Một phần đất dính quy hoạch, cả thửa đất "chịu tội oan"
Tại diễn đàn, nhiều thắc mắc đã được người dân đưa ra. Ông Nguyễn Bá Tân, nông dân đến từ Quốc Oai (Hà Nội) nêu vấn đề, nhiều gia đình sống ở mặt đường, ít nhiều diện tích đất dính vào quy hoạch mở rộng đường.
Do đó, nhiều hộ đã xin chuyển đổi phần đất trồng cây lâu năm còn lại trên cùng thửa đất, phù hợp với quy hoạch lên đất ở để phục vụ đời sống. Tuy nhiên, việc xin chuyển đổi này gặp khó khăn, địa phương từ chối.
Lý do của địa phương là do Luật Đất đai 2024 không quy định những mảnh đất dính quy hoạch được chuyển đổi. Ông Tân đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết hiện nay các trường hợp đó sẽ được giải quyết tháo gỡ cho người dân như thế nào?
Ông Tân cũng hỏi, các mảnh đất nông nghiệp được quy hoạch một phần dịch vụ, một phần trồng cây lâu năm, khi quy hoạch, chuyển đổi cấp giấy chứng nhận sử dụng các diện tích đất này được quy định thế nào? Có được xem là tách thửa được không? Luật Đất đai năm 2024 không ghi rõ, các mảnh đất khác nhau thì quy định chuyển đổi thế nào?
Ông Tống Viết Vinh, nông dân đến từ Ninh Bình cho biết, sau khi thu hồi đất làm đường giao thông đã ảnh hưởng đến hệ thống thủy lợi hoặc quy hoạch tái định cư nên có một số diện tích bị chia cắt, xen kẹt, làm ảnh hưởng đến một số diện tích không nhỏ của đất trồng lúa.
Vì vậy mà bỏ hoang đất thì lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng lớn tới đời sống các hộ dân có những diện tích đó. Gia đình ông đã viết đơn xin phép được chuyển đổi sang trồng rau, vậy có đúng không?
Ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nấm Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho hay, hiện nay ở địa phương có một số trường hợp đã làm thủ tục dồn điền đổi thửa theo thông tư 2011 ngày 13/4/2011 về hướng dẫn cũng như thủ tục cấp chứng nhận đất trang trại.
Tuy nhiên, đến năm 2020, thông tư này không còn hiệu lực, được thay bằng Thông tư 2020 ngày 28/2/2020, trong đó có hướng dẫn thay đổi một số tiêu chí về số lượng đất tối thiểu từ 2,1ha xuống còn 1ha nhưng cho đến nay vẫn chưa có các hướng dẫn cấp chứng nhận cụ thể để triển khai.
Điều này làm cho các chủ trang trại xin cấp mới không thực hiện được cũng như các trang trại cũ không có giấy chứng nhận do giấy cũ không còn hiệu lực.
"Để phát triển du lịch sinh thái kết hợp với trang trại, chúng tôi rất cần giấy chứng nhận. Do vậy, tôi rất mong ngành chức năng có biện pháp tháo gỡ để các trang trại phát triển", ông Huy bày tỏ.
Ông Huy cũng chia sẻ, hiện nay HTX nấm Tam Đảo đang đầu tư phát triển vùng nguyên liệu trồng dâu nuôi tằm tại một số tỉnh vùng núi như Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng.
Dâu tằm là cây lâu đời ở Việt Nam, dâu là cây lấy lá nhưng luôn được duy trì tối thiểu 5 lá ở thời điểm cuối vụ, do vậy trên bề mặt luôn giữ được mặt bằng phủ xanh.
Trồng dâu đang mang lại thu nhập cao đến 300 triệu đồng/năm, trừ chi phí còn 180 triệu đồng/năm. Đồng thời trong toàn bộ quá trình trồng dâu nuôi tằm rất hạn chế sử dụng phân bón hoá học có chứa đạm vô cơ giúp bảo vệ môi trường, tạo dinh dưỡng cho đất. HTX đang làm việc với nhiều tỉnh để xuất khẩu sản phẩm ra thế giới.
