"Sói đơn độc" trong LDP
Ngày 27/9, trong cuộc bỏ phiếu cuối cùng lựa chọn lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP), với số phiếu tương ứng 215 - 194, ông Shigeru Ishiba đã đánh bại đối thủ nặng ký là bà Sanae Takaichi, trở thành lãnh đạo đảng LDP.
Theo CNN, đây là lần thứ 5 ông tham gia tranh cử trở thành lãnh đạo LDP và Thủ tướng Nhật Bản. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba từng tuyên bố đây sẽ là lần cuối cùng ông tham gia tranh cử nếu thất bại. Tuy nhiên, chiến thắng cuối cùng đã đến với ông.
Việc ông Shigeru Ishiba giành thắng lợi thực sự gây bất ngờ với dư luận Nhật Bản bởi từ lâu ông không được lòng các quan chức trong đảng LDP. Theo hãng tin Reuters, ông Ishiba từng chia sẻ ông đọc tới 3 cuốn sách mỗi ngày và thà làm điều đó còn hơn là phải bắt chuyện với những đồng nghiệp trong đảng LDP.
Vị cựu Bộ trưởng Quốc phòng 67 tuổi thậm chí còn tự gọi mình là "sói đơn độc" sau 4 lần tham gia tranh cử thất bại trước đó.
Với việc lên nắm quyền sau lần tranh cử thứ 5 này, ông Ishiba được cho là sẽ phải đối mặt với vô vàn thách thức trong nội bộ đảng LDP vốn đang vướng vào nhiều bê bối khiến Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida tuyên bố không ứng cử lãnh đạo đảng và sẽ từ chức.
Ông Ishiba tham gia vào Quốc hội Nhật Bản vào năm 1986 sau thời gian ngắn làm ngân hàng. Dưới thời Thủ tướng Kishida, ông bị coi là nhân vật bên lề trong Chính phủ Nhật Bản và đã quyết định trở thành tiếng nói đối lập trong nội bộ LDP.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ishiba từng lên tiếng phản đối các chính sách của LDP, bao gồm việc tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân đồng thời chỉ trích LDP vì không cho phép phụ nữ Nhật Bản sau khi kết hôn được giữ nguyên tên họ như trước khi kết hôn.
Những tuyên bố gai góc và thẳng thắn của ông Ishiba, trong đó đáng chú ý là việc ông từng nhiều lần công khai kêu gọi ông Fumio và nhiều Thủ tướng tiền nhiệm của LDP từ chức đã khiến ông có thêm nhiều người bất đồng ngay trong chính LDP.
Sự bất đồng này đã khiến ông Ishiba phải rất vất vả mới nhận được 20 phiếu đề cử cần thiết từ các nghị sĩ LDP để đạt được tư cách ứng viên trong cuộc bầu cử ngày 27/9.
Sau vòng bỏ phiếu đầu tiên chưa chọn ra người chiến thắng, buộc ông và Bộ trưởng Bộ Kinh tế Sanae Takaichi phải bước vào vòng bỏ phiếu khác để quyết định, ông Ishiba đã lên tiếng thừa nhận việc ông quyết không thỏa hiệp đã gây ra nhiều vấn đề với các đồng nghiệp.
"Tôi chắc chắn đã làm tổn thương cảm xúc của nhiều người, khiến họ cảm thấy khó chịu. Tôi chân thành xin lỗi về những thiếu sót của bản thân", ông Ishiba tuyên bố trong bài phát biểu trước các nghị sĩ LDP tham gia cuộc bầu cử.
Đã mềm mỏng hơn trong chính sách
Phát biểu hồi tháng 8 khi mở màn chiến dịch tranh cử tại một ngôi đền theo Thần đạo ở vùng nông thôn Tottori nơi cha ông từng làm Thống đốc và cũng là nơi ông bắt đầu sự nghiệp chính trị, ông Ishiba tuyên bố: "Tôi coi đây là trận chiến cuối cùng và tôi sẽ mang lại một nước Nhật đầy sinh khí nơi con người có thể sống với nụ cười trên môi".
Ông Ishiba cam kết sẽ di chuyển một số bộ ngành và cơ quan Chính phủ ra khỏi thủ đô Tokyo nhằm hồi sinh những khu vực đang lụi tàn đồng thời đề xuất thiết lập một cơ quan giám sát hoạt động xây dựng các khu định cư khẩn cấp tại những nơi chịu hậu quả thiên tai trên khắp Nhật Bản.
Bên cạnh đó, ông đã trở nên mềm mỏng hơn trong những chính sách từng khiến ông bất đồng với các đồng nghiệp trong LDP.
Đáng chú ý nhất là việc ông tuyên bố sẽ giữ lại một số nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động tại Nhật Bản dù trước kia từng nhiều lần phải đối tiếp tục sử dụng điện hạt nhân và ủng hộ các nguồn nhiên liệu có thể tái tạo.
Về vấn đề an ninh, ông Ishiba được đánh giá là nhân vật trí thức hàng đầu và là chuyên gia về an ninh quốc gia của LDP, ủng hộ một Nhật Bản quyết liệt và ít phụ thuộc hơn vào đồng minh Mỹ trong vấn đề quốc phòng.
Cụ thể, trong chiến dịch tranh cử trong đảng LDP, ông Ishiba đã kêu gọi Nhật Bản đứng ra thành lập cái gọi là "NATO ở châu Á". Tuy nhiên, ý tưởng này của ông đã bị Mỹ gạt bỏ với lý do là quá vội vã.
Liên quan đến Okinawa - nơi tập trung nhiều căn cứ của Mỹ nhất tại Nhật Bản, ông Ishiba cho biết sẽ tăng cường giám sát những căn cứ nói trên. Đồng thời, ông muốn Mỹ cho phép Nhật Bản có tiếng nói hơn trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân tại châu Á.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận