Hạ tầng

Chậm vốn bảo trì, hơn 11 nghìn lao động đường sắt bị ảnh hưởng

09/03/2020, 18:16

Thời gian qua, nhiều lao động bị chậm lương do chậm giải ngân vốn bảo trì đường sắt, bao gồm cả công nhân tuần đường, gác chắn...

img
Hơn 11 nghìn lao động bị ảnh hưởng lương do chậm giải ngân vốn bảo trì đường sắt

Những đối tượng nào bị ảnh hưởng lớn nhất?

Theo Luật Đường sắt 2017, Tổng công ty Đường sắt VN là đơn vị chủ trì thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN cho biết đã tổ chức một hệ thống nhân lực đồng bộ chặt chẽ từ công ty mẹ tới các đơn vị thành viên với tổng số lao động là 11.315 người để thực hiện nhiệm vụ này.

Trong số này có 6.278 lao động thực hiện bảo trì và quản lý chất lượng công việc bảo trì; 15 lao động gián tiếp thực hiện nhiệm vụ lập kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình, lập và quản lý hồ sơ bảo trì công trình, quản lý chất lượng công việc bảo trì, khai thác, khảo sát, cập nhật, triển khai thực hiện, kiểm tra, nghiệm thu, thanh quyết toán. Ngoài ra, còn 1.241 lao động tuần cầu, tuần đường, tuần hầm để đánh giá an toàn chịu lực và an toàn vận hành công trình, đánh giá sự biển đổi của trạng thái kỹ thuật KCHT đường sắt, biến đổi các thông số kỹ thuật, cự ly, thủy bình, phương hướng; 2.881 lao động làm nhiệm vụ gác chắn đường ngang, gác hầm, gác cầu để đảm bảo an toàn chạy tàu.

Các chức danh hệ tuần gác có vai trò quan trọng trong phát hiện kịp thời các hư hỏng, sự cố trên đường sắt để xử lý ngay, đảm bảo an toàn chạy tàu và cũng được chi trả lương từ nguồn vốn bảo trì hàng năm.

img
Lương nhân viên hệ tuần gác như gác chắn, tuần đường, tuần hầm... cũng thấp do chỉ được trả lương từ ngân sách Nhà nước, không có nguồn lương theo năng suất

Lương vừa thấp, vừa chậm

Ông Vũ Anh Minh cũng cho biết, với nguồn vốn bảo trì đường sắt cấp cho Tổng công ty Đường sắt VN từ năm 2019 trở về trước, Tổng công ty chi cho công tác bảo dưỡng thường xuyên, chiếm đến 90-92% tổng nguồn vốn. Trong đó, trả lương công nhân và các chi phí khác cho người lao động chiếm khoảng 69%. Tuy nhiên, bảo trì đường sắt là sản phẩm công ích, nhà nước đặt hàng thực hiện, trong khi đó từ nguồn ngân sách cấp cho công tác duy tu, bảo đảm an toàn chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Vì thế, lương người lao động nằm trong gói ngân sách này cũng bị thấp theo.

Cụ thể, lương của hệ tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn chiếm đến 48%, với bình quân khoảng 5,5 - 6 triệu đồng/tháng tùy vào bậc thợ (bao gồm các khoản đóng bảo hiểm… theo quy định). 52% còn lại dành cho công nhân duy tu. Lương của công nhân duy tu cũng chỉ dao động từ 6 - 6,5 triệu/tháng tùy vào bậc thợ.

Nếu tính đúng, tính đủ mức tiền lương theo chế độ quy định thì tiền lương tháng bình quân có ăn ca của công nhân duy tu đường sắt và công nhân tuần đường phải hơn 8 triệu đồng/người; của công nhân gác chắn đường ngang hơn 7 triệu đồng/người. Như vậy, tỷ lệ tiền lương được duyệt/tiền lương chế độ chỉ từ 70-80%. Chưa kể, con số thực lĩnh đến tay người lao động còn thấp nữa, do phụ thuộc công lao động, bậc thợ… và trừ các loại phí bảo hiểm.

Từ quý 1/2020, lương người lao động khối hạ tầng, bảo trì đường sắt chỉ được tạm ứng từ 2-3 triệu đồng/tháng tùy theo chức danh. Nguyên nhân theo Cục trưởng Cục Đường sắt VN là do vướng mắc các quy định pháp lý nên mặc dù Bộ GTVT đã giao cho Cục Đường sắt VN hơn 2.801,3 tỷ vốn dự toán bảo trì đường sắt nhưng chưa thể tiến hành ký hợp đồng đặt hàng với các doanh nghiệp bảo trì. Do chưa có đơn đặt hàng, các doanh nghiệp bảo trì không có cơ sở để tính toán khối lượng thực hiện cũng như lương cho người lao động. Mặt khác, do chưa được đặt hàng nên cũng không được tạm ứng, doanh nghiệp không có kinh phí để chi trả tiền mua vật tư, lương…

Cục Đường sắt VN và Tổng công ty Đường sắt VN đang tích cực phối hợp tìm các giải pháp tháo gỡ, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền để có ý kiến giải quyết các vướng mắc hiện nay. Tổng công ty cũng đã cho 20 đơn vị bảo trì đường sắt tạm vay 165 tỷ đồng để chi trả lương cho người lao động làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông đường sắt", ông Khôi nói.

Theo Thông tư 33/2018 của Bộ GTVT, các chức danh tuần cầu, tuần đường, tuần hầm có nhiệm vụ kiểm tra theo dõi, phát hiện kịp thời các hư hỏng, chướng ngại và xử lý bảo đảm an toàn chạy tàu trong phạm vi địa giới được phân công, ghi chép đầy đủ vào số tuần tra, báo cáo cấp trên theo quy định; Sửa chữa, giải quyết kịp thời các hư hỏng, chướng ngại nhỏ, tham gia bảo trì cầu, đường, hầm theo phân công; Kịp thời phòng vệ, nhanh chóng thông tin hoặc báo hiệu dừng tàu khi phát hiện thấy hư hỏng, chướng ngại có nguy cơ làm mất an toàn giao thông…

Cũng theo Thông tư 33, nhiệm vụ của nhân viên gác đường ngang, gác cầu chung là đóng, mở kịp thời chắn đường ngang, chắn đường bộ tại khu vực cầu chung đường sắt, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi phương tiện giao thông đường sắt chạy qua; Kiểm tra, bảo quản trang thiết bị chắn đường ngang, cầu chung; Khi phát hiện hành vi, sự cố có khả năng gây cản trở, gây mất an toàn giao thông đường sắt có trách nhiệm kịp thời báo cho ga gần nhất, lãnh đạo cấp trên trực tiếp để có biện pháp xử lý…

Còn với nhân viên gác hầm, nhiệm vụ phải ngăn chặn người không có nhiệm vụ và súc vật xâm nhập phạm vi hầm đường sắt; Kiểm tra, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt thuộc phạm vi hầm đường sắt bảo đảm an toàn; Khi phát hiện hành vi, sự cố có khả năng gây cản trở, gây mất an toàn giao thông đường sắt có trách nhiệm kịp thời báo cho ga gần nhất, lãnh đạo cấp trên trực tiếp để có biện pháp xử lý…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.