Thời sự Quốc tế

Châu Âu rốt ráo tìm phương án thay thế khí đốt từ Nga

14/04/2022, 13:00

Nhiều quốc gia châu Âu đang đẩy mạnh xây dựng đường ống dẫn khí đốt hoặc tìm nguồn cung năng lượng thay thế Nga.

Đẩy mạnh thi công dự án cung cấp khí đốt cho Phần Lan

Từ các kế hoạch triển khai kho dự trữ khí tự nhiên hóa lỏng ở Đức, Phần Lan và Pháp cho tới các đường ống dẫn khí đốt mới từ Tây Ban Nha, vùng Địa Trung Hải; đẩy nhanh thi công đường ống dẫn khí tại Đan Mạch, có thể thấy, khu vực châu Âu đang rốt ráo tìm cách giảm dần phụ thuộc vào khí đốt Nga, dù các chuyên gia nhận định quá trình này có thể mất nhiều năm.

Tại Đan Mạch, sau 9 tháng tạm dừng vì lo ngại tác động môi trường, dự án đường ống khí đốt Baltic dài 900 km, đưa năng lượng từ Na Uy tới Ba Lan, đã được nối lại từ tháng trước, hướng tới giúp Ba Lan giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí tự nhiên của Nga.

Cơ quan môi trường Đan Mạch - vốn quan ngại về ảnh hưởng của dự án tới một số loài động vật địa phương - đã nhanh chóng cấp phép để nối lại xây dựng vào đầu tháng 3 chỉ vài ngày sau khi nổ ra chiến sự giữa Nga-Ukraine.

Đường ống được dự kiến đi vào vận hành trong tháng 10 và sẽ đạt công suất tối đa vào tháng 1/2023.

img

Hoạt động xây dựng đường ống dẫn khí đốt tại Đan Mạch. Ảnh - AP

Với công suất hàng năm khoảng 10 tỷ m3 khí đốt, đường ống sẽ đáp ứng 50% lượng khí đốt tiêu thụ của Ba Lan - quốc gia đã thông báo sẽ ngừng hợp đồng với công ty năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga trong năm 2022.

Tuy nhiên, “hành trình” tìm nguồn cung khí đốt thay thế của các quốc gia châu Âu khác không được suôn sẻ như Ba Lan.

Na Uy - nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai châu Âu (sau Nga) đã và đang cung cấp hết công suất cho các đối tác. Do đó, khi dự án trên hoàn thành, Na Uy tăng lượng khí đốt cung cấp cho Ba Lan đồng nghĩa lượng khí đốt từ Na Uy tới phần còn lại của châu Âu sẽ giảm đi.

“Dự án trên sẽ giúp Ba Lan nhưng có thể dẫn tới ít khí đốt xuất khẩu từ Na Uy tới Anh và Đức hơn”, ông Zongqiang Luo, chuyên gia tại công ty nghiên cứu Rystad Energy, cho hay.

Ngoài ra, theo ông Luo, nhiều hợp đồng dài hạn giữa Nga và các nhà cung cấp châu Âu còn hiệu lực thêm 10-15 năm nữa.

Châu Âu phải đi xa hơn để tìm nguồn cung

Trong bối cảnh Na Uy đã xuất khẩu hết công suất, nguồn cung từ Hà Lan, Anh giảm dần, châu Âu đang phải lùng sục tìm kiếm nguồn khí đốt ở những khu vực xa hơn như vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, Qatar và châu Phi.

Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải xây dựng các kho chứa LNG cỡ lớn hoặc ít nhất là hệ thống FSRU (hệ thống kho chứa khí LNG nổi) để vận chuyển và lưu trữ LNG qua đường biển.

img

Cơ sở thuộc dự án đường ống Nord Stream 2 ở St. Petersburg, Nga. Ảnh - AP

Tại Đức, trong bối cảnh dự án Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga bị tạm ngừng cấp phép vận hành, quốc gia này đã khởi động lại 3 dự án kho chứa LNG vốn không phải là ưu tiên hàng đầu. Một kho chứa dự kiến hoàn thành vào mùa đông 2023-2024 và 2 kho còn lại phải tới ít nhất năm 2026 mới hoàn thành.

Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng đang vào cuộc tìm phương án tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Cảng Sines của Bồ Đào Nha có kế hoạch tăng gấp đôi công suất kho chứa khí đốt trong 2 năm tới.

Tây Ban Nha, đã có đường ống khí đốt kết nối tới Algeria (nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất châu Phi) và có nhiều kho LNG, có thể là một lựa chọn cung cấp khí đốt cho khu vực. Tuy nhiên, để làm được điều này cần thực hiện khối lượng lớn công việc để kết nối các đường ống dẫn khí đốt từ Tây Ban Nha với phần còn lại của Liên minh châu Âu.

Một phương án khác đang được xem xét là nguồn cung khí đốt từ miền đông Địa Trung Hải, với nguồn dự trữ khí đốt dồi dào ở Israel và Cộng hòa Síp.

Ông Putin: Thiếu EU, Nga sẽ tìm cách bán năng lượng cho khu vực khác

Trong một diễn biến khác, về phía Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow có thể tăng lượng dầu mỏ, khí đốt và than tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Đồng thời, Nga có thể tăng nguồn cung năng lượng cho các khu vực khác - những nơi thực sự có nhu cầu, trên thế giới.

Ông Putin cho rằng, vì một số quốc gia từ chối “hợp tác bình thường với Nga nên đã gây ảnh hưởng tới hàng triệu người dân châu Âu”, đồng thời, gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng tại khu vực Bắc cực của Nga hoặc không hoàn thành các trách nhiệm trong hợp đồng, gây ra những vấn đề cho Moscow.

Tổng thống Putin cho rằng, trong bối cảnh trên, Nga sẽ gặp một số vấn đề nhưng cũng sẽ có thêm những cơ hội mới.

Cùng ngày 13/4, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov cho biết Moscow sẵn sàng bán dầu mỏ và các sản phẩm hóa dầu cho “các quốc gia thân thiện".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.