Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923 - 1/3/2023), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh và gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tổ chức triển lãm “Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Dấu ấn con đường huyền thoại”. |
Với gần 200 hình ảnh, tài liệu và hiện vật tiêu biểu ở triển lãm đã phản ánh về những công lao, đóng góp to lớn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. |
Triển lãm gồm 4 phần: Phần 1 - Quê hương, tuổi thơ và lý tưởng hoạt động cách mạng; Phần 2 - Dấu ấn Trường Sơn; Phần 3 - Dấu ấn những công trình; Phần 4 - Trọn nghĩa vẹn tình. |
Ngày 19/5/1959, theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Ðoàn công tác quân sự đặc biệt”, sau này gọi là Binh đoàn Trường Sơn (Ðoàn 559) ra đời. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đi vào lịch sử như một kỳ tích của dân tộc, góp phần quan trọng vào thắng lợi mùa Xuân năm 1975. Làm nên huyền thoại đó có công sức, xương máu, mồ hôi và trí tuệ của nhiều thế hệ bộ đội, thanh niên xung phong, trong đó ghi lại dấu ấn đậm nét của Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. |
Tháng 1/1967, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được giao nhiệm vụ là Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559 (Bộ đội Trường Sơn). Trong thời gian gần 10 năm làm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, bằng sự mưu trí, sáng tạo, với bản lĩnh và ý chí quyết tâm vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã đóng góp quan trọng vào những thành tích, chiến công của Bộ đội Trường Sơn, thực hiện thành công công cuộc chi viện cho chiến trường miền Nam, làm thất bại mọi âm mưu chiến lược của kẻ thù, lập nên những chiến công vang dội, để lại những dấu son chói lọi trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. |
Ống nhòm được Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên sử dụng để theo dõi, nắm bắt tình hình, diễn biến kịp thời chỉ đạo các lực lượng chiến đấu trên tuyến vận tải chi viện chiến lược Trường Sơn từ năm 1966 - 1975. |
Cuối những năm 60 của thế kỷ XX, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày càng khốc liệt, xăng dầu là vấn đề cấp bách trên chiến trường. Từ năm 1969-1975, Bộ đội Trường Sơn đã xây dựng thành công đường ống xăng dầu hoàn chỉnh, liên hoàn cả Đông và Tây Trường Sơn. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từng nói: "Nếu đường Trường Sơn là huyền thoại, thì đường ống xăng dầu là huyền thoại trong huyền thoại đó". |
Đoạn ống xăng dầu cuối cùng là một trong 233 km đường ống cuối cùng do Trung đoàn 37, Bộ Tư lệnh 559 thi công đoạn từ bắc Pô kô đến Pu Pờ Răng năm 1974. |
Từ tháng 12 năm 1976 đến năm 1991, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách và đã để lại nhiều dấu ấn khi tham gia chỉ đạo các công trình trọng điểm quốc gia có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc: Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, nhà máy xi măng Bỉm Sơn, nhà máy giấy Bãi Bằng, nhà máy nhiệt điện Phả Lại, nhà máy thủy điện Hòa Bình, cầu Chương Dương, cầu Thăng Long, Chương trình 327… và sau đó là dự án xây dựng con đường Hồ Chí Minh hiện đại. |
Hình ảnh đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng thăm công trường cầu Thăng Long năm 1983. |
Hình ảnh đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, Bộ trưởng Bộ GTVT thăm cán bộ, công nhân Đội 162, Xí nghiệp cầu 16 đang thi công xây dựng cầu Chương Dương ngày 15/2/1985. |
Chiếc mũ được Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sử dụng trong lễ khởi công xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 do Bộ Quốc phòng tổ chức tại Khe Gát, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình ngày 6/5/2000. |
Máy ảnh Sony N50 được Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ tham gia Ban chỉ đạo Nhà nước về xây dựng đường Hồ Chí Minh sử dụng trong quá trình làm việc (2003-2006). |
Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công và nhiều Huân, huy chương, phần thưởng cao quý khác. |
Triển lãm sẽ mở cửa đến hết ngày 5/3 để du khách tới tham quan. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận