Ngày 2/3, liên quan đến tiến độ thực hiện dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho hay, sau khi thống nhất với Bộ GTVT, dự kiến ngày 15/3, đơn vị tư vấn sẽ bàn giao cọc GPMB để triển khai các thủ tục thu hồi đất theo quy định.
Một nút giao dự kiến thuộc dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang.
Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có tổng chiều dài 109 km. Tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe hạn chế, dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành năm 2025.
Tuyến này đi qua 5 địa bàn đó là TP. Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài hơn 36 km, tổng mức đầu tư khoảng 9.769 tỷ. Đoạn Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài hơn 72 km, tổng mức đầu tư khoảng 17.485 tỷ.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhận định, dự án có ý nghĩa rất quan trọng, có vai trò là động lực kinh tế, kết nối của cả khu vực ĐBSCL với vùng Đông Nam Bộ, phù hợp với chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, của Quốc hội và của Chính phủ. Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến tiến độ dự án. Từ đó, địa phương nhận thức rất sâu sắc vai trò, trách nhiệm trong việc đóng góp hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Hướng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ của địa phương đối với dự án, ông Đồng Văn Thanh cho biết, tỉnh đã chủ động giao việc cụ thể cho các Sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh, khẩn trương chuẩn bị các thủ tục để triển khai công tác GPMB trong thời gian nhanh nhất, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai dự án theo đúng kế hoạch đề ra. Đồng thời xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, then chốt cần phải tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Cụ thể, tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với đơn vị tư vấn thống kê diện tích đất trồng lúa 2 vụ trở lên, để tổng hợp gửi Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT thẩm định chuyển mục đích sử dụng theo quy định.
Giao Sở TN&MT chủ trì, tham mưu thành lập Ban chỉ đạo GPMB và giao nhiệm vụ cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tiếp nhận hồ sơ thiết kế, cọc mốc GPMB. Tổ chức rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đảm bảo đủ cơ sở, căn cứ thực hiện công tác GPMB.
Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh có nhiệm vụ phối hợp với các địa phương nghiên cứu, rà soát nhu cầu tái định cư của các hộ dân. Đề xuất thành lập các khu tái định cư phục vụ công tác GPMB.
Đồng thời, chỉ đạo UBND các huyện có tuyến cao tốc đi qua, tuyên truyền vận động người dân chấp hành nghiêm về việc triển khai dự án. Hạn chế thấp nhất việc thay đổi mục đích sử dụng đất, để thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng sau này.
“Tỉnh cũng đã giao Sở GTVT là đầu mối phối hợp với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị thực hiện dự án - PV), đơn vị tư vấn, tổng hợp những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, báo cáo UBND tỉnh để xem xét giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Với kỳ vọng dự án sẽ tạo động lực đột phá về phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực ĐBSCL, tỉnh Hậu Giang đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư tốt nhất, phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để hoàn thành dự án theo kế hoạch”, ông Đồng Văn Thanh nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận