BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy là một trong những trạm chưa lắp thu phí tự động - Ảnh: Mậu Trường |
Vì sao nhà đầu tư chây ỳ lắp thu phí tự động?
Quá hạn chót ngày 15/7, nhưng vẫn còn khá nhiều nhà đầu tư chưa hoàn tất việc ký hợp đồng triển khai thu phí không dừng. Bất chấp những lý do được viện dẫn cho sự chậm trễ này, nhiều người đang đặt vấn đề về việc ngại minh bạch của nhà đầu tư.
Lợi ích của việc áp dụng thu phí điện tử không dừng là không thể phủ nhận. Theo tính toán, nếu tất cả các trạm thu phí hiện nay áp dụng công nghệ thu phí tự động, mỗi năm sẽ giúp tiết kiệm chi phí in vé giấy khoảng 70 tỷ đồng; tiết kiệm 233 tỷ đồng chi phí nhiên liệu; tiết kiệm thời gian tham gia giao thông tương đương 2.800 tỷ đồng; tiết kiệm chi phí quản lý giao thông 360 tỷ đồng.
Triển khai thu phí không dừng sẽ khiến mọi việc trở nên rõ ràng, minh bạch hơn bao giờ hết khi có tới 6 thành phần có thể kiểm soát được việc thu phí, đó là Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Công an, chủ đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ và chủ xe.
Cũng thông qua dịch vụ này, việc quản lý đăng kiểm xe, quản lý đăng ký xe chính chủ, xử phạt nguội giao thông đến theo dõi điều tra các xe bị mất trộm, phục vụ điều tra nhiều hoạt động của cơ quan chức năng…, tất cả đều có thể được “hưởng lợi”.
Lợi ích đã rõ nhưng việc triển khai quá chậm trễ như trên đã nói khiến nhiều người nghi ngờ về việc ngại minh bạch của nhà đầu tư. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã không ít lần nhấn mạnh việc triển khai thu phí không dừng cũng chính là “cuộc chiến” giữa lợi ích chung và lợi ích riêng.
Vì đại cục, vì lợi ích chung khi áp dụng thu phí không dừng, người dân sẽ được đi lại thuận tiện, quản lý khoa học và minh bạch trong thu phí, không có lý gì chấp nhận mãi việc nhà đầu tư cố tình chây ỳ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận