Đoạn đường qua xã Tòng Động, huyện Mai Châu, Hòa Bình ngập sâu trong nước gần 2m |
Ngày mai, thông đường sắt Hà Nội-Lào Cai sau nhiều ngày chia cắt
Trao đổi với Báo Giao thông về công tác khắc phục tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai tại điểm sạt lở đất nghiêm trọng tại ga Lâm Giang (Yên Bái) vào tối 9/10, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Đới Sĩ Hưng cho biết, với tiến độ liên tục cả ngày cả đêm như hiện nay, cộng với thời tiết thuận lợi, dự kiến gần sáng mai (13/10) sẽ thông bước 1, cho tàu chạy qua với tốc độ 5km/h.
Ông Hưng cũng cho biết, hôm qua (11/10), đất trên vạt núi tiếp tục rơi xuống đường sắt. Các đơn vị đang tiến hành khảo sát, theo dõi các vết nứt trên núi ở các vị trí bên cạnh vị trí lở đất. “Thời tiết từ trưa nay đã hửng nắng, chúng tôi cũng đỡ lo. Trước mắt phải thông đường đã, việc xử lý vết nứt sẽ có phương án sau”, ông Hưng nói.
Đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cũng cho biết, do sự cố sạt lở đất tại ga Lâm Giang, hiện đường sắt đã phải bãi bỏ bớt tàu chạy suốt trên tuyến Hà Nội – Lào Cai. Chỉ chạy tổ chức chạy một đôi tàu SP3/4 và chuyển tải hành khách từ ga Bảo Hà đến ga Mậu A và ngược lại bằng ô tô.
Hòa Bình: Dùng thuyền bè chở người dân qua đoạn ngập úng
14h ngày 12/10, tại vị trí Km131+150 - 131+350 QL6 đoạn qua xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu, Hòa Bình vẫn đang ngập úng cục bộ với mực nước gần 2m. Tình trạng này khiến các phương tiện giao thông không thể di chuyển theo cả 2 chiều đường, vì vậy phần lớn các phương tiện đã chủ động tạm dừng ở vị trí Km 105 thuộc địa phận huyện Tân Lạc (cách vị trí ngập úng chừng 25km) để nghỉ ngơi, chờ nước rút thông đường. Hiện các rào chắn barie đã được lực lượng chức năng dựng tại Km104 để phân luồng, điều tiết giao thông.
Dân kết bè mảng đưa người và phương tiện qua đoạn QL6 ở Tòng Đậu, Mai Châu bị ngập lụt |
Tại vị trí ngập, lực lượng chức năng đã kết bè mảng và dùng thuyền nhỏ để đưa người qua khu vực ngập úng kéo dài. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó chánh TTGT, Sở GTVT Hòa Bình cho biết, để giảm tải các phương tiện ùn tắc tại điểm ngập lụt đoạn Tòng Đậu, chúng tôi đã lập barie hướng dẫn các phương tiện tạm dừng nghỉ ở huyện Yên Lạc.
Ông Bế Văn Quản, Phó giám đốc Sở GTVT Hoà Bình cho biết, tới thời điểm hiện tại, giao thông trên các tuyến đường ở Hoà Bình vẫn rất khó khăn, các tuyến đường tỉnh vẫn tê liệt do ngập lụt và sạt lở, nặng nhất là Tỉnh lộ 433 sạt toàn bộ đầu vào. Trên QL6, QL21, đường Hồ Chí Minh, nước ngập sâu nhiều điểm, phương tiện đường bộ qua lại rất khó khăn.
Đường ngập, nhiều xe khách dừng chạy
Những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa, lũ, các chuyến xe khách đi từ bến Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Giáp Bát, Nước Ngầm... đi các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa không về được bến.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết, những ngày qua, hàng chục chuyến xe khách đi các tỉnh Hòa Bình, Sơn La... về muộn giờ, một số xe xuất bến đi các tỉnh trên nhưng không thể trở lại bến để đón khách được do nhiều tuyến đường bị ngập. Tại bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, Yên Nghĩa các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh có hành trình đi qua các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... cũng tương tự, không thể về bến cuối. Một số xe phải tạm dừng xuất bến. Trong sáng nay (12/10), có hàng chục xe tuyến Hà Nội đi các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình cũng dừng hoạt động với lý do đường ngập, không đảm bảo an toàn cho hành khách.
Yên Bái: Cố gắng thông đường lên Trạm Tấu trong trưa nay
Ông Đỗ Văn Dự, Giám đốc Sở GTVT Yên Bái cho biết, Sở đang huy động nguồn nhân lực, máy móc phương tiện khẩn trương khắc phục, cố gắng thông đường lên Trạm Tấu trong trưa nay (12/10).
Tuy nhiên, theo ông Dự đêm qua và rạng sáng nay (12/10), đường tỉnh 174 đi Trạm Tấu tiếp tục xuất hiện thêm các điểm sạt lở mới, vì bề rộng đường hẹp nên không thể bố trí nhiều phương tiện, máy móc khắc phục, gây khó khăn trong công tác thi công.
"Do đó, chưa thể khẳng định được có thể thông đường được trong trưa nay hay không", ông Dự lo lắng.
Đường sắt Thanh Hóa bị ngập không nhìn thấy đường. Ảnh: Phúc Tuấn |
Thanh Hóa: Đường sắt bị chia cắt
Sáng ngày 12/10, ông Nguyễn Thanh Tâm - Phó giám đốc Công ty cổ phần đường sắt Thanh Hóa cho biết, tại Thanh Hóa và nghệ An đã xảy ra sạt lở nền đường, trôi đất đá, nhiều vị trí bị ngập trên đỉnh đường ray.
Cụ thể, từ 10h30 ngày 11/10, nước từ các sông thượng nguồn chảy tràn về đã làm ngập đoạn Km 139+400 -Km 149+700 khu vực Đò Lèn - Bỉm Sơn (Thanh Hóa). Nước ngập dần từ 150mm đến 300mm khiến đường sắt qua khu vực này bị "tê liệt".
Trước sự việc này, phía Công ty cổ phần đường sắt Thanh Hóa đã huy động 215 cán bộ, nhân viên cùng các phương tiện, công cụ và dùng 26 xe đá dăm, 200 rọ đá, 200 thanh tà vẹt gỗ...để khắc phục các điểm bị xói mòn, trôi nền đá. Đồng thời tổ chức áp dẫn tàu V=5km/h, phong tỏa khu gian đảm bảo an toàn giao thông.
|
Tính đến sáng ngày 12/10, nước vẫn chưa rút đi, nhiều vị trí trên đường sắt nước chảy làm trôi đất, đá.
Hiện công tác khắc phục sự cố đường sắt do mưa lũ vẫn được triển khai để sớm được thông tàu.
Cũng trong sáng 12/10, một đoạn tuyến QL1A (km 296+500 và Km298+00) qua huyện Hà Trung, TX. Bỉm Sơn bị nước ngập sâu từ gần 1m làm giao thông hướng Thanh Hóa - Hà Nội bị tê liệt.
Phân luồng ô tô qua QL1
Ô tô tải, xe khách đi sát dải phân cách (mực nước dao động 50-70cm) vẫn có thể di chuyển. Ô tô con, xe bánh thấp không qua được. Hiện nay, lực lượng Phòng CSGT Thanh Hóa tăng cường lực lượng phối hợp với Trạm QL1A phân luồng, làn đường và căng dây cảnh báo cho các phương tiện qua lại biết.
Các phương tiện đi theo hướng Thanh Hóa - Hà Nội được hướng dẫn chuyển sang đi đường tỉnh lộ 513 qua huyện Nga Sơn - Kim Sơn ( Ninh Bình).
Tại QL47 đoạn qua Km 49 (qua xã huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) nước lũ từ phía trên thượng nguồn đổ về hạ lưu không thoát dẫn đến nước bị đọng lại ở vùng trũng gây ngập tuyến đường hơn 1m. Các phương tiện lưu thông theo hướng TP. Thanh Hóa - Sân bay Thọ Xuân không thể qua lại được mà phải di chuyển qua tuyến đường vòng sang Thị trấn Thọ Xuân.
18 người bất ngờ bị vùi lấp trong đêm
Báo Giao thông tiếp tục cập nhật
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận