Ngày 12/6, công ty tài chính Soochow Securities cho biết trong giai đoạn tháng 4 - tháng 6/2022, ước tính Trung Quốc sẽ thực hiện khoảng 10,8 tỷ lượt xét nghiệm Covid-19 với chi phí lên tới 26 tỷ USD.
Soochow Securities đưa ra nhận định bất ngờ rằng, khoản chi tiêu này có thể giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tăng 0,62% trong quý II của năm đồng thời giúp giảm thiểu tác động từ xu hướng thắt chặt tiêu dùng của các hộ gia đình đối với GDP hàng quý.
“Từ đầu tháng 6, chúng ta có thể lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế trong quý II”, theo Soochow Securities.
Xét nghiệm Covid-19 tại Trung Quốc. Ảnh - Reuters
Công ty này đưa ra một số yếu tố để minh chứng cho dự đoán lạc quan trên như chính quyền có thể thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch linh hoạt hơn, hoạt động xuất khẩu trong tháng 5 được khôi phục.
Nguyên nhân quan trọng khác, theo Soochow, là từ chi tiêu của chính phủ thông qua việc các chính quyền địa phương triển khai xét nghiệm trên diện rộng thường xuyên trong quý II.
Nhận định của Soochow được đưa ra giữa lúc dư luận Trung Quốc tranh cãi gay gắt về những lợi ích và ảnh hưởng của chính sách xét nghiệm trên diện rộng miễn phí tại quốc gia 1,4 tỷ dân.
Một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng các cơ sở phục vụ xét nghiệm trên diện rộng, như các buồng xét nghiệm đã trở thành một loại hạ tầng, cơ sở vật chất mới tại đất nước này. Giới chức Trung Quốc đang hướng đến xây dựng hệ thống hàng loạt các buồng xét nghiệm để người dân dễ dàng tiếp cận.
Tuy nhiên, cũng tồn tại ý kiến cho rằng đã xuất hiện các nhóm lợi ích chẳng hạn, các nhà cung cấp bộ xét nghiệm Covid-19 được hưởng lợi từ việc xét nghiệm trên diện rộng.
Hồi tháng 5, Cục an ninh chăm sóc sức khỏe quốc gia Trung Quốc cho rằng, các chính quyền địa phương cần tự chi trả chi phí xét nghiệm Covid-19 bằng ngân sách địa phương thay vì trông chờ vào các quỹ bảo hiểm y tế quốc gia.
Mới đây, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cũng nhấn mạnh không cần phải xét nghiệm thường xuyên tại các khu vực không xuất hiện ca nhiễm mới và các khu vực không có nguy cơ xuất hiện ca nhiễm xâm nhập từ bên ngoài.
Song, ngay tháng trước, cơ quan này đã đặt mục tiêu triển khai ít nhất 1 buồng xét nghiệm trong phạm vi 15 phút đi bộ tại các thành phố lớn ở Trung Quốc.
Tuần trước, công ty tài chính Nhật Bản Nomura hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý II từ 1,8% xuống còn 0,3% so với năm trước do các nguyên nhân như gánh nặng từ việc xét nghiệm Covid-19 thường xuyên, tác động lên thị trường bất động sản, khả năng hoạt động xuất khẩu chậm lại và việc Bắc Kinh muốn duy trì chính sách Zero Covid.
Hồi tháng 5, các nhà kinh tế tại ngân hàng Standard Chartered cũng ước tính riêng chi phí xét nghiệm Covid-19 có thể chiếm 0,7% GDP năm 2022 của Trung Quốc.
Trong phân tích nêu ra ở đầu bài, các nhà nghiên cứu tại Soochow Securities còn lập luận rằng dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 0,62% trong quý II/2022 nhờ xét nghiệm hàng loạt mà họ đưa ra cũng tương tự như những tác động từ chi tiêu phòng dịch Covid-19 của Trung Quốc lên tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý đầu năm 2020.
Tuy nhiên, thực tế kinh tế Trung Quốc đã sụt giảm 6,8% trong giai đoạn tháng 1- tháng 3 năm 2020, lần sụt giảm đầu tiên kể từ năm 1976.
Trong bối cảnh các đợt bùng phát dịch Covid-19 có xu hướng suy giảm tại Trung Quốc, Soochow ước tính số lượt xét nghiệm virus SARS-Cov-2 sẽ giảm xuống còn 2,4 tỷ lần vào tháng 6, so với 3,8 tỷ lần xét nghiệm trong tháng 5 và 4,6 tỷ lần trong tháng 4.
Hiện một số tỉnh tại Trung Quốc đã dỡ bỏ hoặc nới lỏng các quy định yêu cầu người dân phải có chứng nhận kết quả xét nghiệm Covid-19. Tuy nhiên, một số khu vực tại Bắc Kinh và Thượng Hải đã khôi phục xét nghiệm trên diện rộng do các ca nhiễm trong cộng đồng tăng trở lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận