UBND TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 22,5 triệu đồng đối với chủ công trình biệt thự ở xã Tân Thành, vì hành vi chuyển đổi đất nuôi trồng thủy sản sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Hiện tại, cơ quan chức năng đang trình phương án cưỡng chế căn biệt thự như tòa lâu đài, trị giá hàng chục tỷ đồng, xây trái phép trên hai thửa đất nuôi trồng thủy sản nói trên.
Căn biệt thự xây trái phép ở Cà Mau. Ảnh: Gia Minh
Công trình xây dựng trái phép trên diện tích hơn 3.000m2, dài hơn 100m, nằm giáp với tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp.
Đối chiếu với quy định pháp luật, việc bắt buộc phải tháo dỡ những công trình này là lẽ đương nhiên. Bởi tất cả các công trình nếu muốn được xây dựng thì trước tiên đều phải xin cấp phép xây dựng.
Cũng có người cho rằng, việc buộc tháo dỡ công trình hàng chục tỷ là lãng phí, vì thế “không nên cưỡng chế mà phạt thật nặng để thu tiền cho ngân sách rồi để cho tồn tại”.
Biết rằng việc cưỡng chế này không ai mong muốn, dù muốn hay không cũng đã thiệt hại đến nhiều phía cả về tiền bạc, công sức, thời gian. Nhưng, nếu đặt lên bàn cân để xem xét thì những thiệt hại về vật chất do cưỡng chế gây ra cũng còn rất nhỏ so với những cái được mang lại dài lâu cho xã hội.
Tuy nhiên, ở đây cũng có câu hỏi được đặt ra là vì sao một ngôi biệt thự hoành tráng, được cho là đẹp nhất tỉnh Cà Mau, nằm ngay tuyến đường lớn lại có thể dễ dàng xây dựng trái phép mà không bị phát hiện, xử lý ngay từ khi đang thi công?
Đó là ngôi biệt thự bề thế chứ đâu phải cái chòi hay căn nhà cấp 4 đơn giản để mà chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không thấy?
Vì thế, có thể khẳng định, việc để xảy ra những công trình sai phạm như đã nêu trên thì không thể nào nói rằng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không có trách nhiệm. Nếu công tác quản lý không buông lỏng, làm gì có chuyện ngôi biệt thự này được xây từ năm 2018 nhưng vẫn có thể ngang nhiên mọc lên như vậy?
Ngoài việc cương quyết thực hiện theo các quy định của pháp luật, rất cần làm rõ trách nhiệm, có hướng xử lý phù hợp nhằm tăng cường răn đe và ngăn chặn kịp thời những sai phạm tương tự có thể xảy ra.
Trước đây, cũng không hiếm trường hợp chủ đầu tư buộc phải tháo dỡ những công trình lớn, giá trị, như 19 căn nhà gỗ với tổng diện tích trên 450m2 nằm ngay trong vùng bảo vệ 1 của khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm; hay trường hợp phạt hơn 1 tỷ đồng và buộc tháo dỡ 37 nhà không phép bên trong hàng rào kiên cố tại phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức, TP.HCM)...
Tuy nhiên, còn nhiều trường hợp chính quyền địa phương thiếu kiên quyết, để sai phạm tồn tại dai dẳng, gây bức xúc dư luận.
Và chừng nào chính quyền địa phương, ngành chức năng không có những động thái cứng rắn, quyết liệt nhằm lập lại trật tự xây dựng thì hệ quả tác động về sau là rất xấu. Rồi sẽ lại có nhiều công trình sai phạm mọc lên, sau đó chính quyền địa phương lại loay hoay tìm cách xử lý, cưỡng chế, gây ra sự lãng phí một cách không cần thiết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận