Nắng nóng dữ dội
Stefano Olmastroni, một nhân viên vệ sinh, đã dọn dẹp các kệ hàng trong một siêu thị nông sản ở Florence ngay trước khi ông qua đời vào ngày 13/7, khi nước Ý đang gặp vùng xoáy nghịch có tên Cerberus, đẩy nhiệt độ vượt trên 40 độ C.
Trước đó cùng ngày, người đàn ông 61 tuổi nói với người thân rằng ông rất chật vật để làm việc dưới cái nóng và cảm thấy uể oải. Ông mong được nghỉ ngơi vào ngày nghỉ hôm sau đó.
Người lao động ở Ý vẫn phải làm việc dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Ảnh: The Guardian
Được biết, ông Olmastroni có vấn đề về tim, kết thúc ca làm việc của mình lúc 3 giờ chiều và sau đó được tìm thấy đã mất trong phòng thay đồ.
"Khi họ tìm thấy ông ấy, nhiệt độ trong phòng thay đồ là 39 độ C", cháu gái của ông, Sara Ndere Olmastroni, cho biết. "Ông đã tử vong trước khi được đưa đến bệnh viện".
Người chú của cô đã làm việc trong khu vực nhà kính của siêu thị, nơi không có điều hòa nhiệt độ.
"Nhiệt độ rất cao và ông ấy là một người có vấn đề về tim - một cơn đau tim có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng chắc chắn rằng cái nóng không giúp bệnh tình tốt hơn", cô nói thêm. "Qua đời một mình tại nơi làm việc là một điều thật khủng khiếp".
Olmastroni là 1 trong 5 người ở Ý tử vong trong tuần qua được cho là do nắng nóng gay gắt khi vùng xoáy nghịch Caronte phá kỷ lục nhiệt độ ở Rome và đẩy nhiệt độ lên gần 47 độ C ở Sicily. Số người chết thực sự có thể còn lớn hơn nhiều.
Tất cả các nạn nhân - ngoại trừ một công nhân làm đường 44 tuổi đã tử vong khi đang chuẩn bị kẻ vạch đường mới trên đường phố ở Milan và gia đình của người này vẫn đang chờ kết quả khám nghiệm tử thi - đều có vấn đề về sức khỏe liên quan đến tim.
Những người này bao gồm Ciro Adinolfi, 75 tuổi, đã gục trước mặt con trai mình, cũng là một công nhân, khi đang điều khiển cần cẩu trên công trường xây dựng một nhà kho của Amazon ở Jesi, thuộc vùng trung tâm Marche, và Gabriele Lucido, 64 tuổi, người được tìm thấy đã mất trong nhà trọ sau khi kết thúc ca làm việc tại một công trường xây dựng ở Brescia cho TAV, dự án đường sắt cao tốc Ý-Pháp.
Olindo Zuanon, một thợ làm bánh, đã ngã quỵ trước mặt vợ trong cửa hàng của mình ở một thị trấn gần Treviso. Sau đó, ông qua đời tại bệnh viện. Các bác sĩ cho biết người đàn ông 63 tuổi này có nhiệt độ cơ thể gần 42 độ C.
Giải pháp cho người dân
Công nhân nhà máy và những người lao động ngoài trời trên khắp nước Ý tuyên bố sẽ đình công và các công đoàn kêu gọi các đợt nghỉ phép vì nhiệt độ trở nên quá khắc nghiệt để làm việc.
Salvatore Cutaia, tổng thư ký của đơn vị công nhân FenealUil ở Milan, cho biết: "Nhân viên nên được nghỉ có lương khi nhiệt độ vượt quá 35 độ C. "Họ cũng không cần phải làm việc trong những giờ nóng nhất, đồng thời nên tạo ra những khu vực có bóng râm để họ có thể nghỉ giải lao và được cung cấp nước - những biện pháp phòng ngừa nhỏ này có thể cứu mạng người".
Con người có thể tử vong vì nhiều lý do liên quan đến nóng bức. Trong một số trường hợp, say nắng có thể làm tử vong ngay lập tức vì cơ thể quá nóng để các cơ quan hoạt động. Những người khác qua đời vì mất nước khi cơ thể đổ mồ hôi để giữ mát. Đối với nhiều người, đặc biệt là những người mắc bệnh tim và phổi, máu lưu thông nhanh hơn dẫn đến suy tim mạch.