Để mang hiệu quả lâu dài, quá trình chăm sóc không sử dụng thuốc BVTV nên mức độ bảo vệ môi trường rất tốt. Ông Vinh hỏi với các diện tích trồng dâu theo vùng lớn có thể được đo đếm và cấp chứng nhận tín chỉ carbon không?
Đất quy hoạch chưa thu hồi, người dân có toàn quyền sử dụng, chuyển đổi
Giải đáp câu hỏi của ông Nguyễn Bá Tân (Quốc Oai), ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, các địa phương có trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho người dân đối với diện tích nằm ngoài quy hoạch.
Ông Chính nói thêm, đối với đất quy hoạch nhưng chưa có trong kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện, chưa có quyết định thu hồi đất, người dân vẫn có đầy đủ quyền lợi của người sử dụng đất, thậm chí được mua bán, chuyển nhượng bình thường. Phần đất quy hoạch, khi nào Nhà nước thu hồi sẽ đền bù cho người dân.
Cũng theo ông Chính, Luật Đất đai 2024 quy định, nếu thửa đất của người dân có nhà ở và đất trồng cây lâu năm, khi thu hồi thì người dân được tự tái định cư tại chỗ, chuyển đổi đất cây lâu năm thành đất ở nếu phù hợp với quy hoạch. Đất đằng sau khi làm đất ở ko phải nộp tiền trong phần định mức nhà nước đã thu hồi.
Luật cũng có quy định, nếu tiền bồi thường người dân không đủ để nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước, người dân được Nhà nước cho nợ, đời bố không trả được nợ thì tiếp tục cho đời con nợ. Khoản nợ này được nợ đến khi phát sinh chuyển nhượng cho người khác, không bao gồm hoạt động thừa kế. (Thừa kế không tính là chuyển nhượng-PV).
Trả lời nội dung tiếp theo của ông Tân về quy hoạch đa mục đích đất trên cùng mảnh đất, ông Chính cho biết không có quy hoạch đa mục đích vừa là đất ở, vừa là đất dịch vụ, vừa là đất trồng cây lâu năm, mà đó là việc Nhà nước ghi nhận hiện trạng đất.
Về câu hỏi của ông Tống Viết Vinh (Ninh Bình) ông Chính giải đáp, khu vực hẻo lánh, không thể trồng lúa thì địa phương phải có công bố chuyển đổi quy hoạch sang các mục đích. "Chúng tôi đề nghị địa phương là phải quy hoạch theo điều kiện thực tế".
Về nội dung câu hỏi của ông Nguyễn Quốc Huy, ông Đào Trung Chính thông tin, liên quan đến trang trại, đây là tên gọi ngành nông nghiệp, liên quan đến sử dụng đất là Điều 9 Luật Đất đai là sử dụng các loại đất trong trang trại.
Luật không khống chế hạn mức, sử dụng bao nhiêu, cấp có thẩm quyền xem xét cấp giấy chứng nhận. Việc cấp giấy chứng nhận theo Nghị định 142 của Luật đất đai, khi trang trại đang sử dụng đất có nhu cầu cấp giấy chứng nhận, rà soát..., xây dựng kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện theo Thông tư số 10 năm 2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy chia sẻ thêm, hiện nay, nhu cầu phát triển trồng dâu nuôi tằm lớn, không chỉ trong nước và ngoài nước. Các địa phương vùng núi phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc... đã chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế rất cao, theo ước tính có thể thu nhập từ 250 triệu đến 300 triệu đồng/ha/ năm. Cây trồng này có thể phát triển được trên đất đồi, đất dốc mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân rất tốt.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, đầu tư thêm, dùng phân hữu cơ, thuốc sinh học... áp dụng vào trồng dâu thì phát thải rất thấp có tiềm năng bán tín chỉ carbon.
"Sắp tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ các địa phương và bà con. Chúng ta hướng tới, xây dựng các phương thức cấp chứng chỉ carbon với các diện tích trồng dâu nuôi tằm, góp phần đạt mục tiêu Net zero vào năm 2050. Không chỉ lĩnh vực này mà còn nhiều lĩnh vực khác trong nông nghiệp để được cấp chứng chỉ carbon và đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050", ông Duy nói.
Ngoài ra, nhiều nội dung thắc mắc về đất đai của bà con nông dân cũng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng giải đáp rõ ràng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận