Đường bộ

Cấp, dán phù hiệu vận tải thuận lợi hơn nhờ quy định mới

23/07/2022, 17:02

Quy định mới về cấp dán, phù hiệu vận tải sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các Sở GTVT và các doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian, chi phí,...

Quy định cũ nhiều bất cập

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Quốc Toàn, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT - Xây dựng Lào Cai cho biết, theo Nghị định 10, Sở GTVT có trách nhiệm cấp phù hiệu, biển hiệu theo quy định và dán phù hiệu, biển hiệu lên xe ô tô.

img

Với quy định mới trong Nghị định 47/2022/NĐ-CP mới được ban hành, việc cấp, dán phù hiệu phương tiện vận tải trở nên thuận lợi hơn so với quy định cũ trong Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã bộc lộ nhiều bất cập khi triển khai

Thực tế, Sở đã gặp nhiều khó khăn khi phải bố trí con người, bãi đỗ xe và sắp xếp thời gian thực hiện. Đơn vị kinh doanh vận tải phải đưa phương tiện đến Sở để dán phù hiệu.

Do khu vực bãi đỗ xe của Sở không đủ đáp ứng cho các phương tiện đến dán phù hiệu, nhất là đối với các xe đầu kéo, xe tải trọng lớn, xe khách… dẫn đến quá tải bãi đỗ, nhiều trường hợp phải dừng dỗ dưới lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Đặc biệt, với những phương tiện ở các huyện vùng sâu, vùng xa, để có thể đưa phương tiện đến Sở và chờ đợi dán phù hiệu có thể mất nguyên một ngày, thậm chí hai ngày làm việc nếu bị quá tải phải chờ sang hôm sau, làm gia tăng thêm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Để khắc phục tình trạng này, Phòng Quản lý vận tải buộc phải phân công cán bộ đưa phù hiệu đến tận nơi dán cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn khi lực lượng mỏng, địa bàn lại rộng, các doanh nghiệp xin cấp phù hiệu rải rác trong tháng, trong khi quy định về thực hiện thủ tục cấp phù hiệu cho doanh nghiệp chỉ trong 2 ngày.

Đồng quan điểm, Sở GTVT Yên Bái cũng cho biết, thời gian đầu thực hiện quy định trên, đối với các doanh nghiệp ở gần Sở, Sở đã bố trí nhân lực của phòng vận tải đến trụ sở của doanh nghiệp để tổ chức dán phù hiệu cho phương tiện hoặc đơn vị đưa phương tiện đến Sở GTVT để dán phù hiệu.

Có những doanh nghiệp ở xa TP Yên Bái, việc triển khai dán phù hiệu cho phương tiện cũng gặp nhiều vấn đề về thời gian đi lại, phương tiện, trong đó nhiều trường hợp phù hiệu cũ của phương tiện đã hết hạn không thể đi đến Sở GTVT để được dán phù hiệu mới.

Trước những bất cập trên, Bộ GTVT đã có văn bản hướng dẫn các Sở GTVT thực hiện.

Theo đó, việc dán phù hiệu, biển hiệu lên xe ô tô là trách nhiệm của Sở GTVT và Sở GTVT chủ động tổ chức thực hiện (có thể đơn vị vận tải đưa phương tiện đến Sở GTVT hoặc Sở GTVT đến đơn vị vận tải để dán hoặc Sở GTVT ủy quyền cho đơn vị vận tải, tổ chức, cá nhân thực hiện dán phù hiệu, biểu hiệu lên xe ô tô và đảm bảo việc dán theo đúng quy định.

Theo hướng dẫn trên của Bộ GTVT, Sở GTVT chỉ ủy quyền trong trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải, phương tiện kinh doanh vận tải ở xa trụ sở của Sở GTVT nhằm tạo thuận lợi cho công tác cấp, cấp lại phù hiệu, biển hiệu giúp giảm bớt khó khăn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho đơn vị kinh doanh vận tải.

Căn cứ theo hướng dẫn này, các Sở GTVT, Sở GTVT - XD trên toàn quốc đã tiến hành rà soát và lập danh sách các đơn vị kinh doanh vận tải ở xa trụ sở của Sở và báo cáo lãnh đạo Sở đề xuất hình thức ủy quyền cho đơn vị kinh doanh vận tải.

Đơn vị kinh doanh vận tải sau khi nhận được phù hiệu, biển hiệu đã được cấp cho các phương tiện theo đề nghị của đơn vị (qua đường bưu điện hoặc theo hình thức khác) sẽ tiến hành dán phù hiệu, biển hiệu lên phương tiện bằng cách bố trí nhân viên sử dụng hệ thống camera trên máy điện thoại thông minh ghi lại toàn bộ quá trình tổ chức dán phù hiệu, biển hiệu lên phương tiện từ khi bắt đầu đến khi kết thúc (quay rõ biển số xe, phù hiệu và đầy đủ các thông tin theo quy định về niêm yết trước kính xe...).

Đồng thời, gửi ngay kết quả thực hiện đến hệ thống zalo/viber của chuyên viên “một cửa” hoặc chuyên viên giải quyết thủ tục hành chính của Phòng Vận tải Sở GTVT.

“Sau khi nhận được video về việc dán phù hiệu lên phương tiện của đơn vị kinh doanh vận tải, chuyên viên sẽ báo cáo lãnh đạo Phòng và lưu kết quả lại trên hệ thống máy tính của cơ quan để phục vụ cho công tác thanh, kiểm tra và xử lý các vướng mắc khiếu nại sau này”, đại diện Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Yên Bái cho biết.

img

Hình ảnh chủ phương tiện vận tải tại Yên Bái gửi về Sở GTVT sau khi thực hiện việc dán phù hiệu kinh doanh vận tải lên xe đầu kéo và được lưu lại trên hệ thống máy tính của Sở để phục vụ cho công tác thanh, kiểm tra và xử lý các vướng mắc khiếu nại sau này

Quy định mới tạo sự đồng bộ toàn diện và thuận lợi

Ngày 19/7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 47/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó tại khoản a, Điểm 5, Điều 1 cũng quy định: Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 9 Điều 22 như sau: Sở GTVT cấp phù hiệu, biển hiệu theo quy định tại Điều này và tổ chức thực hiện việc dán phù hiệu, biểu hiệu lên xe ô tô.

“Quy định mới này phù hợp với cách thức các Sở GTVT hiện nay đang thực hiện. Tuy nhiên, với việc được Luật hoá thành quy định mới trong Nghị định 47 sẽ giúp việc triển khai được đồng bộ, toàn diện đối với tất cả các phương tiện chứ không chỉ dành cho phương tiện của doanh nghiệp vận tải ở xa Sở GTVT như trước đây”, đại diện Phòng Quản lý vận tải Lào Cai cho hay.

Bộ GTVT cũng cho biết, Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định việc các Sở GTVT phải trực tiếp thực hiện dán phù hiệu, biển hiệu lên phương tiện kinh doanh vận tải được cấp, trong quá trình triển khai đã gây khó khăn cho cả cơ quan thực hiện và cả đơn vị kinh doanh vận tải.

Đặc biệt đối với các tỉnh, thành phố có số lượng phương tiện nhiều (như TP Hà Nội, TP. HCM) hay những tỉnh có địa bàn rộng và vùng sâu, vùng xã, hải đảo (như tỉnh Thanh Hóa, Yên Bái, Hà Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang), việc Sở GTVT trực tiếp dán phù hiệu, biển hiệu lên phương tiện là khó khả thi và khó khăn cho đơn vị kinh doanh vận tải.

Ngoài ra, hiện nay Bộ Công an đã thực hiện phân tách giữa phương tiện kinh doanh vận tải và phương tiện cá nhân bằng màu của biển số; tem đăng kiểm cũng đã phân biệt màu đối với phương tiện kinh doanh vận tải; phù hiệu, biển hiệu chỉ đảm bảo để phân định từng loại hình kinh doanh vận tải để lực lượng chức năng đối chiếu khi xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Do đó, việc Sở GTVT phải thực hiện dán trực tiếp lên phương tiện hiện không còn phù hợp, Chính phủ đã lắng nghe ý kiến của các Sở GTVT và doanh nghiệp kinh doanh vận tải, điều chỉnh để đảm bảo phù hợp với thực tế và tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện.

Theo Sở GTVT Yên Bái, với quy định mới, các Sở GTVT sẽ “uỷ quyền” dán phù hiệu, biển hiệu cho phương tiện kinh doanh vận tải gắn với dịch vụ công mức độ 4 qua ứng dụng zalo, viber, tạo thuận lợi trong công tác quản lý cấp, cấp lại phù hiệu, biển hiệu cho phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh; đơn giản hóa thủ tục hành chính và đảm bảo an ninh trật tự, ATGT khi đơn vị phải đưa phương tiện lên Sở GTVT để dán phù hiệu.

img

Quy định mới giúp việc thực hiện cấp, dán phù hiệu được diễn ra nhanh chóng, tiết kiệm nhiều chi phí cho các doanh nghiệp

Ngoài ra còn giúp các đơn vị kinh doanh vận tải tiết kiệm được nhiều chi phí liên quan đến thủ tục hành chính, thời gian đi lại, thời gian chờ đợi nộp hồ sơ, lấy kết quả...khắc phục được những khó khăn mà quy định cũ mang lại, đặc biệt đối với các doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn.

“Đơn cử, một doanh nghiệp tại thị xã Nghĩa Lộ (cách TP Yên Bái khoảng 85km) thực hiện thủ tục xin cấp phù hiệu xe ô tô tải (chỉ tính phần nhận kết quả) nếu theo quy định cũ, doanh nghiệp phải đưa phương tiện đến Sở GTVT để dán phù hiệu, thời gian hoàn thành trong 1 ngày và phải chi trả các chi phí như: quản lý, lương lái xe, xăng dầu, khấu hao phương tiện, không hoạt động kinh doanh 1 ngày và các chi phí khác (ước tính 335.000 đồng).

Tuy nhiên, với cách thức mới, doanh nghiệp nhận phù hiệu thông qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức khác, thời gian nhận và hoàn thành việc dán phù hiệu chỉ khoảng 30 phút, chi phí dự kiến 50.000 đồng (đã tính cả chi phí chuyển bưu chính). Như vậy, tiết kiệm được 285.000 đồng”, đại diện Phòng Quản lý vận tải Yên Bái phân tích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.