Sonia Seneviratne, nhà khoa học khí hậu tại ETH Zürich, người đã nghiên cứu về các ca tử vong do nắng nóng, cho biết: "Các điều kiện sinh sống từ trước có thể khiến con người dễ bị tổn thương hơn trước nhiệt độ nóng. Tỷ lệ tử vong cao hơn đặc biệt được quan sát thấy ở những người trên 65 tuổi".
Bà nói thêm, nhưng những người trẻ và khỏe mạnh cũng có thể tử vong trong điều kiện nắng nóng, đặc biệt là "trong những trường hợp gắng sức thể chất cao, thường kết hợp với thiết bị hoặc quần áo cản trở quá trình thoát nhiệt".
Trong mùa hè năm 2022, tỷ lệ người tử vong vì nắng nóng cao nhất ở Ý, tiếp theo là Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Các quốc gia này nằm trong số những quốc gia nóng nhất ở châu Âu, nơi có nhiều người cao tuổi nhất và cũng chứng kiến nhiệt độ tăng đột biến lớn nhất. Không rõ mỗi yếu tố làm tăng tỷ lệ tử vong bao nhiêu.
Các bác sĩ đã cảnh báo mọi người ở mọi lứa tuổi nên ở trong nhà và uống nước để giữ an toàn trong các đợt nắng nóng. Họ cũng khuyên mọi người nên để ý hàng xóm và người thân lớn tuổi sống một mình.
Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2021, ở những khu vực của Rome thực hiện kế hoạch cắt giảm sự cô lập xã hội ở người lớn tuổi, tỷ lệ tử vong quá mức vào mùa hè tăng ít hơn so với những khu vực không thực hiện kế hoạch này. Chương trình do tổ chức Công giáo Cộng đồng Sant'Egidio điều hành, cố gắng liên hệ với tất cả những người trên 80 tuổi trong một khu vực để tìm những người sống một mình hoặc không khỏe. Sau đó, tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm tra định kỳ, lời khuyên về cách đối phó với đợt nắng nóng và hỗ trợ quản lý các công việc hàng ngày.
Stefano Orlando, một nhà kinh tế y tế tại Đại học Rome Tor Vergata và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Giảm sự cô lập xã hội thực sự có thể làm giảm tác động của sóng nhiệt đối với tỷ lệ tử vong ở người cao tuổi. Điều không rõ ràng là những chương trình hiệu quả nhất để giảm bớt sự cô lập là gì".
Kế hoạch này - ban đầu được đặt tên là "sole sì, soli no" ("có mặt trời, không cô đơn") - bắt đầu ở Rome vào năm 2004 để đối phó với đợt nắng nóng tàn khốc ở châu Âu vào năm trước, khiến 70.000 người thiệt mạng.
Orlando cho biết: "Những cách can thiệp xã hội này có chi phí rất thấp so với việc điều trị cho con người. Chúng có thể đơn giản như hỏi mọi người xem họ có cần nước hay giúp họ đi mua sắm hay không. Nếu một người ra khỏi nhà để mua thức ăn, họ có thể qua đời. Nếu tôi mang thức ăn qua nhà họ trong tuần nắng nóng, tôi có thể cứu mạng họ".
Các đợt nắng nóng ngày càng mạnh hơn khi con người làm biến đổi khí hậu và làm tăng nhiệt độ toàn cầu. Một nghiên cứu do Seneviratne đồng tác giả vào tháng 7 cho thấy 60% số ca tử vong do nắng nóng ở Thụy Sĩ vào mùa hè năm ngoái có thể là do biến đổi khí hậu.
Seneviratne cho biết: "Việc đốt nhiên liệu hóa thạch đã góp phần đáng kể vào sự gia tăng của các đợt nắng nóng trên toàn cầu. Một số sự kiện nóng cực đoan gần đây cực đoan đến mức chúng gần như không có khả năng xảy ra mà không có khí thải của con người".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận