Thị trường

Châu Âu đánh thuế phát thải hàng nhập khẩu: Đơn vị phát thải phải trả thay?

20/05/2021, 16:23

Châu Âu dự kiến đánh thuế phát thải đối với hàng hóa nhập khẩu từ năm 2023; Các chuyên gia cho rằng, đơn vị phát thải phải trả thuế này.

img

VSEA kiến nghị thắt chặt việc phát thải đối với các nhà máy nhiệt điện.

Sẽ áp dụng thuế phát thải từ năm 2023

Theo Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), dự kiến, Châu Âu (EU) sẽ áp dụng thuế phát thải đối với hàng hóa nhập khẩu từ năm 2023. Điều này sẽ dẫn đến xung đột lợi ích khi các doanh nghiệp xuất khẩu bị đánh thuế nếu sử dụng điện sản xuất từ các nhà máy điện than.

Một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam như là Vinamilk, Sam Sung cũng đã chuyển hướng đầu tư sang nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) để nhằm lấy cho mình một “chứng chỉ xanh”, tạo vé vào thị trường nhập khẩu lớn trên thế giới có áp thuế phát thải.

Nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), xuất khẩu vào EU tăng mạnh. Đáng chú ý, các mặt hàng đang có lợi thế của Việt Nam và trực tiếp tạo công ăn việc làm cho người dân như nông sản, thủy sản, lâm sản, dệt may, da giầy... có sức tăng ngoạn mục.

Do đó, dù EU mới chỉ áp thuế carbon này với các mặt hàng công nghiệp như xi măng, luyện kim, sắt thép, giấy, thủy tinh... nhưng khả năng các mặt hàng nông nghiệp phải chịu thuế cũng không loại trừ.

Đơn vị phát thải phải trả thuế?

Trước thực tế trên, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhận định, đơn vị phát thải cần phải là đối tượng trả thuế chứ không phải người nông dân sử dụng điện.

“Nếu người nông dân phải chịu thuế đó, sẽ làm gia tăng chi phí cho họ và làm giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam”, ông Thủy nói.

Nhấn mạnh vai trò của các công cụ kinh tế như trao đổi hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon, Th.S Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, ngoài việc tăng ngân sách nhà nước, mục tiêu chính vẫn là giảm phát thải.

Vì vậy, quy định về phát thải cần thể hiện nỗ lực giảm phát thải của các nhà máy một cách thực chất, chứ không chỉ là nằm trên các cam kết.

Đại diện Liên minh VSEA cho biết, hiện Việt Nam đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Đây là bản dự thảo cấp tiến và bắt kịp xu hướng trên thế giới.

Đặc biệt, bản dự thảo đã nêu cụ thể đối tượng phải thực hiện giảm nhẹ khí nhà kính là “các nhà máy điện có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hàng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương 1.000 TOE trở lên”.

Do vậy, Liên minh mong muốn Nghị định này sẽ sớm được ban hành để đảm bảo mục tiêu giảm phát thải. Qua đó, thắt chặt việc phát thải đối với các nhà máy nhiệt điện và đẩy nhanh quá trình giảm phát thải tại Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải bằng không vào năm 2050.

Đặc biệt, VSEA cũng kiến nghị quan điểm này cần được thống nhất trong Quy hoạch điện VIII được trình Thủ tướng vào ngày 15/6 tới đây...

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định Mục tiêu quốc gia về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), phê duyệt tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính theo giai đoạn và hàng năm của các cơ sở, doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Dự thảo Nghị định đưa ra mục tiêu và lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho giai đoạn đến hết năm 2025 và giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030.

Giai đoạn đến hết năm 2025 thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030 thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trên cơ sở hạn ngạch được phân bổ, trường hợp cơ sở phát thải khí nhà kính vượt hạn ngạch hoặc không sử dụng hết hạn ngạch được phân bổ thì được trao đổi, mua bán trên thị trường carbon trong nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.