Xã hội

Đồng Nai thở phào khi bàn giao hết mặt bằng sân bay Long Thành

25/08/2023, 14:18

Ngày 25/8, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ bàn giao mặt bằng dự án sân bay Long Thành và tuyến đường T1, T2 vào sân bay.

Có mặt tại buổi lễ, ông Nguyễn Trần Thành, Trưởng ấp Suối Trầu 1 chia sẻ: "Đến thời điểm này tôi đã thở phào nhẹ nhõm".

img

UBND tỉnh Đồng Nai đã trao tặng bằng khen cho những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) sân bay Long Thành.

Nhớ lại những ngày tháng gõ cửa từng hộ dân để vận động di dời, ông Thành chia sẻ đó là khoảng thời gian nhiều niềm vui và cũng nhiều điều tâm tư chưa nói hết.

"Từ tháng 6/2019, tôi bắt đầu tuyên truyền, vận động người dân nhường đất xây dựng sân bay Long Thành. Ngày nào tôi cũng đi sớm về muộn, có những thời điểm đi cả buổi tối để gặp được người dân. Đa số người dân đều đồng thuận, tuy nhiên còn một số hộ do chưa có đất tái định cư, vướng mắc chính sách nên vẫn chậm bàn giao. Có những nhà tôi đi 7-8 lần họ mới đồng ý, thậm chí có lúc ông và đồng nghiệp bị người dân cáu gắt, tỏ vẻ khó chịu nhưng đành cười trừ bỏ qua vì đại cuộc", ông Thành kể.

img

Ông Thành chia sẻ về câu chuyện đi vận động cư dân nhường đất xây dựng sân bay Long Thành.

Cũng theo ông Thành, giai đoạn vất vả nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát.

"Thời điểm đó, hầu hết thành viên ban vận động đều nhiễm Covid do lây nhau. Lúc bị nhiễm, tôi tưởng không sống nổi, sốt tận 10 ngày. Vậy mà khi sức khỏe vừa ổn định, tôi lại đi gõ cửa từng nhà", ông Thành nhớ lại.

Còn lãnh đạo huyện Long Thành cho biết, từ khi dự án được phê duyệt quy hoạch đến thời điểm triển khai thu hồi đất, lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ là 13 năm 5 tháng.

Trong khoảng thời gian đó, nhu cầu chuyển nhượng, cho tặng quyền sử dụng đất của người dân rất cao. Tuy nhiên, do khu vực đã quy hoạch nên bị hạn chế xây dựng nhà, tách thửa chuyển nhượng, cho tặng…dẫn đến người dân phải đi ở trọ, mua bán giấy tay... Điều đó gây khó khăn cho địa phương khi xác nhận hồ sơ nguồn gốc đất, nguồn gốc nhà, tài sản trên đất và xét tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi", lãnh đạo huyện Long Thành nhấn mạnh.

img

Phương tiện thi công nhộn nhịp trên đại công trường.

Trong khi đó, ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, người gắn bó với dự án sân bay Long Thành từ những ngày đầu nói rằng sân bay Long Thành nằm trong top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất trên thế giới. Đồng Nai hiểu rõ tầm quan trọng của dự án đối với sự phát triển của quốc gia nói chung và của tỉnh riêng.

Vì vậy, trong quá trình triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh đã điều động, biệt phái 113 cán bộ công chức, viên chức để hỗ trợ huyện Long Thành.

Liên quan công tác giải phóng mặt bằng, theo thống kê, đến nay tỉnh Đồng Nai đã thu hồi gần 4.900 ha trên địa bàn huyện Long Thành, đạt tỷ lệ hơn 98%, diện tích còn lại không đáng kể và sẽ giải quyết dứt điểm nay mai.

Trong số này có hơn 2.900 ha là đất của các hộ gia đình, cá nhân (chiếm gần 59% tổng diện tích thu hồi); đất của các tổ chức trong khu vực dự án cần thu hồi là gần 2.000 ha.

Với phần đất còn lại ở giai đoạn 2, hiện còn 32 trường hợp với hơn 25ha chưa được phê duyệt phương án bồi thường và hỗ trợ, Đồng Nai sẽ triển khai trong thời gian tới.

Giải phóng mặt bằng (tổng kinh phí gần 23.000 tỷ đồng) là hạng mục quan trọng nhất của dự án thu hồi đất, bồi thường và tái định cư sân bay Long Thành được Quốc hội thông qua năm 2017, giao UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư. Toàn dự án ảnh hưởng gần 7.000 hộ dân, trong đó hơn 4.500 hộ cần tái định cư.

Sau 6 năm triển khai, cơ quan chức năng xét tái định cư cho 4.239 hộ dân, đến nay 4.211 hộ được phê duyệt tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.