỉnh dự án. Vừa qua, Bộ GTVT đã có ý kiến thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở điều chỉnh, tuy nhiên, UBND tỉnh Tiền Giang lại chưa phê duyệt dự án điều chỉnh và chưa ký phụ lục hợp đồng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án.

Chỉ quyết tâm của nhà đầu tư là không đủ

img
Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đến nay đạt 25% khối lượng công việc

Tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc của dự án Trung Lương - Mỹ Thuận hôm 30/7, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nhắc lại yêu cầu phải cơ bản thông xe dự án vào năm 2020 và hoàn thành trong năm 2021. Theo ông, giải pháp để hoàn thành mục tiêu này là gì?

Những khó khăn vướng mắc tại dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có nhiều điểm tương đồng với dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn như: Năng lực nhà đầu tư yếu, dự án không vay được vốn tín dụng, trong liên danh nhà đầu tư có nhà đầu tư bị khởi tố hình sự,… nhưng cũng đã được giải cứu thành công bởi Tập đoàn Đèo Cả.

Dự kiến, cuối năm nay, tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn sẽ hoàn thành, vượt tiến độ 3 tháng. Tôi tin rằng, nếu dự án Trung Lương - Mỹ Thuận áp dụng các giải pháp như đã từng thực hiện tại dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chắc chắn cũng sẽ thành công, đảm bảo đúng tiến độ hoàn thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Để dự án triển khai đảm bảo tiến độ cần sự chung tay vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương liên quan, chứ chỉ nỗ lực của riêng nhà đầu tư là điều không thể.

Do vậy, để đạt mục tiêu cơ bản thông tuyến vào năm 2020, hoàn thành dự án vào năm 2021, trước tiên, tỉnh Tiền Giang phải nhanh chóng hoàn thành việc phê duyệt điều chỉnh dự án và ký kết phụ lục hợp đồng dự án ngay đầu tháng 8/2019 làm cơ sở để dự án triển khai các bước tiếp theo. Đối với phần vốn tín dụng cho dự án, Ngân hàng Nhà nước cần khẩn trương chỉ đạo các ngân hàng hợp vốn cho dự án như: VietinBank, BIDV, Agribank, VP Bank xác định khả năng tài trợ vốn để giải quyết vướng mắc, sớm hoàn tất thủ tục thẩm định tài trợ vốn, đảm bảo điều kiện giải ngân.

Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang và VietinBank để giải quyết các vướng mắc về nguồn vốn tín dụng. Trường hợp ngân hàng không có khả năng thực hiện, các yêu cầu đưa ra tiếp tục vượt quá thẩm quyền, Chính phủ cần xem xét giao cho ngân hàng khác thu xếp, không để tình trạng thiếu vốn kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thông xe, hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Ngoài tiến độ, Thủ tướng cũng yêu cầu phải đặt chất lượng dự án lên hàng đầu, không phải vì thúc đẩy tiến độ mà làm trước hỏng sau, để người dân kêu ca, phàn nàn do không giám sát, thi công ẩu… Vậy, dự án sẽ triển khai công tác bảo đảm chất lượng thế nào?

Sau khi các vướng mắc về vốn tín dụng được tháo gỡ và thiết kế, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá lại năng lực các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát để bổ sung, tăng cường các đơn vị đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm để tổ chức thi công đồng loạt trên toàn tuyến. Đồng thời, chúng tôi sẽ áp dụng các giải pháp tổ chức thi công tối ưu bù đắp tiến độ, kiểm soát khối lượng theo hướng chuyên nghiệp hóa trong các công việc và vận dụng các giải pháp kỹ thuật đồng bộ, tập kết sẵn sàng vật liệu thi công,…

Đặc biệt, công tác đảm bảo chất lượng cho dự án sẽ được ưu tiên, chú trọng hàng đầu. Doanh nghiệp dự án sẽ tiếp tục tăng cường đội ngũ tư vấn giám sát để đảm bảo tính minh bạch, khách quan và nâng cao chất lượng công trình. Quan điểm của chúng tôi là các tư vấn được tuyển chọn phải có chứng chỉ hành nghề, đảm bảo năng lực chuyên môn, dứt khoát không có thái độ vòi vĩnh, nhũng nhiễu nhà thầu. Bất cứ nhà thầu hay tư vấn nào có dấu hiệu về vi phạm chất lượng công trình sẽ bị xử lý nghiêm, cần thiết sẽ loại ngay khỏi dự án.

