Hạ tầng

Cấp bách chống sạt lở QL91, bảo vệ đường

02/06/2020, 07:32

Nhiều tháng trôi qua, tình hình sạt lở QL91 vẫn chưa được kiểm soát.

img
Sau bốn ngày rạn nứt, 40m QL91 qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú sụp xuống sông Hậu, khiến hàng chục hộ dân phải di dời khẩn cấp (Ảnh chụp ngày 23/5)

Mới đây nhất, hơn 40m đường lộ, cách vị trí sạt lở cũ 137m đã sụp hoàn toàn xuống sông Hậu và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Liên tiếp mất đường vì sạt lở

Cuối tháng 7/2019, người dân ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang phát hiện bề mặt QL91 xuất hiện nhiều vết rạn nứt, có xu hướng mở rộng. Ngày 1/8, 85m đường QL91 ăn sâu vào 1/2 mặt đường bị sụp hoàn toàn bị xuống sông Hậu.

Ngành chức năng tỉnh đã tiến hành gia cố, ổn định đường bờ, khắc phục mặt đường, tạo đường tránh qua đoạn này với kinh phí khoảng 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, đoạn quốc lộ vẫn không cứu được khi rạng sáng ngày 20/8/2019, cũng tại vị trí nói trên, tiếp tục xảy ra sạt lở nghiêm trọng, có đoạn dài gần 30m, ăn sâu vào nửa tim đường còn lại của quốc lộ, cuốn lớp nhựa đường và đất đá xuống sông.

Để khắc phục sự cố, Bộ GTVT đã lập dự án đầu tư xây dựng Kiên cố hóa sạt lở QL91 đoạn qua địa phận tỉnh An Giang, trong đó, kinh phí dự toán để kiên cố hóa là khoảng 500 tỷ đồng. Sau đó, Bộ GTVT đã bàn giao lại tuyến QL91 bị sạt lở ở xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú cho tỉnh An Giang triển khai tiếp phần xử lý và kiên cố hóa đoạn có nguy cơ sạt lở dài hơn 2km với tổng kinh phí trên 160 tỷ đồng. Đến nay, địa phương đã được cấp 140 tỷ đồng.

Trong lúc địa phương đang thực hiện các hạng mục ngăn chặn sạt lở thì đến 6h ngày 23/5/2020, cách vị trí sạt lở nói trên 137m về phía hạ lưu, người dân phát hiện bề mặt QL91 (đoạn ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ) xuất hiện vết răn nứt ăn sâu vào 1/3 mặt đường, chiều dài khoảng 20m, cách mép bờ sông 7,5m. Đến rạng sáng 27/5, 40m đường, bề rộng 1/3 mặt đường tại vị trí rạn nứt đã sụp hoàn toàn xuống sông Hậu. Ngay sau vụ sạt lở, UBND huyện Châu Phú đã di dời khẩn cấp 27 hộ dân.

Triển khai phương án xử lý cấp bách

Ông Nguyễn Phú Tân, Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang cho biết, QL91 là tuyến giao thông huyết mạch từ TP Long Xuyên đi TP Châu Đốc và những huyện, thị khác của tỉnh An Giang, đồng thời là tuyến giao thông kết nối các tỉnh ĐBSCL đi Campuchia. Trong đó, đoạn từ cầu Bình Mỹ đến cầu Cây Dương có vị trí sát bờ sông, đoạn sông cong về phía bờ xã Bình Mỹ dòng chảy chính áp sát bờ, mái dốc đứng, xuất hiện lạch sâu hố xói nên thường xảy ra sạt lở như đã thấy.

Theo ông Tân, trước tình hình diễn biến sạt lở, trước mắt UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo ngành chức năng khoanh vùng có nguy cơ, cắm biển báo phạm vi sạt lở đặc biệt nguy hiểm, rào chắn không cho người, phương tiện vào khu vực có nguy cơ sạt lở. Sở GTVT cũng đã phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị có liên quan tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông đường thủy và đường bộ qua khu vực.

Về phương án xử lý lâu dài, ông Tân cho biết, UBND tỉnh đã quyết định thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng công trình xử lý sạt lở sông Hậu, giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư hơn 242 tỷ đồng.

Theo đó, giai đoạn 1 sẽ triển khai thực hiện giải pháp gia cố bao tải cát, ổn định đường bờ với kinh phí 25 tỷ đồng (đã thực hiện), giai đoạn 2 xử lý lâu dài tái lập nền đường với tổng kinh phí 180 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Tân cho rằng, nếu chỉ xử lý và kiên cố hóa đoạn sạt lở trên thì không đảm bảo lâu dài do chiều rộng lòng sông Hậu đoạn qua khu vực xã Bình Mỹ kéo dài khoảng 3km, bị thắt hẹp còn khoảng 300m so với đoạn thượng lưu và hạ lưu liền kề rộng khoảng 600m, làm gia tăng vận tốc dòng chảy gây xói bờ. Do đó, cần phải kết hợp thực hiện việc chỉnh trị dòng chảy, thực hiện nạo vét mở rộng lòng sông Hậu (đoạn bị thắt hẹp còn khoảng 300m so với đoạn thượng lưu và hạ lưu liền kề rộng khoảng 600m) kết hợp tận thu cát.

“Hiện nay, Chính phủ đã cấp dự phòng ngân sách T.Ư năm 2019 cho tỉnh An Giang 140 tỷ đồng để tổ chức thực hiện các công trình khẩn cấp chống sạt lở, số tiền này là chưa đủ. Địa phương đã có tờ trình xin hỗ trợ từ Trung ương thêm khoảng 110 tỷ đồng nữa”, ông Tân nói và thông tin thêm, cũng do nguồn ngân sách tỉnh còn khó khăn nên vừa qua, tỉnh An Giang đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương xã hội hóa chỉnh trị dòng chảy sông Hậu.

Nắn dòng chảy là phương án tối ưu

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL vị trí sạt lở QL91 ở An Giang là khu vực sông bị hẹp, cong, tạo ra bên vịnh (bên lõm) và bên doi (bên lồi). Khi nước ở thượng nguồn chảy xuống, theo lực quán tính có khuynh hướng đi thẳng, nhưng tới đây bị hẹp, buộc chuyển hướng nên tạo ra lực ly tâm, làm cho “tim sông” không đi giữa sông, mà đi sát vào bờ phía vịnh. Do mực nước bên vịnh cao hơn, bị trọng lực kéo xuống, ngoài dòng chảy tới còn có dòng chảy xoắn. Phía vịnh luôn chịu áp lực xói lở, còn phía doi có thể bồi lắng. Hiện tượng nứt trước khi sạt lở minh chứng cho việc dòng chảy ăn đứt chân bờ.

Theo ông Thiện cho rằng, với nguyên nhân gốc rễ là thiếu cát và thiếu phù sa (do khai thác cát và do thủy điện chặn), phương án chỉnh trị nắn dòng chảy như đề xuất của tỉnh An Giang là khả thi nhất. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật rất cao trong thiết kế, chứ không phải là “đem xáng múc cát là xong”, thậm chí có thể cần có những công trình hướng dòng dưới đáy sông.

Làm đường tránh 250 tỷ đồng, cấm đường qua khu vực sạt lở

Sau khi xảy ra vụ sạt lở tại khu vực xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú vào đầu tháng 8/2019, tỉnh An Giang đã khẩn cấp làm đường tránh dài 5km qua khu vực này với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng, do Tổng cục Đường bộ VN làm chủ đầu tư, đã hoàn thành và thông xe cuối năm 2019. Hiện, tuyến đường đã được bàn giao cho tỉnh quản lý.

Theo đó, để tránh đi qua đoạn sạt lở, các phương tiện sẽ đi qua tuyến tránh QL91 từ cầu Bình Mỹ đến cầu Cây Dương. Còn tại các vị trí sạt lở, ngành chức năng đã cắm biển cấm từ năm 2019 đến nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.