"Magaret Thatcher" của Nhật Bản
Trong cuộc chạy đua trở thành người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản điều hành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, giữa 9 ứng viên, có 3 người đang cạnh tranh sít sao. Đó là bà Sanae Takaichi - Bộ trưởng An ninh Kinh tế, ông Shinjiro Koizumi - Bộ trưởng Môi trường và ông Shigeru Ishiba, cựu Bộ trưởng Quốc phòng.
Bà Sanae Takaichi, Bộ trưởng An ninh Kinh tế Nhật Bản, đang được đánh giá là ứng viên tiềm năng nhất. Nếu được lựa chọn, bà Sanae Takaichi là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản nắm giữ vị trí Thủ tướng.
Bà Takaichi được coi là chính trị gia lão làng có quan điểm bảo thủ của LDP, từng cam kết sẽ ưu tiên thúc đẩy phát triển kinh tế Nhật Bản. Bà Takaichi cũng là người phản đối dự luật cho phép phụ nữ Nhật Bản sau khi kết hôn được giữ nguyên tên họ như trước khi kết hôn.
Ở trong nước, bà Takaichi được mô tả là "Margaret Thatcher của Nhật Bản" - ám chỉ hình mẫu của bà là cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, người được mệnh danh là "bông hồng thép của xứ sở sương mù" vốn nổi tiếng với đường lối bảo thủ và cứng rắn.
Bà Takaichi còn là học trò của cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ủng hộ mạnh mẽ chính sách kinh tế Abenomics, bao gồm những biện pháp cải cách tiền tệ, tài chính, cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài trong nhiều thập kỷ qua.
Cũng giống như cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, bà Takaichi có quan điểm rất cứng rắn trong những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia đồng thời thiên về việc thay đổi lại Hiến pháp theo đường lối hòa bình hiện nay của Nhật Bản.
Các đối thủ đáng gờm
Trong hai đối thủ hàng đầu cạnh tranh với bà Takaichi, ông Koizumi, 43 tuổi, là một ngôi sao đang lên, từng du học Mỹ và là con trai của cố Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi.
Nếu thắng cử, ông sẽ là Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Giống như người cha quá cố, mỗi khi xuất hiện trước công chúng, ông Koizumi thường thể hiện là một chính trị gia theo đường lối cải cách.
Ông từng tuyên bố sẽ sớm tiến hành một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn để bầu ra Chính phủ mới tại Nhật Bản nếu được LPD lựa chọn. Dù vậy, ông Koizumi vẫn cam kết sẽ theo đuổi những chính sách kinh tế mà Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida để lại.
Song, theo CNN, ông được cho là còn thiếu kinh nghiệm giải quyết những vấn đề chính trị trong nước và các mối quan hệ quốc tế. Các kế hoạch kinh tế mà ông Koizumi trình bày bị đánh giá là thiếu chi tiết.
Mặt khác, ông Koizumi lại khá được lòng dân chúng, đặc biệt là các cử tri trẻ tuổi và phụ nữ khi ông công khai ủng hộ dự luật cho phép phụ nữ Nhật Bản sau khi kết hôn được giữ nguyên tên họ như trước khi kết hôn.
Ông cũng là người ủng hộ việc phụ nữ có thể trở thành người kế nhiệm ngôi vị Nhật Hoàng, điều hiện nay chưa được pháp luật Nhật Bản cho phép.
Ngoài ra, ông Koizumi là người đầu tiên trong Nội các từng xin nghỉ phép theo chế độ thai sản dành cho các ông bố trong vòng 2 tuần, điều mà trong văn hóa làm việc tại Nhật Bản gần như không xảy ra.
Khác với ông Koizumi, ông Ishiba, 67 tuổi, là một chính trị gia kỳ cựu rất coi trọng các vấn đề an ninh. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ishiba từng kêu gọi thành lập một "NATO phiên bản châu Á" nhằm đối phó với những mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên.
Khác với các chính trị gia Nhật Bản vốn coi trọng nguyên tắc và chuẩn mực, ông Ishiba là người sẵn sàng chỉ trích và thậm chí đi ngược lại với các chính sách của đảng cầm quyền LDP. Điều này dù khiến ông trở thành cái gai trong mắt nhiều quan chức LDP nhưng lại rất được lòng công chúng Nhật Bản.
Cuộc bầu cử lãnh đạo đảng LDP diễn ra khi đương kim Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố không ứng cử lãnh đạo đảng và sẽ từ chức sau loạt bê bối chính trị trong đảng.
LDP là đảng theo đường lối bảo thủ thành lập từ năm 1955 và gần như cầm quyền trong suốt thời gian đó tại Nhật Bản. Với việc chiếm đa số ghế tại Hạ viện Nhật Bản, ứng viên được LDP lựa chọn vào vị trí Thủ tướng gần như chắc chắn được Quốc hội Nhật Bản thông qua trong kỳ họp dự vào tháng 10 tới.
Các cuộc tổng tuyển cử tại Nhật Bản dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2025, tuy nhiên, người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu của đảng LDP có thể kêu gọi tổ chức bầu cử sớm thậm chí là trước cả thời điểm diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Tân Thủ tướng Nhật Bản được kỳ vọng sẽ lèo lái mối quan hệ với Mỹ dưới thời một Tổng thống mới trong thời điểm những thách thức về an ninh ngày càng gia tăng tại châu Á.
Mối quan hệ chiến lược Mỹ - Nhật Bản từ lâu đã đóng vai trò then chốt tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trong năm 2024, Thủ tướng Nhật Bản Kishida đã nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Mỹ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận