“Buộc phải xác định điểm dừng kỹ thuật trong tháng 8/2019” là nội dung mà các nhà đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát của dự án cao tốc trung Lương - Mỹ Thuận xác định trong cuộc giao ban sáng 24/7/2019.
Các nhà thầu đều kêu khó
Cuộc họp diễn ra trong không khí hết sức trầm lắng. Việc một nhà thầu phụ gói thầu XL13, là Công ty TNHH Thành Nơi đột ngột cho dừng thi công, căng băng rôn đòi nợ chủ thầu khiến ai cũng bất ngờ. Đại diện Công ty TNHH Thành Nơi chia sẻ hơn 3 tháng qua, tin tưởng vào quyết tâm của Chính phủ, của Quốc hội và niềm tin của nhân dân, công ty đã cùng nhà thầu và các nhà đầu tư nỗ lực không ngừng, dù khó khăn nhưng tất cả các gói thầu đều rầm rộ thi công. Công ty đã huy động tiền của từ gia đình, bạn bè, họ hàng cho để làm, mong muốn hoàn thành phần nhiệm vụ của mình. “Nhưng nay chúng tôi đã kiệt sức, nợ nần đuổi theo sau lưng. Chúng tôi đang lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, chết dở sống dở. Việc căng băng rôn đòi nợ và dừng mọi công việc trên công trường là việc bất đắc dĩ…”.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Phó TGĐ Công ty cổ phần đầu tư Tuấn Lộc cũng cho biết, công ty đã đầu tư hơn 500 tỉ đồng vào dự án để thi công các hạng mục. Từ 3 tháng qua khi Quốc hội, Chính phủ đã có những động thái để tái khởi động dự án, các nhà thầu đã rất tin tưởng, nỗ lực thi công không ngừng nghỉ, công trường luôn sôi động. Thế nhưng đến nay các nhà thầu đều đã đuối sức vì nguồn vốn từ Nhà nước, ngân hàng chưa được giải quyết.
Ông Ngô Bá Hùng, đại diện nhà đầu tư và nhà thầu B.M.T. (doanh nghiệp góp 10% trong dự án) cũng cho biết đang thật sự khó khăn. Ông nói: “Việc các nhà đầu tư, nhà thầu bỏ tiền vào đây và sa lầy là điều không ai mong muốn. Sau tái cấu trúc, chúng tôi đã lao vào công việc việc bằng niềm tin và sự hăng say. Nhưng bây giờ thực tế không hoàn toàn như vậy. Không chỉ ngày hôm qua một nhà thầu phụ đình công, căng băng rôn đòi nợ mà nếu ngày mai, ngày kia các nhà thầu khác cũng đồng loạt làm như vậy thì chúng tôi cũng thật sự không biết phải làm sao vì điều này thật sự nằm ngoài khả năng của chúng tôi…”.
Buộc phải dừng kỹ thuật
Ông Lưu Xuân Thuỷ - Phó chủ tịch HĐQT BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho rằng việc dự án dừng thi công sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ kỳ vọng. “Tuy nhiên với tinh thần trách nhiệm với dự án, với nhà thầu, các nhà đầu tư, đặc biệt với người dân, trong tình thế này phải buộc xác định thời điểm dừng kỹ thuật để tránh rơi vào tình huống lỗi hẹn”, ông Thủy nói.
Nói về những nguyên nhân khiến dự án đi đến bước đường cùng, ông Mai Mạnh Hồng - Tổng Giám đốc BOT Trung Lương - Mỹ Thuận phân tích: Dự án đã được liên danh các ngân hàng (đứng đầu là Vietinbank) thoả thuận cho vay tín dụng từ tháng 6/2018, tuy nhiên đến nay, với những điều kiện giải ngân khắc nghiệt và vô lý đã khiến dự án không có đồng vốn nào được giải ngân. Các nhà đầu tư đã tự ứng ra gần 2.500 tỉ đồng và nhà thầu khoảng 500 tỉ đồng để thi công.”
PGS-TS Trần Chủng (nguyên Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng các công trình Xây dựng - Bộ Xây dựng, giải thích “điểm dừng kỹ thuật” là dừng ở thời điểm nào đó mà các hạng mục đã thi công ít bị ảnh hưởng, ít tác động đến kết cấu công trình. Nhờ đó, ít ảnh hưởng nhất, ít tổn thất nhất khi thi công trở lại.
Trong khi đó, nguồn vốn 2.186 tỷ đồng Nhà nước hỗ trợ cho nhà đầu tư dự án mặc dù đã được Chính phủ có chủ trương thông qua nhưng đến nay vẫn chưa được giải ngân.
Chưa hết, do xử lý những hậu quả do các nhà đầu tư cũ để lại, sau khi vào tiếp quản dự án, Doanh nghiệp dự án đã trình hồ sơ điều chỉnh tổng thể dự án, nên có những hạng mục thay đổi, như phương án xử lý, gia cố nền đất yếu thay đổi, tăng tốc thời gian thi công theo yêu cầu của Thường trực Chính phủ làm thay đổi tổng mức đầu tư…
Hồ sơ điều chỉnh dự án đã được Hội đồng Nghiệm thu nhà nước, Viện Kinh tế - Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải thẩm định, thông qua nhưng Cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Tiền Giang hiện chưa phê duyệt điều chỉnh dự án, chưa ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh dự án. Do đó, nếu phần vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ hoàn thành thì tiếp đến nguồn vốn tín dụng cũng sẽ bị tắc bởi các việc cung cấp hồ sơ điều chỉnh dự án để Ngân hàng thẩm định cũng chưa được đáp ứng.
Tại cuộc họp, ông Trần Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, sẽ chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ phê duyệt điều chỉnh dự án để hoàn chỉnh các thủ tục vay vốn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận