Điện ảnh

Chán hài, phim Việt lấy nước mắt khán giả

03/04/2017, 14:25

Đầu tháng 3 năm nay, các nhà làm phim Việt đã thay đổi món ăn cho khán giả.

19

Cảnh phim “Dạ cổ hoài lang”

3 bộ phim vừa ra mắt là: Dạ cổ hoài lang, Lô Tô, Cha cõng con đều đẫm nước mắt mang đến cho người xem những cảm xúc trĩu nặng về thân phận và cuộc đời.

Dù có sự góp mặt của các danh hài như: Hoài Linh, Chí Tài, nhưng Dạ cổ hoài lang của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng không phải mang lại tiếng cười mà lấy đi nước mắt của khán giả. Ngoài việc khơi gợi cảm xúc nhớ quê hương của người xa xứ thì phim còn xoay quanh mâu thuẫn giữa hai thế hệ già và trẻ, giữa tư tưởng hiện đại Tây phương và những quan niệm truyền thống Việt Nam. Từ lát cắt của hiện tại, những khác biệt văn hóa Đông Tây giữa các thế hệ người Việt trong và ngoài nước, bộ phim đưa câu chuyện của hai người bạn già về với những ký ức của thời trẻ con rong chơi, của những buổi hát đình và câu chuyện tình tay ba cảm động giữa Tư Lành, Năm Triều và Út Trong. Tất cả tạo nên câu chuyện cảm xúc lấy nước mắt của khán giả.

Lô Tô của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh không đi đến tận cùng số phận bi kịch của người đồng tính, cũng không truyền tải những triết lý cao siêu… nhưng lại gây xúc động lòng người bởi cái tình của những con người mang thân phận đặc biệt trong xã hội. Bên cạnh đó, bộ phim khơi dậy mạnh mẽ hơn sự nhân văn trong mỗi con người, nhất là khi đứng trước những số phận và cuộc đời ngang trái.

Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng kể về một cậu bé luôn mơ ước được chạm vào những đám mây bay trên bầu trời và một người cha cả đời quanh quẩn đánh cá bên bờ sông, chỉ biết kể cho con nghe những câu chuyện tưởng tượng về vùng đất tràn ngập ánh sáng mà ông chưa bao giờ được đặt chân đến. Và người cha cõng con đi, đi mãi cho con nhìn thấy cuộc đời trước khi không thể... Một câu chuyện chân thật và xúc động đã lấy đi bao nhiêu nước mắt của khán giả.

Hay như bộ phim sắp ra rạp vào tháng 5 tới, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa của đạo diễn Mai Thế Hiệp muốn truyền tải duy nhất một chữ TÌNH. Đó là, tình mẹ cha, tình vợ chồng, tình làng nghĩa xóm, tình cảm giữa con người với con người…

Mỗi giai đoạn điện ảnh sẽ có một bước chuyển, một xu hướng để bắt kịp với nhu cầu và thị hiếu của khán giả. Cái gì nhiều quá sẽ thành bão hòa. Mấy năm trước, khán giả bội thực phim hài, phim hành động, phim ngôn tình để giải trí, thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi. Giờ khán giả lại thích dù là dòng phim nào khi xem xong cần có độ sâu lắng để người ta suy ngẫm, liên tưởng tới cuộc sống và các mối quan hệ hiện tại với những số phận, những mảnh đời, kiếp sống. Đó cũng là tín hiệu hết sức vui mừng, khiến những nhà làm phim phải suy nghĩ nghiêm túc, đầu tư chất xám để có được những kịch bản không chỉ hay, hấp dẫn mà còn cài cắm được những thông điệp sống tích cực. Điều này cũng thúc đẩy sự phát triển cả về lượng và chất cho một nền điện ảnh đang tìm hướng đi đúng và vững chắc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.