Xã hội

Chàng phóng viên Hà Thành bén duyên cùng sản vật tiến vua ở Quảng Bình

22/06/2019, 08:53

Có gốc gác ở Hà Thành nhưng qua những chuyến công tác, Phùng Hiệp - phóng viên VTV lại bén duyên với cây sâm bố chính- sản vật tiến vua năm xưa.

img
Cánh đồng sâm bố chính của Phùng Hiệp và những người bạn

Là một chàng phóng viên có gốc gác ở Hà Thành nhưng qua những chuyến công tác Phùng Hiệp - Phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) lại bén duyên cùng cây sâm bố chính (Quảng Bình) - mệnh danh là sản vật tiến vua. Không chỉ khôi phục lại sản vật này, Phùng Hiệp còn cùng những người bạn còn mở ra một trang mới cho ngành Nông nghiệp nơi đây.

Bén duyên với cây sâm từ những chuyến ngược rừng

Trung tuần tháng 6/2019, PV Báo Giao thông có mặt tại nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đập vào mắt chúng tôi là những cánh đồng xanh ngút ngàn cây sâm bố chính.

Nhắc đên cây sâm Bố Chính hôm nay, không thể không nhắc đến Phùng Văn Hiệp - chàng phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Hiệp vốn là chàng trai Hà Thành, sau khi tốt nghiệp Đại học, Hiệp vào công tác tại Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế. Năm 2015 anh được cử ra thường trú tại địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Trong gần 5 năm lăn lộn khắp mọi miền quê của vùng cát trắng, gió lào, Hiệp luôn ám ảnh bởi nhiều loại cây trồng của bà con đang thì phát triển thì bất ngờ bị bão, lũ và thiên tai làm gãy đổ, hư hỏng. Trong chốc lát, người nông dân thành kẻ trắng tay. Từ đó, bên cạnh việc là một chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền, anh luôn trăn trở làm sao để tìm ra một loại cây trồng, có kinh tế, lại ổn định và bền vững cho bà con nông dân trước những biến đổi thất thường và khắc nghiệt của thời tiết.

Nghĩ là làm, từ những chuyến công tác thực tế, lăn lộn cùng bà con nông dân đã đưa Hiệp biết đến loài sâm Bố Chính. “Khi đi tác nghiệp ở những vùng rừng núi Quảng Bình, mình thấy anh em biên phòng và bà con địa phương nhổ lên một loại cây và cho biết đó là cây sâm bố chính rừng. Ban đầu, mình cũng chưa biết đó là cây gì mà chỉ nghe họ nói loại cây này tốt lắm. Bà con dân bản thường dùng loại cây này để làm thuốc chữa những bệnh như ho và những bệnh liên quan đến tiêu hóa, tăng cường sức khỏe cho người mới ốm dậy… Mình thắc mắc tại sao không di thực những cây này từ trên rừng xuống chân núi để nâng cao hiệu quả kinh tế. Từ đó, mình lóe lên trong đầu một hướng đi mới cho bà con nông dân ở địa phương”, Phùng Văn Hiệp nhớ lại.

img
PV Phùng Hiệp vui sướng khi di thực được những cây sâm từ trên núi xuống để trồng đại trà

Sau đó, Phùng Văn Hiệp đã chia sẻ ý tưởng với một số anh em doanh nghiệp có tâm huyết ở địa bàn tỉnh Quảng Bình; các nhà khoa học và các lãnh đạo tỉnh với quyết tâm khôi phục lại loại sản vật tiến vua năm xưa.

Giữa năm 2017, Công ty Tuệ Lâm ra đời và phối hợp với Lâm trường Đồng Hới tiến hành trồng thử nghiệm 2 héc ta sâm Bố Chính. Dù đã được đầu tư bài bản, áp dụng khoa học tiên tiến, nhưng khi sâm vừa ra hoa thì lăn đùng ra chết hết. “Nhìn cả cánh hoa sâm đỏ rực héo khô, chết trụi lòng mình như muối xát. Bao nhiêu tâm huyết, sức lực, thời gian và tiền bạc đều dành vào đó. Cả ngày lẫn đêm ăn, ngủ với sâm nhưng không có cách nào cứu vãn được, thiệt hại kinh tế hết hơn 2 tỷ đồng. Nhưng mình vẫn động viên các anh “thua keo này ta bày keo khác”, phải quyết tâm khôi phục lại bằng được loài sâm bố chính”, Hiệp nói.

Nhờ sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật từ các giảng viên Đại học Quảng Bình và các chuyên gia sâm bên Hàn Quốc, Hiệp và những người bạn đã tìm ra được nguyên nhân khiến sâm chết và hướng khắc phục. Một héc ta, hai héc ta rồi lên đến 30 héc ta sâm mới được trồng và sinh trưởng tốt, đem lại tự tin cho Hiệp và những người bạn Quảng Bình về ước mơ khôi phục loài sâm quý này.

img
Phùng Hiệp đang cùng những người bạn quyết tâm đưa sâm bố chính vào bản đồ sâm thế giới

Đưa sâm bố chính vào bản đồ sâm thế giới

Từ những thành quả bước đầu Công ty Tuệ Lâm còn đứng ra cung cấp cây giống, chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân trong vùng nhằm hướng đến cánh đồng sâm 500 héc ta trong năm 2019. Đặc biệt, Tuệ Lâm đã mạnh dạn đầu tư thực hiện dự án xây dựng chuỗi liên kết trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm của cây sâm bố chính tại tỉnh Quảng Bình. Từ đó bao tiêu sản phẩm cho người nông dân an tâm sản xuất.

Là loại cây trồng được các nhà khoa học, chuyên gia đánh giá có giá trị kinh tế cao, thích ứng với những biển đổi khí hậu. Nên khi được gợi ý, rất nhiều người nông dân ở Quảng Bình đã mạnh đầu tư, chuyển đổi cây trồng. “Hiện công ty đang chuẩn bị xây dựng khu chế xuất sâm bố chính lớn nhất Việt Nam, tại xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ngoài ra, Công ty Tuệ Lâm còn làm việc với phía đối tác là tập đoàn RND Nonghyup của Hàn Quốc và đã được đối tác đồng ý chuyển giao dây chuyền sản xuất, chế biến sâm. Từ đó có thể, sản xuất được các sản phẩm từ sâm như sâm tươi, sâm khô, trà sâm, nước tăng lực…”, Phùng Văn Hiệp cho biết.

Hiệp còn tiết lộ thêm, ngày 1/4/2019, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tân Hoàng Việt đã ký hợp đồng đặt hàng một số lượng lớn sản phẩm sâm bố chính, tổng trị giá hợp đồng lên đến 1 triệu USD. Ngoài ra, Phùng Hiệp đang cùng với những người bạn tích cực làm việc với các đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức… nhằm quảng bá, xuất khẩu sâm bố chính ra với bạn bè thế giới. Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, tin rằng tương lai không xa, sâm Bố Chính sẽ có mặt trên bản đồ sâm thế giới.

Sâm bố chính hay còn gọi là thổ hảo sâm, sâm báo, sân núi thuộc họ cẩm quỳ, được phát hiện và sử dụng làm dược liệu cách đây khoảng 300 năm ở châu Bố Chính (nay là huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) nhưng đã vắng bóng một thời gian dài. Loài cây này được người xưa rất trân quý và dùng làm sản vật để cung tiến vua chúa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.