Nơi tăng nóng, chỗ thờ ơ
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại Hà Tĩnh, hiện có 1.390 xe phải lắp đặt camera giám sát hành trình (GSHT), trong đó có 961 xe tải nặng (xe chở container, xe đầu kéo) và 429 xe vận tải khách từ 9 chỗ. Trước đây, tỷ lệ lắp camera khoảng 35%, nhưng một tháng gần đây, tỉ lệ lắp đặt bất ngờ tăng nhanh.
Việc lắp đặt camera giám sát hành trình theo Nghị định 10 đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19 như hiện nay
Cụ thể, toàn tỉnh hiện nay đã lắp đặt 60% (835 xe/1.390 xe), trong đó tỷ lệ xe tải nặng đã lắp trên 70% (685 xe/961 xe), tỷ lệ xe khách lắp thấp hơn bởi đa số phương tiện chưa hoạt động.
Tương tự tại Nghệ An, tỷ lệ các phương tiện kinh doanh vận tải lắp đặt camera GSHT đạt mức khá cao. Ông Nguyễn Viết Hùng - Trưởng phòng Vận tải, Sở GTVT Nghệ An cho biết: Theo thống kê, hiện nay đã có hơn 50% tổng số phương tiện lắp đặt camera GSHT theo quy định.
Nghệ An đang ở tốp những tỉnh có tỷ lệ lắp camera giám sát hành trình cao nhất cả nước. Đặc biệt, qua theo dõi, tỷ lệ lắp đặt những ngày đầu tháng 12 đang tăng khá nhanh”, ông Hùng nói.
Cán bộ, nhân viên Công ty TM&XD Đông Bắc chi nhánh Nghệ An cùng giám sát việc chấp hành công tác phòng, chống dịch Covid-19 thông qua camera gắn trên xe
Bên cạnh những tỉnh có tỷ lệ lắp cao, vẫn còn một số tỉnh có tỷ lệ phương tiện lắp camera giám sát ở mức thấp. Đại diện Sở GTVT tỉnh Bắc Giang cho biết: Qua rà soát, trên địa bàn Bắc Giang có hơn 3.000 phương tiện phải lắp đặt thiết bị camera. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 7% đã thực hiện. Qua nắm bắt, đa phần các doanh nghiệp đều đang nghe ngóng tình hình, nếu Chính phủ không tiếp tục lùi thời hạn xử phạt thì các doanh nghiệp sẽ triển khai lắp đồng loạt.
Doanh nghiệp đều đồng tình, ưu tiên lắp xe đang hoạt động
Đơn cử, Công ty Thương mại vận tải Hiếu Viện (ở TP Hà Tĩnh) có 10 xe khách chạy 2 tuyến Hà Tĩnh - TP.HCM và Hà Nội. Kể từ năm 2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cả 10 đầu xe của doanh nghiệp phải ngừng chạy trong một thời gian dài.
Khi nới lỏng giãn cách, trong điều kiện thích ứng an toàn, số xe chạy lại cũng chỉ cầm chừng vì vắng khách… Dù khó khăn nhưng để đảm bảo điều kiện hoạt động, doanh nghiệp này đã cân đối tài chính để lắp đặt trước 7 xe.
Dù tỉ lệ lắp đặt camera theo Nghị Định 10 ở Hà Tĩnh khá cao, nhưng đối với xe khách tuyến cố định vẫn đạt thấp, các doanh nghiệp cho biết là do dịch, xe chưa chạy nên chưa lắp
“Không phải đến bây giờ mà cách đây hơn 10 năm (2010) doanh nghiệp đã lắp camera trên xe. Việc này giúp doanh nghiệp giám sát được tài xế, phụ xe và dịch vụ hành khách. Trong công tác phòng chống dịch bệnh như hiện nay, nó càng hữu ích. Ngoài ra, hình ảnh do camera lưu lại đã giúp doanh nghiệp giải quyết rất nhiều vụ việc phát sinh trong quá trình hoạt động”, ông Bùi Văn Viện - Giám đốc Công ty Thương mại vận tải Hiếu Viện cho biết.
Lý giải vì sao nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là đơn vị kinh doanh vận tải khách, hợp đồng, du lịch chưa lắp camera GSHT theo quy định, ông Trần Quốc Toản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Hà Tĩnh cho biết: Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp vận tải. Hiện tại, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, lượng phương tiện hoạt động chỉ từ 10 - 30% để giữ khách. Giữa khó khăn như vậy, doanh nghiệp phải cân đối thu chi nên chắc chắn họ chỉ lắp những phương tiện đang chạy mà thôi.
"Không lắp bị từ chối đăng kiểm"
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Giám đốc Đăng kiểm Hà tĩnh cho biết: Cục Đăng kiểm đã có văn bản gửi toàn bộ các trung tâm đăng kiểm trong cả nước yêu cầu các trung tâm tăng cường tuyên truyền tới lái xe, chủ xe về quy định bắt buộc lắp camera GSHT theo Nghị định 10. Từ sau 31/12, những xe không lắp sẽ bị từ chối kiểm định. Đây có thể là lý do khiến tỉ lệ xe đến trung tâm đã được lắp đặt camera GSHT tăng cao trong thời gian ngắn.
Ông Nguyễn Vũ Mạnh Hà - Chuyên viên Phòng QLVT, PTNL Sở GTVT Hà Tĩnh, cho biết: Ngay khi chuyển đổi trạng thái, UBND tỉnh đã có văn bản đôn đốc các sở, ban, ngành tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, đôn đốc các doanh nghiệp vận tải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; Giao các bến xe tăng cường tuyên truyền và khuyến cáo các nhà xe: “sau thời hạn cho phép không lắp thì không làm lệnh xuất bến”… nên trong thời gian vừa qua tỷ lệ tăng lên rõ rệt.
“Hiện Sở GTVT Hà Tĩnh vẫn đang tuyên truyền, đôn đốc các doanh nghiệp tăng cường lắp đặt hết trước ngày 31/12. Tuy nhiên, theo nhận định thì tỷ lệ lắp đặt cũng khó đạt 100%, nhất là với xe khách. Bởi, hiện tại hoạt động vận tải khách vẫn khá ảm đạm, nếu chỉ lắp đặt trước những xe hoạt động thì mục tiêu rất khả thi” - ông Hà cho biết thêm.
Ngoài ra, ngành chức năng cũng khuyến cáo các doanh nghiệp nên rút kinh nghiệm, như việc lắp GSHT cho xe tải dưới 3,5 tấn trước đây. Các doanh nghiệp để dồn đến 15 ngày cuối thì nhu cầu tăng đột biến, dẫn đến giá thiết bị tăng thêm hàng triệu đồng.
Cùng quan điểm, Ông Nguyễn Viết Hùng - Trưởng phòng Vận tải, Sở GTVT Nghệ An cho biết thêm: Ngay từ đầu, Sở đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định mới cho doanh nghiệp vận tải, đồng thời ký cam kết lộ trình lắp camera. Sở cũng đã tổ chức hội nghị gồm doanh nghiệp vận tải, đơn vị cung cấp hệ thống camera… để tìm phương án hỗ trợ giá cả, chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt nhất. Hiện tại, hoạt động vận tải khách vẫn đang cầm chừng nên để lắp đặt 100% là rất khó. Do vậy, nếu yêu cầu doanh nghiệp lắp trước những xe hoạt động thì sẽ khả thi hơn.
