Đề xuất điều chỉnh là có cơ sở
Hội đồng thẩm định liên ngành vừa có báo cáo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo phương thức Đối tác công - tư (PPP).
Cho rằng việc đề xuất điều chỉnh quy mô mặt đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là phù hợp, Hội đồng thẩm định liên ngành cũng lưu ý cân nhắc việc đầu tư công trình cầu với quy mô hợp lý, tránh lãng phí - Ảnh minh họa
Liên quan đến đề xuất của UBND tỉnh Cao Bằng điều chỉnh bề rộng mặt cắt ngang nền đường 17m (chiếm 24%) đối với đoạn thông thường, đối với đoạn khó khăn là 13,5m (chiếm 76%) có kích thước cơ bản của công trình đầu tư trong giai đoạn 1, Hội đồng thẩm định liên ngành cho biết, tại Quyết định số 1212 ngày 10/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án có nêu: trong bước tiếp theo cần nghiên cứu châm trước quy mô, hướng tuyến để phù hợp với các đoạn tuyến đi qua khu vực có điều kiện tự nhiên đặc biệt khó khăn, bảo đảm an toàn, tiết kiệm và phù hợp về kinh tế - kỹ thuật.
UBND tỉnh Cao Bằng cũng đã làm rõ được sự phù hợp với quy định của Bộ GTVT về đầu tư phân kỳ đường ô tô cao tốc.
Theo phương án trước khi điều chỉnh, giai đoạn 1 dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2024. Thời gian vận hành, thu phí khoảng 16 năm (2024 - 2040)
Thời gian thực hiện giai đoạn 2 dự án là sau năm 2025.
Tại phương án điều chỉnh mới nhất, UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất thời gian thực hiện giai đoạn 1 từ năm 2020 - 2025. Thời gian vận hành thu phí, hoàn vốn khoảng 23 năm (2026 - 2049). Giai đoạn 2 thực hiện sau năm 2025.
Theo thuyết minh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh, đến năm 2031, lưu lượng giao thông trung bình ngày đêm trên đường cao tốc trong thời gian phân kỳ cả hai chiều là 4.960 xe/ngày đêm.
Công thức tính số làn xe tiêu chuẩn đường cao tốc cũng cho kết quả số làn xe yêu cầu là 2 làn nên đề xuất điều chỉnh là phù hợp.
Về quy mô đoạn vượt xe, tại báo cáo giải trình ngày 16/5/2022, UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất quy mô mặt cắt ngang chõ vượt xe được bố trí xen kẽ trùng với các đoạn có bề mặt nền đường 17m (2 làn xe chạy liên tục và 2 làn xe chạy chậm) đảm bảo năng lực thông hành của tuyến đường trog quá trình khai thác.
“Quy mô đoạn vượt xe được bố trí 4 làn xe ô tô với tổng chiều dài 22 km là phù hợp với quy định của Bộ GTVT, đảm bảo đáp ứng nhu cầu về giao thông trong giai đoạn 1”, báo cáo nêu.
Tại báo cáo thẩm định, Hội đồng thẩm định liên ngành cũng đánh giá đề xuất không tách dự án thành 3 dự án thành phần là có cơ sở do lưu lượng của 3 dự án thành phần không đồng đều, việc lựa chọn các nhà đầu tư triển khai cùng lúc các dự án thành phần sẽ khó đảm bảo tính đồng bộ.
Riêng về quy mô công trình cầu giai đoạn 1, UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, chiều dài tuyến giai đoạn 1 là 93 km bao gồm 53 cầu trên tuyến chính với chiều dài khoảng 8,3 km. Trong đó, khoảng 22% chiều dài cầu đã được đầu tư theoo quy mô 4 làn xe cho các công trình cầu có vị trí trước cửa hầm và các cầu tại khu vực có bề rộng nền là 17m.
Mặt khác, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có khối lượng cầu chiếm tỷ trọng lớn. Nếu đầu tư hoàn chỉnh các công trình cầu giai đoạn 1 với quy mô mặt cắt ngang 17,5m đối với các vị trí cầu sẽ làm tăng tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 khoảng 840 tỷ đồng dẫn đến kéo dài thời gian thu phí, phần vốn ngân sách nhà nước phải tăng thêm.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất phân kỳ đầu tư công trình cầu làm 13,5m sau làm thêm trụ để mở rộng 17m.
Cho rằng phương án tỉnh Cao Bằng đưa ra sẽ gây tốn kém cho giai đoạn sau và ảnh hưởng đến hiệu quả tổng thể dự án, Hội đồng thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng trong bước lập báo cáo khả thi dự án cần phối hợp với Bộ GTT nghiên cứu, phần tích sâu hơn các giải pháp thiết kế, bảo đảm hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí.
Theo phương án điều chỉnh mới nhất, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh khoảng 22.690 tỷ đồng - Ảnh minh họa
Tăng vốn góp nhà nước vào dự án
Theo phương án báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là hơn 22.690 tỷ đồng, tăng hơn 1.751 tỷ đồng so với phương án trước đó.
UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, mức tăng này chủ yếu do một só nguyên nhân chính như: tăng chiều dài tuyến (6km); điều chỉnh, bổ sung công trình cầu, cống trên tuyến; bổ sung nút giao 2A trên tuyến; cập nhật đơn giá vật liệu thời điểm hiện nay,…
Về cơ cấu nguồn vốn đầu nhà nước tham gia dự án, UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất tăng từ 5.000 tỷ đồng lên 6.580 tỷ đồng (ngân sách TƯ là 2.500 tỷ đồng; Ngân sách địa phương là 4.080 tỷ đồng), chiếm 49,95% tổng mức đầu tư giai đoạn 1.
Đánh giá tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án đáp ứng quy định của Luật PPP (không quá 50% tổng mức đầu tư dự án), Hội đồng thẩm định đề nghị HĐND và UBND tỉnh Cao Bằng chịu trách nhiệm cân đối bố trí đủ nguồn vốn ngân sách địa phương cho dự án theo đúng quy định.
Đối với nguồn vốn huy động của nhà đầu tư, theo thuyết minh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh, nguồn vốn BOT do nhà đầu tư huy động thực hiện dự án khoảng 13.611 tỷ đồng, gồm: vốn chủ sở hữu 2.281 tỷ đồng, vốn vay và các nguồn vốn hợp pháp khác là 11.330 tỷ đồng.
Trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư huy động cho giai đoạn 1 là 6.594 tỷ đồng, gồm: vốn chủ sở hữu là 1.228 tỷ đồng, vốn vay và các nguồn vốn hợp pháp khác là 5.366 tỷ đồng.
Theo phương án đề xuất trước đó, tuyến cao tốc có chiều dài khoảng 115 km. Trong đó, chiều dài đi qua địa phận tỉnh Lạng Sơn khoảng 52km, đi qua tỉnh Cao Bằng khoảng 63 km.
Tuyến đường nối cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào TP Cao Bằng có chiều dài khoảng 15,5 km.
Giai đoạn 1, dự án được đầu tư với chiều dài khoảng 93 km (từ Km0+00 tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng đến Km93+00 nút giao với QL3 tại lý trình Km307+650 QL3 xã Phúc Sen, huyện Quang Hòa); quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, bề rộng mặt đường 14m. Tốc độ thiết kế 80 km/h. Đối với đoạn địa hình khó khăn cho phép thiết kế vận tốc 60 km/h.
Giai đoạn 2 đầu tư tiếp khoảng 22 km (Km93+00 nút giao với QL3 tại lý trình Km307+650 QL3 xã Phúc Sen, huyện Quang Hòa đến Km115+00 tại cửa khẩu Trà Lĩnh) với quy mô tương tự.
Dự án dự kiến chia làm 3 dự án thành phần gồm: Dự án thành phần Văn Lãng - Thạch An dài 58 km; Dự án thành phần Thạch An - Quảng Hòa dài 21,3 km; Dự án thành phần Quảng Hòa - TP Cao Bằng dài 13,7 km tuyến chính và 15,5 km tuyến nối với TP Cao Bằng.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là gần 21.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 12.500 tỷ đồng. Giai đoạn 2 là gần 8.400 tỷ đồng.
Trong đó, vốn do nhà đầu tư huy động giai đoạn 1 là hơn 7.500 tỷ đồng. Nhà nước tham gia dự án bằng vốn góp và vốn hỗ trợ công trình phụ trợ, GPMB và tái định cư khoảng 5.000 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận