Cơ duyên bất ngờ
Cơ duyên thông qua 1 người bạn, anh Trần Thanh Toán (SN 1985, ngụ ấp 6, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) đã làm quen và bén duyên với nghề nuôi rắn ri tượng, giúp gia đình anh trở nên khấm khá và phát triển ổn định nhờ mô hình này. Rắn ri tượng không khó nuôi và cũng không nhiều người nuôi, bởi cần có sự đam mê và chịu khó chăm sóc.
Anh Toán chia sẻ, anh bắt đầu nuôi rắn ri tượng vào năm 2019, ban đầu chỉ dừng lại 3 chuồng nuôi kiên cố, với 400 con rắn ri tượng giống về nuôi. Đến nay, anh đã đầu tư xây dựng được 9 chuồng nuôi rắn kiên cố, mỗi chuồng có hệ thống thoát nước riêng.
Rắn ri tượng mẹ đạt trọng lượng từ 800 gam đến 1,7 kg và có thể đẻ từ 10 - 16 con/lần.
“Rắn con lúc đem về trong vòng 7 ngày không được cho ăn, để rắn nhả hết phôi. Khi rắn con được khoảng 20 ngày tuổi bắt đầu cho ăn cá trê loại nhỏ, từ 2 tháng tuổi trở lên thì cho ăn bình thường, lượng thức ăn tương ứng với trọng lượng của rắn”, anh Toán chia sẻ.
Cà trê là loại thức ăn mà rắn ri tượng ưa thích, cũng vì thế mà rắn lớn nhanh hơn khi ăn các loại thức ăn khác. Trong lúc cho ăn cần phải chú ý để rắn ăn lẫn nhau. Khi thả mồi vào phải đảm bảo con nào cũng có thức ăn.
Hiện tại, anh Toán đang nuôi khoảng 400 con rắn ri tượng (có khoảng 200 con rắn mẹ đang trong thời kỳ sinh sản). Trung bình mỗi năm, 200 con rắn mẹ này có thể sinh sản trung bình khoảng 2.000 con rắn con.
Thông thường, 1 con rắn mẹ sau thời gian nuôi khoảng 18 tháng sẽ bắt đầu sinh sản. Lúc này rắn mẹ đạt trọng lượng từ 800 gam đến 1,7 kg và có thể đẻ từ 10 - 16 con/lần.
"Nuôi rắn ri tượng tốn ít chi phí vì không nhất thiết phải đầu tư xây dựng chuồng trại, tùy theo điều kiện của từng hộ gia đình mà tổ chức nuôi lớn hay nhỏ. Người nuôi có thể thả rắn trong thau, chậu hoặc thùng. Thức ăn cho rắn cũng dễ tìm và nhẹ công chăm sóc. Do đó, nghề nuôi rắn ri voi thích hợp với các hộ gia đình ở nông thôn vì có thể tận dụng thời gian nhàn để cải thiện cuộc sống", anh Toán chia sẻ thêm.
Một con rắn con hiện được bán với giá từ 60.000 - 70.000 đồng.
Thu nhập ổn định từ nghề nuôi rắn
Theo chia sẻ của anh Toán, rắn ri tượng mẹ để sinh sản sẽ được cho ăn ít hơn rắn bình thường. Hằng năm, cứ đến khoảng tháng 8, tháng 9 là anh Toán cho rắn phối giống. Khoảng tháng 4, tháng 5 năm sau rắn bắt đầu sinh sản.
“Một con rắn con, hiện đang được bán với giá từ 60.000 - 70.000 đồng. Sau khi trừ chi phí, riêng tiền bán rắn giống tôi vẫn còn lãi gần 100 triệu đồng”, anh Toán chia sẻ thêm.
Ngoài ra, trong quá trình nuôi anh Toán còn tuyển chọn nhiều con rắn trưởng thành để bán thương phẩm. Hiện nay, rắn thương phẩm được thương lái thu mua với giá khoảng 500.000 đồng/kg.
Nguồn nước nuôi rắn ri tượng phải bảo đảm sạch sẽ và phải thay thường xuyên.
“Về nguồn nước nuôi rắn thì mực nước trong chuồng chỉ cần cao lên khoảng 10 cm và người nuôi phải chú ý phải thay nước thường xuyên, khoảng 4 - 5 ngày thay một lần. Nếu để nước đục thì rắn dễ nhiễm khuẩn, không phát triển tốt. Đình kỳ 1 - 2 tháng thì phải mua thuốc để sát khuẩn cho rắn”, anh Toán lưu ý.
Cũng theo anh Toản, rắn ri tượng ít bệnh, bồn nuôi rắn chủ yếu trồng lục bình để hút hết phân hữu cơ tạo nên môi trường sạch, rắn không bệnh.
Rắn ri tượng là loài rắn không có độc, chuyên được nuôi để lấy thịt. Một con rắn ri tượng trưởng thành có thể nặng lên đến 7 - 8 kg. Chúng có một thân hình phình to, chắc và dẻo.
Thân của rắn ri tượng có nhiều khoang mờ nối tiếp nhau, chúng thường có màu đen, nâu đỏ, nâu vàng và phần bụng thường có màu trắng nhạt.
Rắn ri tượng thương phẩm được các thương lái thu mua và bán lại cho các nhà hàng dùng để chế biến các món ăn như: nướng, hầm sả ớt, chiên (rán), nấu cháo đậu xanh...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận