Quản lý

Chi Quỹ Bảo trì đường bộ kịp thời, đúng chỗ, minh bạch

07/10/2016, 06:54

Chủ tịch Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư Trương Quang Nghĩa: Dự án sử dụng Quỹ Bảo trì phải hiệu quả.

6

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp thường kỳ quý III/2016 của Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư 

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp thường kỳ quý III/2016 của Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư hôm qua (6/10), Bộ trưởng GTVT, Chủ tịch Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư Trương Quang Nghĩa yêu cầu cần công khai, minh bạch khi lựa chọn các dự án đầu tư bằng nguồn vốn từ Quỹ này đảm bảo hiệu quả, hợp lý, tránh lãng phí.

Tăng chi cho kế hoạch bảo trì năm 2017

Báo cáo tình hình hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư 9 tháng đầu năm 2016, ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Quỹ cho biết, tính đến ngày 30/9 đã có 2.945km quốc lộ được sửa chữa nền, mặt đường, 257 cầu được sửa chữa, xây mới; Sửa chữa 34.595m cống, gia cố hơn 90 điểm sụt trượt taluy và bổ sung, xử lý nhiều hạng mục ATGT khác...

"Nghị định số 120/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí không quy định những nội dung ảnh hưởng đến hành lang pháp lý hiện hành của Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư. Như vậy, Quỹ vẫn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 18/2012 và các văn bản quy phạm khác có liên quan, tức là phí sử dụng đường bộ nộp về Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư, không nộp ngân sách, trừ trường hợp Chính phủ sửa đổi Nghị định 18 và các văn bản hướng dẫn thực hiện."

Ông Lê Hoàng Minh
Chánh văn phòng
Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư

Về kế hoạch thu, đến hết ngày 30/9, các trạm đăng kiểm cả nước đã nộp về Quỹ hơn 4.568 tỷ đồng, đạt 108,3% so với cùng kỳ. “Căn cứ nguồn thu năm 2016, Quỹ dự kiến sẽ chi bảo trì quốc lộ năm 2017 là 7.900 tỷ đồng (năm 2016 hơn 7.448 tỷ đồng)”, ông Minh nói.

Đánh giá về hiệu quả của Quỹ Bảo trì đường bộ, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, sau 5 năm đi vào hoạt động, chất lượng đường sá đã tốt lên nhiều. Người dân đóng phí là để được hưởng dịch vụ tốt hơn và bây giờ nếu thấy dịch vụ chưa tốt, người dân đã có chỗ để “kêu”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu trong các tháng cuối năm, Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư tiếp tục phối hợp với các cơ quan trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL về Quỹ, thông tin rộng rãi hoạt động của Quỹ tới các cơ quan báo chí, bảo đảm công khai, minh bạch cũng như sự giám sát của xã hội và người dân. Bên cạnh đó, sớm có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét cấp bổ sung nguồn ngân sách Nhà nước cho Quỹ T.Ư năm 2017; Khẩn trương xây dựng kế hoạch thu phí bảo trì đường bộ. Văn phòng Quỹ cần sớm trình và xin ý kiến các thành viên Hội đồng Quỹ kế hoạch chi bảo trì đường bộ năm 2017. Từ nay đến hết tháng 10/2016, Tổng cục Đường bộ VN và Văn phòng Quỹ phải hoàn thành kế hoạch đấu thầu bảo trì đường bộ năm 2017.

Đặc biệt Bộ trưởng lưu ý, quá trình xây dựng kế hoạch bảo trì cần chú ý đến thứ tự ưu tiên của các công trình làm sao để với nguồn vốn bảo trì còn hạn chế, nhưng các công trình được bảo trì một cách kịp thời, đúng chỗ và minh bạch.

Nộp vào ngân sách sẽ khiến luồng tiền chạy lòng vòng

Tại cuộc họp, trước ý kiến của đại diện Bộ Tài chính cho biết, thông tin về việc Bộ này có văn bản gửi Bộ GTVT cho rằng, tiền nộp phí bảo trì đường bộ nên quy định nộp vào ngân sách khi sửa đổi các văn bản QPPL liên quan. Về vấn đề này, các ý kiến tại cuộc họp đều cho rằng, như vậy là không cần thiết và chỉ khiến luồng tiền Quỹ đi lòng vòng, khó đáp ứng được yêu cầu đặc thù của công tác bảo trì đường bộ là cần kịp thời, cấp bách.

Theo ông Võ Văn Dũng, Cục trưởng Cục QLĐB III, như vậy sẽ khiến thủ tục rườm rà, có khi mất đến 4-5 tháng mới có vốn không thể đáp ứng kịp thời cho công tác bảo trì.

Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cũng cho rằng, lúc cần tiền để bảo trì, khắc phục hư hỏng đường mà mất 5-6 tháng mới chi thì vô cùng khó khăn. Bài học nhãn tiền chính là việc nộp tiền xử phạt vi phạm giao thông vào ngân sách như hiện nay đang gây khó khăn cho công tác bảo đảm ATGT vì không giải quyết được những vấn đề cấp bách và động viên kịp thời những người trực tiếp tham gia công tác đảm bảo ATGT.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Thanh cũng cho rằng, việc hòa vào ngân sách sẽ chỉ làm nguồn quỹ này chạy lòng vòng, tạo ra cơ chế xin - cho, gây thất thoát và khó khăn cho công tác bảo trì.

Tương tự, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường dẫn thực tế: “Chi một đồng bảo trì bằng ba đồng xây dựng cơ bản” nên nếu đường hỏng mà chậm chi để hỏng thêm sẽ là một sự lãng phí lớn”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu Văn phòng Quỹ theo dõi và bám sát việc sửa các quy định liên quan đến Quỹ đồng thời cho biết, Bộ GTVT và Hội đồng Quỹ sẽ sớm có văn bản trả lời Bộ Tài chính theo hướng giữ ổn định để bảo đảm sự kịp thời, đặc thù của công tác bảo trì đường bộ. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.