Đường bộ

Chậm giải phóng mặt bằng dự án nâng tĩnh không 4 cầu ở Cần Thơ: Địa phương nói gì?

18/06/2024, 20:01

Địa phương cho biết, công tác giải phóng mặt bằng tại cầu Ô Môn bị ảnh hưởng là do người dân còn khiếu nại về giá.

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng cầu Ô Môn (quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ) thuộc Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1, ngày 18/6, ông Võ Anh Huy, Chủ tịch UBND quận Ô Môn cho biết, trong tháng 6/2024, quận sẽ hoàn thành, bàn giao mặt bằng còn lại cho dự án.

Chậm giải phóng mặt bằng dự án nâng tĩnh không 4 cầu ở Cần Thơ: Địa phương nói gì?- Ảnh 1.

Nhà thầu đã tập kết thiết bị, vật tư tại khu vực cầu Ô Môn nhưng công tác thi công chưa thể triển khai do vướng mặt bằng. Ảnh: Lê An.

Vướng về giá

Theo chủ tịch UBND quận Ô Môn, cầu Ô Môn thuộc địa bàn hai phường Châu Văn Liêm và Thới Hoà với 85 hộ bị ảnh hưởng. Đến nay, ngành chức năng đã phê duyệt kinh phí bồi thường và hỗ trợ cho 57 hộ và công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng với số tiền hơn 15 tỷ đồng. Số này đã chi trả được 31 hộ. 26 hộ còn lại sẽ tiếp tục chi trả trong tháng 6/2024.

"UBND đang tiếp tục phê duyệt 10 hộ với số tiền 3,94 tỷ đồng. Nâng tổng số hộ dân được phê duyệt lên 67, đạt 78,8% với tổng số tiền là 19,37 tỷ đồng.

Còn lại 18 hộ, trong đó có 17 hộ chưa đồng ý do chưa thống nhất về đơn giá bồi thường nhà, đất công trình, vật kiến trúc và một hộ tranh chấp quyền sử dụng đất.

Đối với các trường hợp trên UBND quận sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành mời vận động theo đúng quy định, sau khi kết thúc quy trình vận động sẽ tiến hành phê duyệt phương án theo luật", chủ tịch UBND quận Ô Môn thông tin.

Cũng theo ông, quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng, địa phương gặp một số khó khăn. Cụ thể, qua kết quả niêm yết dự thảo phương án bồi thường, có hơn 50% hộ dân không đồng ý đơn giá nhà, công trình.

Nguyên nhân do đơn giá bồi thường nhà công trình, vật kiến trúc khi nhà nước thu hồi đất UBND thành phố ban hành thấp. Người dân không đủ kinh phí xây dựng lại nhà sau khi di chuyển nhà.

Khi người dân kiến nghị, UBND quận chỉ có thể tổ chức đối thoại, tuyên truyền nhiều lần bởi không có cơ sở để xem xét.

Mặc khác, việc di dời hạ tầng là các đường dây điện cần phải thông qua thiết kế, Công ty Điện lực thành phố thống nhất đấu nối, Sở Công thương thẩm định. Từ đó dẫn đến thời gian di dời bị kéo dài.

Thông tin thêm với PV Báo Giao thông, ông Huy cho biết, thời gian tới, quận tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn lên kế hoạch chi trả tiền cho các hộ dân đã có quyết định để sớm nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho dự án.

Đối với 18 hộ hiện chưa thống nhất dự thảo phương án bồi thường, địa phương tiếp tục chỉ đạo cho cơ quan tuyên truyền vận động thuyết phục hộ dân đồng ý dự thảo và trình phê duyệt UBND quận trong tháng 6, chi trả tiền và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án theo tiến độ chủ đầu tư đã đề ra.

Liên quan đến dự án, mới đây Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang vừa có văn bản gửi UBND thành phố Cần Thơ về việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công cầu Ô Môn, Thới Lai, Đông Bình, Đông Thuận.

"Các quận Ô Môn, Thới Lai hiện đang triển khai, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công dự án, đảm bảo theo kế hoạch đã đề ra".
ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT thành phố Cần Thơ

Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng

Theo Bộ GTVT, ngày 16/5, lãnh đạo Bộ đã kiểm tra hiện trường thi công bốn cầu nói trên. Tại hiện trường, Ban Quản lý dự án đường thủy (chủ đầu tư) báo cáo, phạm vi mặt bằng của các cầu chưa bàn giao, các công trình hạ tầng kỹ thuật chưa được di dời, công tác chi trả bồi thường cho người dân chậm dẫn đến tiến độ thi công trên hiện trường không đáp ứng tiến độ theo kế hoạch.

Chậm giải phóng mặt bằng dự án nâng tĩnh không 4 cầu ở Cần Thơ: Địa phương nói gì?- Ảnh 2.

Khu vực thi công cầu Thới Lai, nhà thầu chưa thể tập kết thiết bị vì chưa có mặt bằng.

Để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, Bộ GTVT đề nghị Cần Thơ tiếp tục quan tâm chỉ đạo quận Ô Môn, Thới Lai và các Sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật và sớm bàn giao mặt bằng để nhà thầu triển khai thi công.

Bộ GTVT cũng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo quyết liệt các Sở, ban ngành xây dựng kế hoạch thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng.

Như trước đó, Báo Giao thông đưa tin, sau hơn 5 tháng khởi công, cầu Ô Môn, Thới Lai, Đông Bình, Đông Thuận thuộc Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam) chưa thể thi công do chưa có mặt bằng.

Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam) đầu tư xây dựng 11 cầu, trong đó xây mới chín cầu, cải tạo một cầu, tháo dỡ một cầu trên địa bàn tỉnh Long An, Bến Tre, Cần thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang và Vĩnh Long.
Tổng mức đầu tư các cầu này khoảng 2.155 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào tháng 1/2024. Ban quản lý các dự án đường thủy (Bộ GTVT) là chủ đầu tư.
Tại Cần Thơ, dự án xây dựng mới cầu Ô Môn, Thới Lai, Đông Bình, Đông Thuận. Theo kế hoạch, cuối năm 2025, các công trình này phải hoàn thành.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.