Chuyện dọc đường

Chấm dứt việc “có tiền không tiêu được”

03/11/2021, 06:00

Bức tranh kinh tế trong hơn một năm qua khiến yêu cầu cơ cấu lại trở nên bức thiết và Quốc hội, Chính phủ đã nhận rõ điều này.

Việc xây dựng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế là có thể nói là rất cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước, đồng thời đưa các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2025 đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

Cơ cấu lại nền kinh tế không phải thời điểm, mà là quá trình và liên tục. Vì thực tiễn luôn thay đổi nên cơ cấu nền kinh tế cũng luôn phải thích ứng.

Có thể hiện tại ngành hàng này có lợi thế nhưng mấy năm sau sẽ thay đổi. Nếu không xuất phát từ quan hệ cung - cầu để xử lý thì chúng ta sẽ rơi vào thế bất lợi.

img

Tái cơ cấu trong lĩnh vực ngân hàng diễn ra tương đối nhanh, rõ nhất là chuyển đổi số. Ảnh: TTXVN

Vừa qua, dịch bệnh đã tác động đến toàn bộ hoạt động nền kinh tế, đến tăng trưởng và hiệu quả hoạt động của từng doanh nghiệp.

Và đứng trước thực tế đó, chúng ta phải thực hiện cùng lúc 2 nhiệm vụ: Vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, đây là việc không hề dễ dàng.

Nhưng cũng phải nói thêm, dù dịch bệnh nhưng qua đó chúng ta càng thấy trong thách thức vẫn có cơ hội. Bộ phận, ngành nghề nào năng động, nắm bắt được thời cơ và có đột phá đi trước, đón đầu thì tồn tại và thành công.

Hoặc đứng trước dịch bệnh, có những lĩnh vực tái cơ cấu diễn ra tương đối nhanh và mạnh, trở thành điểm sáng. Rõ nhất là chuyển đổi sang kinh tế số và điển hình nhất là lĩnh vực ngân hàng.

Tuy nhiên, những điểm sáng như vậy còn ít, bởi nó diễn ra không đều, nhiều lĩnh vực được kỳ vọng như nông nghiệp, thương mại... việc chuyển đổi số vẫn chậm.

Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp Nhà nước chậm hơn nhiều so với khu vực tư nhân.

Bức tranh kinh tế trong hơn một năm qua khiến yêu cầu cơ cấu lại trở nên bức thiết và Quốc hội, Chính phủ đã nhận rõ điều này.

Tờ trình của Chính phủ cũng đã phác họa được bức tranh cơ bản và đề ra được các giải pháp trước những đòi hỏi của thực tế.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, chúng ta vẫn nên cụ thể, chi tiết hơn nữa. Định hướng là cần thiết nhưng giải pháp, bước đi từ đâu, bắt đầu từ ngành nghề, lĩnh vực gì, cần điều kiện gì để thực hiện, hạ tầng đã đồng bộ chưa... là hết sức quan trọng.

Đơn cử như hạ tầng nhân lực, hạ tầng công nghệ hiện nay đã đáp ứng được chưa? Nhìn từ câu chuyện học sinh học trực tuyến vừa qua thì cũng có thể thấy rõ sự sống động từ thực tiễn.

Nhìn rộng ra, với hạ tầng kinh tế - xã hội cũng vậy, có đầu tư mới phát triển, quan trọng nhất là đề ra được giải pháp phù hợp và quyết tâm thực hiện bằng được.

Giải pháp phù hợp nhưng cần tính cụ thể, hiện thực hóa, cơ chế hóa, cá thể hóa trách nhiệm. Khi đó, hiệu quả công việc sẽ được đo bằng chất lượng thực tế, sự hài lòng của người dân chứ không phải là báo cáo hay những con số.

Riêng với đầu tư công, cần tháo gỡ các nút thắt để lĩnh vực này thực sự là động lực của tăng trưởng. Tính đến tháng 10, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 55,8% kế hoạch là quá thấp.

Giai đoạn tới, cần có giải pháp để chấm dứt căn bệnh kinh niên “có tiền không tiêu được”. Bởi lẽ, tỷ lệ giải ngân thấp sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến động lực và tốc độ tăng trưởng kinh tế chung. Nếu nói ảnh hưởng do dịch bệnh cũng đúng, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là nhiều.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn tôi thấy ít biến động nhưng trên thực tế thì danh mục điều chỉnh quá nhiều, khiến tổng mức đầu tư tăng lên.

Vì thế, đầu tư công phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng ngay từ khi làm kế hoạch, đồng thời gắn trách nhiệm cụ thể.

Bên cạnh đó, còn một vấn đề rất quan trọng là phân công, phân cấp theo mức độ, đồng thời giao quyền thì phải đi kèm theo trách nhiệm tương ứng, kiểm tra kiểm soát.

Nếu phân cấp, phân quyền mà không thường xuyên kiểm tra, giám sát thì rất dễ mỗi nơi làm một kiểu.

Bùi Đức Thụ
Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.