Ít người vay mua nhà
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, nguồn cung căn hộ có chuyển biến. Hiện nay cả nước triển khai được 2.254 dự án với tổng số 1,2 triệu căn hộ, lô, đất nền. Nhà ở xã hội có 622 dự án đã và đang triển khai với quy mô khoảng 565.177 căn.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, nỗ lực gỡ khó cho thị trường bất động sản đã có kết quả tích cực khi thị trường được “bơm” thêm nguồn cung, từ đầu năm tới nay, khoảng 40.000 sản phẩm mới. Cán cân cung – cầu đang được điều chỉnh, giảm dần áp lực về cầu, giá bán bất động sản điều chỉnh về mức phù hợp.
Bên cạnh những tín hiệu khả quan, thị trường bất động sản đối diện nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục được tháo gỡ.
Chia sẻ tại Diễn đàn Phát triển bền vững thị trường BĐS, chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết, tín dụng chủ yếu tăng cho phân khúc đầu tư, kinh doanh bất động sản (tăng 35,4%), cho vay mua nhà tăng 1,1%.
Tuy nhiên, nhu cầu vốn đang tập trung vào phía cung thị trường, tức các nhà phát triển, đầu tư bất động sản. Người dân ít có nhu cầu vay mua nhà đất. Bên cạnh đó là tình trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản phục hồi chậm; giá bất động sản cao và tăng nhanh…
Dự án "đắp chiếu" kìm hãm sự phát triển
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đính cũng bày tỏ lo ngại bảng giá đất mới làm tăng giá bất động sản. Bởi thực tế hiện nay, các dự án ở Hà Nội, TP.HCM đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng ở mức giá rất cao, dẫn đến nguy cơ đẩy chi phí đầu tư, làm tăng đột biến giá sản phẩm.
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia cũng cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, đặc biệt là hàng loạt dự án "đắp chiếu". Hà Nội “đắp chiếu” gần 1.500 dự án; TP.HCM khoảng 2.600 dự án. Tình trạng này không chỉ gây thiếu hụt nhà ở mà còn làm suy giảm cơ hội việc làm.
Ông Nghĩa cho rằng việc cần thiết nhất hiện nay là xây dựng một Nghị quyết Quốc hội nhằm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến pháp lý, quản lý và thủ tục hành chính...
Theo vị chuyên gia này, thị trường BĐS vốn liên quan đến nhiều luật, từ Luật Đất đai, Luật Đầu tư, đến Luật Kinh doanh BĐS, một Nghị quyết Quốc hội, hoặc Quốc hội có thể ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng nghị quyết sẽ tạo ra khung pháp lý cần thiết để giải quyết triệt để các bất cập hiện tại.
“Đây không chỉ là niềm hy vọng của các doanh nghiệp BĐS mà còn là lời giải cho bài toán nhà ở cho hàng triệu người dân. Nếu không hành động kịp thời, thị trường sẽ tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn, các cơ hội đầu tư và phát triển bị bỏ lỡ”, TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận