Thời sự Quốc tế

Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mới của Mỹ tiếp tục nhằm vào Trung Quốc

29/05/2019, 07:29

Chỉ còn 2 ngày nữa, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á hay còn gọi là Diễn đàn An ninh Shangri-La, sự kiện quan trọng thu hút quan chức...

img
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoà sẽ tham gia Shangri-La lần đầu tiên trong 7 năm trở lại đây

Chỉ còn 2 ngày nữa, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á hay còn gọi là Diễn đàn An ninh Shangri-La, sự kiện quan trọng thu hút quan chức hàng đầu về quân sự các nước trong và ngoài khu vực sẽ diễn ra. Đây sẽ là nơi Mỹ tuyên bố chiến lược tiếp cận mới với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mà theo nhiều chuyên gia, mục đích chính là kiềm chế Trung Quốc.

Bối cảnh mới ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương

Chi tiết kế hoạch mới của Mỹ sẽ được quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan công bố tại diễn đàn An ninh Shangri-La tổ chức ở Singapore từ ngày 31/5 - 2/6.

Ông Tim Huxley, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Quốc tế tại châu Á (IISS-Asia) - đơn vị tổ chức sự kiện cho rằng: “Bài phát biểu của Tướng Shanahan tại diễn đàn sẽ là về chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương Mở và Tự do mới”, có thể cung cấp cái nhìn sâu rộng về nhìn nhận hiện nay của chính quyền Washington đối với những thách thức từ Trung Quốc, Triều Tiên cũng như một số vấn đề an ninh khu vực khác”.

Trung Quốc không thể không lắng nghe kỹ càng từng câu, từng chữ trong kế hoạch của Mỹ khi Bắc Kinh sẽ cử tới đây Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa, đánh dấu sự hiện diện lần đầu tiên kể từ năm 2011 của một lãnh đạo Bộ Quốc phòng Trung Quốc tại sự kiện này.

“Cụm từ Ấn Độ - Thái Bình Dương” lần đầu xuất hiện trong khung làm việc chiến lược của Mỹ từ năm 2010 khi Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Hillary Clinton sử dụng nhằm gửi tín hiệu về lợi ích của Mỹ trong khu vực.

Thời điểm đó, phát biểu tại Honolulu, bà Clinton nói: “Chúng tôi đang mở rộng hoạt động với Hải quân Ấn Độ trong khu vực Thái Bình Dương… Nước Mỹ hiểu khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương có tầm quan trọng như thế nào với thương mại toàn cầu”.

Chiến lược của Mỹ lúc ấy là kết hợp quân sự cùng địa kinh tế nhằm kiềm chế sự bành trướng quân sự của Trung Quốc trên các vùng biển Ấn Độ và Thái Bình Dương, đồng thời, đưa ra các mô hình phát triển thay thế tham vọng hạ tầng toàn cầu quy mô lớn của Trung Quốc - Sáng kiến Vành đai, Con đường, theo nhận định vủa tờ Bưu điện Hoa Nam.

Cách tiếp cận đó đã được tăng cường vào năm 2016 khi Nhật Bản cũng công bố chiến lược chính sách nước ngoài mới về một “Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng mở, tự do” nhằm thúc đẩy “quy tắc về luật pháp, tự do hàng hải và tự do thương mại”. Mỹ cũng ủng hộ cách nhìn nhận này từ Australia và Ấn Độ. 4 nước cùng nhau thành lập nên nhóm có tên Quad.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc ngày càng mở rộng quân sự qua các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo trên biển Đông và mở ra căn cứ nước ngoài đầu tiên tại Djibouti buộc Mỹ cần phải nghĩ lại.

Những lo ngại của Washington đều được phản ánh trong báo cáo thường niên của Quốc hội Hoa Kỳ được gọi là “Những diễn biến an ninh và quân sự liên quan tới Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa 2019”.

Trong đó, báo cáo viết: “Trong năm 2018, Bắc Kinh tiếp tục quân sự hoá trên biển Đông bằng cách triển khai một loạt tên lửa hành trình chống tàu và tên lửa tầm xa đất đối không trên các đảo đá mà họ chiếm đóng (trái phép) tại khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam-PV)”.

“Hải quân Trung Quốc cũng tiếp tục triển khai tàu ngầm tới Ấn Độ Dương, thể hiện sự quen thuộc ngày càng gia tăng của họ với việc hoạt động trong khu vực, nhấn mạnh quyền lợi của nước này trong bảo vệ tuyến liên lạc trên biển ngoài khơi biển Đông… Trung Quốc sẽ vẫn là nước có chi tiêu quân sự lớn nhất trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, ngoài Mỹ”, báo cáo viết.

Trong lúc căng thẳng leo thang giữa Mỹ - Trung Quốc, các lãnh đạo Ấn Độ - Thái Bình Dương cần phải đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ hoà bình trong khu vực. Song, hiện tại, Mỹ vẫn rất khó khăn để thu hút các lãnh đạo khác, ngoài các thành viên trong nhóm Quad vì họ e dè khi phải lựa chọn đối đầu với Bắc Kinh.

img
Nhật Bản và Mỹ là hai thành viên chủ chốt trong nhóm Quad

Chiến lược của Mỹ sẽ ra sao?

Trước tình hình đó, bất kể thông báo nào được Mỹ đưa ra trong ngày 31/5 tới, một điều có thể chắc chắn, kế hoạch đó sẽ là bổ sung chứ không phải thay thế cách tiếp cận do Mỹ dẫn đầu hiện nay, theo các chuyên gia.

Nhà phân tích hiện đang làm việc với Rand Corporation, ông Timothy Health cho biết, chiến lược mới của Mỹ “có thể bao gồm các chương trình luân chuyển các tài sản quân sự như máy bay không người lái hoặc máy bay do thám nhằm tăng cường khả năng nhận thức hải quân tới tất cả các nước trong khu vực”.

Ông Health còn cho biết, khả năng cao, các nước châu Âu cũng tăng cường hiện diện trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương khi họ ngày càng có cùng mối quan tâm chung với Mỹ về quyền lực đang mạnh dần lên của “con rồng châu Á”.

“Ấn Độ Dương và biển Đông là hai vùng biển quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu và các nước có cùng mối quan tâm là phải đảm bảo ổn định và an ninh trong khu vực”, theo nhà phân tích Health.

Song cũng có một số nhà quan sát và phê bình e ngại, chiến lược khu vực của Mỹ bị tập trung quá nhiều vào an ninh và chỉ vì mục đích chống lại Trung Quốc chứ không vì lợi ích chung của Ấn Độ- Thái Bình Dương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.