Cảm ơn ông!

Không để thêm một lần “lỗi hẹn”

Sáng 1/8, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cùng các đại diện các bộ, ngành T.Ư có buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để bàn các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án.

Giải phóng mặt bằng đạt hơn 99%

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT và nhà đầu tư thống nhất cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ công trình theo cam kết. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại liên quan cần vào cuộc để kịp thời hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết nguồn vốn tín dụng cho vay theo quy định, kiên quyết không để công trình thêm một lần “lỗi hẹn”.

Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Hưởng, Chủ UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, các bên đã thống nhất tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh lên khoảng 12.500 tỷ đồng, tăng hơn 2.833 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư dự án theo Quyết định số 1700/QĐ-BGTVT ngày 15/6/2017 của Bộ GTVT. Trong ngày 2/8, UBND tỉnh sẽ ký phê duyệt tổng mức đầu tư được điều chỉnh và trong tuần sau UBND tỉnh sẽ có buổi làm việc với phía ngân hàng để giải quyết vướng mắc về vốn vay của án.

Cũng theo ông Hưởng, từ sau khi chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang, địa phương đã phối hợp nhà đầu tư dự án trao đổi, giải quyết các kiến nghị còn vướng mắc trong quá trình triển khai. Trong đó, tổ chức xác định khối lượng hiện trường đã thực hiện trước ngày chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; ký kết phụ lục hợp đồng với doanh nghiệp dự án…

Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài 51,1 km với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa nối đường cao tốc TP HCM - Trung Lương và điểm cuối tại nút giao với QL30.

Dự án có 3.292 hộ dân bị ảnh hưởng phải giải tỏa với tổng số tiền đền bù GPMB hơn 1.689 tỷ đồng và đã bàn giao được 50,77 km mặt bằng, đạt 99,34%. UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ đền bù 44 hộ còn lại, giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho doanh nghiệp dự án.

Vốn tín dụng sẽ sớm được giải ngân

Ông Mai Mạnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, sau khi được sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang, Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã rốt ráo vào cuộc, đến nay hai vấn đề lớn đã được giải quyết. Về vốn, là vấn đề cốt lõi nhất, trong dự án này có 3 nguồn vốn: Vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư, đến nay đã giải ngân hết gần 2.500 tỷ đồng (là vốn tự có của chủ đầu tư), còn lại là hỗ trợ ngân sách nhà nước 2.186 tỉ đồng (tại cuộc họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, ngành liên quan khẩn trương trình Thủ tướng phê duyệt) và vốn tín dụng.

Đối với vốn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cam kết sẽ tài trợ cho dự án, chủ lực là ngân hàng VietinBank, đồng thời việc giải ngân sẽ được thực hiện sớm. Ngay trong ngày 2/8, tỉnh Tiền Giang phê duyệt tổng mức đầu dự án được điều chỉnh, nhà đầu tư sẽ cùng với tỉnh làm việc ngay với ngân hàng đầu mối và Ngân hàng Nhà nước để giải quyết dứt điểm nguồn vốn vay.

Trên công trường hiện tại, 21/21 gói thầu đang triển khai thi công bình thường. Từ năm 2009, dự án được khởi động đến 2/2019 chỉ đạt khoảng 10% khối lượng công trình. Nhưng từ tháng 3/2019, sau khi tái khởi động đến nay khối lượng công trình thi công đã đạt 25%.

Hải Đường

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.