Xã hội

Chiến tranh biên giới 1979: Gác lại quá khứ không có nghĩa là quên quá khứ

17/02/2019, 09:49

Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 đã để lại cho chúng ta bài học quý giá về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nêu cao tinh thần cảnh giác.

img
Đại tá, PGS.TS. Trần Ngọc Long – Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

40 năm kể từ ngày cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 xảy ra, nhưng những nhân chứng lịch sử, những nhà nghiên cứu khoa học, lịch sử mỗi khi nhắc đến đều cảm thấy vô cùng tự hào.

Lòng yêu nước, tự tôn dân tộc cùng tình đoàn kết tạo nên sức mạnh vô song

Nói về sức mạnh giúp chúng ta có thể đương đầu với 60 vạn quân Trung Quốc trong cuộc chiến biên giới năm 1979, Đại tá, PGS.TS. Trần Ngọc Long – Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng, trước hết đó là nhờ tinh thần tự tôn dân tộc. “Người Việt Nam là vậy, sống hòa hiếu, thủy chung nhưng khi đụng đến lòng tự tôn dân tộc, điều thiêng liêng nhất là độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ thì muôn người như một, không ai bảo ai, họ tự khắc buông bỏ tất cả để cầm vũ khí đứng lên bảo vệ bằng được độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhờ vậy, chúng ta có sức mạnh vô song” – Đại tá Long nói.

Ông Long cũng cho rằng, nhìn lại cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1979 cũng là một dịp để chúng ta rút ra bài học kinh nghiệm.

Đó là giải quyết hài hòa sự kết hợp giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nêu cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong cả thời chiến và thời bình, không thế lực nào có thể phá vỡ được hay ngăn cản được sự tiến lên của dân tộc Việt Nam.

nhìn nhận cuộc chiến tranh biên giới 1979 là khúc quanh của hai nước, tạo nên hố ngăn cách, song Đại tá Long nhấn mạnh, trách nhiệm của chúng ta là bắc cầu hữu nghị vượt vượt qua hố đó để hướng tới xây dựng tình hữu nghị tốt đẹp, cùng nhau phát triển.

Triết lý hiện nay là giương cao ngọn cờ đạo lý hòa hiếu, thế nhưng điều bất biến là tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và không bao giờ đánh đổi” – ông Long nói.

Ông cho rằng, gác lại quá khứ không có nghĩa là lãng quên quá khứ, vì thế cần nói rõ để nhân dân hai nước hiểu kỹ hơn về cuộc chiến này để rút ra bài học, để hướng tới xây dựng quan hệ tốt đẹp.

Tính chính nghĩa của Việt Nam thể hiện ngay từ đầu

Nói về cuộc chiến lịch sử này, GS Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định, tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc thể hiện ngay từ đầu, vì Trung Quốc gây khó khăn và ý đồ tấn công quân sự xuất hiện từ trước. Việt Nam đã kiềm chế, giữ hòa khí nhưng cuối cùng phải đứng lên chống lại khi đạo quân 60 vạn quân ào ạt tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của nước ta vào ngày 17/2.

img
Hình ảnh hào hùng trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979

“Khi đạo quân tiến vào nước ta thì muốn gì cũng là đạo quân xâm lược nên người Việt Nam cầm vũ khí đứng lên chống lại. Tính chính nghĩa của Việt Nam thể hiện rõ ngay ở phút đầu của cuộc chiến đấu là hoàn toàn bảo vệ biên cương của Tổ quốc” – ông Giang nói.

Theo ông, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc được sự đồng tình hưởng ứng của toàn dân tộc Việt Nam, và nếu không chính nghĩa sẽ không có được điều đó. Sinh viên lấy máu viết thư xin ra mặt trận; nhiều nghệ sĩ thể hiện ý chí mạnh mẽ, người dân xung phong cầm súng kể cả khi chưa có lệnh tổng động viên. Tính chính nghĩa là vô cùng rõ ràng” – GS Vũ Minh Giang dẫn chứng.

Nhìn lại khi chiến tranh đã qua đi, GS Vũ Minh Giang cho rằng, lịch sử không chỉ có xây dựng đất nước mà luôn luôn sẵn sàng cầm vũ khí chống ngoại xâm để gìn giữ độc lập dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, điều đó ngấm vào máu của Việt Nam, là một phần sức mạnh, thậm chí thành văn hóa Việt Nam.

Chủ nghĩa yêu nước được coi là giá trị tinh thần vô cùng quý giá của dân tộc, là cội nguồn sức mạnh của Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước đó được đẩy lên mức cao nhất khi thế lực khác đụng đến giá trị thiêng liêng nhất là độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Cuộc chiến 1979 thể hiện tập trung cao độ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước” – ông Giang đánh giá.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, việc nhìn lại và định vị tính chất cuộc chiến không phải để khắc sâu hận thù, khuếch rộng hay kích động tâm lý bài Trung Quốc mà như một cách để nhắc nhở trong quan hệ hai nước có vết hằn, hố ngăn cách cần bắc cầu hữu nghị vượt qua, để tương lai không tái diễn.

Bên cạnh đó, việc đưa ra những nhận định đúng đắn về cuộc chiến đấu chính là sự tiếp nối truyền thống, hun đúc khí chất của người Việt Nam, dung dưỡng sức mạnh nội lực của người Việt Nam, cùng với xây dựng đất nước hùng cường, quân đội mạnh để bảo vệ đất nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.