Từ sau 31/12, các phương tiện kinh doanh vận tải không lắp đặt camera theo quy định sẽ bị từ chối đăng kiểm
Chuyên gia hiến kế đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp
Theo thống kê, cả nước khoảng 200.000 phương tiện phải lắp camera, trong đó có khoảng 80.000 phương tiện là xe đầu kéo, container và 120.000 xe là xe khách. Hiện số xe tải hoạt động gần như 100%, trong khi xe khách ở nhiều nơi chỉ khoảng 10-30%. Như vậy, bình quân có khoảng 55% phương tiện hoạt động và 45% không hoạt động.
Lắp camera cho xe tải nặng và xe khách từ 9 chỗ trở lên được Chính phủ giữ lập trường trong suốt 3 năm dự thảo, rồi ban hành Nghị định 10/2020 nhằm nâng cao an toàn giao thông, trật tự xã hội, bảo vệ hành khách và hậu kiểm... Thực tiễn trong nước và nhiều nước thế giới, việc lắp camera rất tốt trong công tác phòng dịch Covid-19 trên phương tiện công cộng.
Tháng 6/2021, nhiều doanh nghiệp kêu “khó” bởi giá chi phí cao 10-12 triệu/xe trong bối cảnh dịch bệnh, lại chưa có tiêu chuẩn nên khó chọn và kiến nghị xin lùi thời hạn lắp camera.
Để tháo gỡ khó khăn và để doanh nghiệp có lộ trình thực hiện, chính phủ họp bàn và ra Nghị quyết 66/NQ-CP có nội dung cho lùi xử phạt đến 31/12/2021. Bên cạnh đó, Bộ KHCN cũng “Chiều lòng” vận tải nên đã ban hành Tiêu chuẩn Quốc gia Camera vào ngày 4/11/2021, để vận tải dễ bề lựa chọn. Động thái này khiến giá lắp đặt giảm chỉ còn khoảng 3-5 triệu/xe. Tuy vậy, gần đến hạn chót, xuất hiện một vài ý kiến kiến nghị xin lùi tiếp lần 2, với các lý do như không lắp đặt kịp, lắp toàn bộ xe thì không đủ tài chính...
Nhìn nhận về việc này, PGS.TS Ngô Trí Long đã nêu quan điểm trên tờ Kinh tế & đô thị: Sau thời điểm 31/12/2021, chắc chắn sẽ vẫn còn rất nhiều phương tiện kinh doanh chưa hoàn thành lắp đặt camera. Do đó, cách xử lý đối với những trường hợp này cũng cần được nghiên cứu cho hợp tình, hợp lý, để vừa đảm bảo sự nghiêm minh, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải khách đang thực sự gặp khó khăn.
“Dịch bệnh kéo dài, chắc chắn các doanh nghiệp vận tải đều đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, không phải cứ doanh nghiệp kêu khó là lại gia hạn, mà cần có giải pháp hợp lý” - PGS.TS Ngô Trí Long cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế này, sau ngày 31/12/2021 có thể điều chỉnh linh hoạt bằng phương pháp sàng lọc. Cụ thể: Những phương tiện nào đang trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh vận tải trên đường bắt buộc phải lắp camera; còn những phương tiện nào dù đăng ký xe kinh doanh nhưng vẫn dừng hoạt động thì nên gia hạn thêm.
Đồng quan điểm, một chuyên gia trong ngành giao thông cho rằng không riêng gì vận tải, dịch bệnh khiến hầu hết các ngành nghề đều ảnh hưởng. Nhưng không thể vì lý do dịch bệnh mà lạm dụng “lùi lần 1, rồi lại lùi tiếp lần 2”. Như thế sẽ tạo tiền lệ để các ngành khác cũng xin lùi xin hoãn nhiều lần.
“Nhưng nhà nước nên xem xét việc chỉ bắt buộc lắp những xe hoạt động trên đường, còn những xe không hoạt động thì không bắt buộc. Như thế, vừa vẫn đảm bảo mục tiêu tối thượng về an ninh, an toàn và phòng dịch, nhưng cũng khiến doanh nghiệp vận tải khách dễ thở”, vị chuyên gia này hiến kế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận