Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật số liệu về tiền gửi tại hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 9/2021.
Theo đó, tiền gửi của người dân trong tháng 9 giảm mạnh gần 1.500 tỷ đồng so với tháng trước xuống còn hơn 5,291 triệu tỷ đồng.
Đây là tháng thứ hai liên tiếp tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng sụt giảm và là tháng thứ 4 trong năm nay tăng trưởng tiền gửi dân cư trong hệ thống ngân hàng bị âm: Tháng 1 (giảm hơn 16.500 tỷ đồng), tháng 3 (giảm hơn 13.300 tỷ đồng), tháng 8 (giảm gần 1.000 tỷ đồng) và tháng (giảm gần 1.500 tỷ đồng).
Lũy kế, đến cuối quý 3/2021 tiền gửi của dân cư chỉ tăng thêm hơn 150 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 2,9%.
Tiền gửi của cư dân vào hệ thống tín dụng giảm tháng thứ 4 trong năm. Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp hơn 380 nghìn tỷ đồng (tương đương tăng 7,8%) nên tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng vẫn tăng hơn 530 nghìn tỷ đồng so với đầu năm (tương đương tăng 5,3%) lên hơn 10,55 triệu tỷ đồng.
Sở dĩ tiền gửi dân cư tại các tổ chức tín dụng rất thấp so với các năm trước, ngoài yếu tố tác động của dịch bệnh Covid-19, theo Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) có thể là do lãi suất huy động thấp nhất lịch sử không thu hút được dòng tiền từ dân cư.
Chốt phiên giao dịch 22/11, VN-Index giảm nhẹ về 1.447,25 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản trên sàn vẫn ở mức cao là 36.576 tỷ đồng. Tổng gía trị giao dịch toàn thị trường phiên này là trên 41.000 tỷ đồng, gần bằng mức trung bình của tuần trước là 43,414 tỷ đồng/phiên.
BVSC cũng nhận định, hoàn toàn có khả năng một phần dòng tiền gửi từ dân cư đã chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.
Thống kê cho thấy, trong tháng 10/2021 có hơn 129.500 tài khoản chứng khoán mới được nhà đầu tư cá nhân trong nước mở, tăng gần 13% so với tháng trước.
Luỹ kế từ đầu năm đến hết tháng 10/2021, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở hơn 1 triệu tài khoản chứng khoán mới, cao hơn tổng số tài khoản cá nhân mở mới trong cả 4 năm trước cộng lại.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán đã huy động cho nền kinh tế khoảng 292.100 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, lãi suất ngân hàng vẫn được duy trì ở mức thấp nhất lịch sử và theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước chính sách lãi suất sẽ không thay đổi cho tới hết năm nay nhằm duy trì mặt bằng lãi suất cho vay hợp lý hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Tới cuối tháng 10, lãi suất huy động tiếp tục duy trì đà giảm. Nguồn: Fiinpro, BVSC
Bên cạnh đó, thanh khoản ngân hàng dồi dào cũng là nguyên nhân các ngân hàng không “khát” vốn để đẩy lãi suất huy động lên cao.
Theo thống kê mới nhất, trong tuần kết thúc vào ngày 12/11 vừa qua không có hoạt động bơm/hút ròng mới nào được Ngân hàng Nhà nước thực hiện qua các kênh tín phiếu và OMO của thị trường mở. Lượng OMO và tín phiếu đang lưu hành ở thời điểm hiện tại tiếp tục duy trì ở mức 0.
“Diễn biến này tiếp tục cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn đang ở trạng thái dồi dào, đặc biệt là khi lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn ngắn vẫn đang dưới 1%”, BVSC nhận định.
Lãi suất liên ngân hàng hiện tại ở mặt bằng thấp, dưới mức trung bình của cả năm 2020.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận