Theo các chuyên gia y tế, chấn thương cột sống là một trong những bệnh ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc sống của người bệnh và là một bệnh không chữa khỏi. Theo số liệu thống kê hàng năm trên thế giới, tỷ lệ tổn thương tủy sống có xu hướng gia tăng.
Tại Việt Nam, những năm gần đây, số vụ TNGT cao, nguyên nhân trực tiếp gây chấn thương tủy sống, nguyên nhân quan trọng dẫn đến tử vong và tàn tật. Phần lớn nạn nhân trong độ tuổi đang lao động, chấn thương tủy sống là gánh nặng không chỉ cho bản thân người bệnh, gia đình mà cho cả xã hội.
Với các nạn nhân TNGT có chấn thương cột sống, việc sơ cấp cứu ban đầu vô cùng quan trọng giúp bệnh nhân có cơ hội được điều trị tốt hơn. Theo BS Huỳnh Kim Long, chuyên khoa Cấp cứu, khi sơ cứu cho người bệnh bị tổn thương cột sống, cần đặc biệt lưu ý, bất động bệnh nhân trước khi vận chuyển. Theo đó, với đốt sống cổ phải băng bất động với Collier. Với lưng, thắt lưng phải đặt bệnh nhân nằm ngửa trên ván cứng hoặc nằm sấp trên cáng mềm.
Khi vận chuyển lên cáng tối thiểu cần phải có 5 người: 2 người giữ cáng, 3 người còn lại lần lượt giữ đầu, chân, hông.
Đồng thời, vận chuyển theo kiểu cuốn chiếu hoặc gói nem, đặt bệnh nhân nằm ngửa trên cáng cứng hoặc nằm sấp trên cáng mềm. Chú ý trăn trở nhẹ nhàng để chống loét ở các vị trí như gót chân, xương cùng, hai bả vai.
Đặc biệt chú ý với những người bị tai nạn dẫn đến gãy đốt sống cổ. Trong trường hợp, người bị nạn than đau cổ, đau lưng, đặc biệt là các trường hợp quan sát thấy vùng cột sống bị biến dạng thì tuyệt đối không nên để bệnh nhân cố gắng tự đứng, ngồi lên hay leo lên xe để đi tới bệnh viện mà không có biện pháp cố định nào.
Có những trường hợp rất đáng tiếc như bệnh nhân ngưng thở trên đường nhập viện vì tổn thương cột sống cổ hoặc vào đến viện mới thấy một phần cơ thể dần yếu liệt vì tổn thương ở phần sống lưng…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận