Sân bay Long Thành hiện đại cỡ nào?
Theo dự kiến, chỉ còn ít ngày nữa, gói thầu 5.10 thi công nhà ga hành khách thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) sẽ khởi công xây dựng. Nhà ga có tổng mức đầu tư gần 35.000 tỷ đồng được đánh giá rất hiện đại, sử dụng công nghệ 4.0 trong quá trình vận hành.
Cùng với đó gói thầu 4.6 - "thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay" cũng được khởi động chung thời điểm.
Clip: Chiêm ngưỡng siêu sân bay Long Thành. Nguồn: ACV.
Theo công suất thiết kế, ở giai đoạn 1, sau khi đưa vào khai thác, sân bay Long Thành sẽ là sân bay hiện đại hàng đầu trong khu vực với công suất phục vụ 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Để triển khai nhà ga hành khách, trước đó gói thầu móng cọc nhà ga đã hoàn tất; còn gói thầu san nền và thoát nước trên mặt bằng hơn 1.800ha của dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 cũng được tăng tốc để hoàn thiện.
Theo hợp đồng, gói thầu này kéo dài 38 tháng nhưng dự kiến về đích sớm hơn 4 tháng, tức là sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023.
Nhà ga hành khách được xác định là "đường găng" tiến độ của toàn dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 với thời gian thi công 39 tháng.
Ngày 24/8, Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã công bố rộng rãi thông tin gói thầu này về tay liên danh nhà thầu Vietur.
Nhà ga hành khách được xem là "trái tim" của sân bay Long Thành với hình ảnh hoa sen sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế như: Mái, góc nhìn mặt chính, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục được bố trí theo dạng tập trung.
Điểm nhấn kiến trúc là ô lấy sáng và ô thông tầng trung tâm nhà ga, nơi bố trí thác nước nhân tạo và cảnh quan sân vườn.
Nhà ga được xây trên khu đất rộng 150ha, thiết kế hai luồng đi và đến tách biệt, gồm một tầng trệt và 3 lầu.
Trong đó tổng diện tích sàn gần 376.500m2, chiều cao đỉnh mái 45,55m, bố trí 40 vị trí đỗ gần cho các máy bay code C, E, F.
Trước đó ACV từng chia sẻ, nhà ga sân bay Long Thành được thiết kế xây dựng và áp dụng các công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực hàng không, lựa chọn chủng loại vật liệu theo xu hướng áp dụng cho các nhà ga hàng không hiện đại trên thế giới, bảo đảm độ bền, tính thẩm mỹ và đặc tính của nhà ga hàng không.
Đồng thời, còn sử dụng các loại vật liệu bao che bảo đảm tiết kiệm năng lượng cho nhà ga và thân thiện với môi trường.
Sẵn sàng cho ngày khởi công
Còn công trình đường băng cất hạ cánh (gói thầu 4.6) có trị giá 7.308 tỷ đồng, thời gian thi công dự kiến là gần hai năm.
Đường cất hạ cánh có chiều dài 4.000m, rộng 45m; hệ thống hai đường lăn song song, 6 đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối, diện tích khoảng 69,3ha; 4 sân đỗ tàu bay và các sân đỗ phương tiện phục vụ mặt đất với diện tích khoảng 12,4ha.
Trước khi chính thức thi công hạng mục nhà ga, tháng 7 vừa qua, ACV đã phối hợp UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức khởi công xây dựng công trình hệ thống giao thông kết nối tuyến số T1 và T2.
Trong đó tuyến chính T1 dài 4,3km với vận tốc thiết kế đạt 80km/giờ, theo tiêu chuẩn đường chính đô thị được triển khai từ ranh phía tây của sân bay Long Thành đến QL51.
Đây cũng là đường công vụ phục vụ vận chuyển máy móc, trang thiết bị chính cho công tác thi công xây dựng các hạng mục sắp triển khai của dự án, nên được ưu tiên làm trước.
Tuyến T2 dài 3,5km với tiêu chuẩn đường cao tốc cùng vận tốc thiết kế đạt 100km/giờ nằm trên tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đoạn giữa cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây). Đây là tuyến đường rất quan trọng tạo thành hệ thống kết nối cho sân bay Long Thành.
Theo dự báo của ACV, khi sân bay hoàn thành, có khoảng 80% lượng hành khách quốc tế đi, đến sân bay có nhu cầu đến TP.HCM và ngược lại. Do vậy, phía chủ đầu tư nhận định việc hoàn thiện các tuyến giao thông kết nối sân bay với TP.HCM là rất cấp thiết.
Để chuẩn bị cho lễ khởi công, ACV và các nhà thầu đã chuẩn bị rất chu đáo trong những ngày qua.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận