Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã và sẽ tác động đến các nền kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á |
Để loại bỏ các ảnh hưởng tiêu cực từ việc Mỹ áp thuế trừng phạt 25% đối với hàng chục, thậm chí sắp tới sẽ là hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh đã sử dụng các công cụ tiền tệ làm giảm giá đồng nhân dân tệ so với giá trị của đồng USD tới gần 20%. Những thay đổi chính sách thương mại của Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng tới nhiều quốc gia trên thế giới, mà đặc biệt là Đông Nam Á, tờ SCMP ngày 6/8 dẫn lời các chuyên gia kinh tế nhận định.
Căng thẳng thương mại khiến kinh tế toàn cầu sụt giảm mạnh
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing nói với Quốc hội cuối tuần qua rằng, đảo quốc Sư tử có thể phải đối mặt với ảnh hưởng nghiêm trọng nếu các biện pháp trả đũa thương mại “ăn miếng, trả miếng” giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang.
“Những căng thẳng thương mại có thể lên đến đỉnh điểm sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu sụt giảm mạnh cũng như niềm tin của người tiêu dùng. Hoặc, chiến tranh thương mại có thể dẫn tới sự thắt chặt các điều kiện thanh khoản toàn cầu. Môi trường vĩ mô về cơ bản sẽ thay đổi”, ông Chan nói.
Hai ngân hàng lớn tại Singapore, gồm OCBC và DBS, đã cắt giảm các dự báo tăng trưởng trong các tháng tới đối với các danh mục phụ thuộc vào xuất khẩu do các tác động của cuộc chiến thương mại.
Bên cạnh đó, Indonesia, nền kinh tế lớn của Đông Nam Á cũng đã đưa ra các biện pháp sớm để ngăn chặn các ảnh hưởng tiếp theo từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Sự giảm giá đồng nhân dân tệ làm ảnh hưởng tới sức mua nguyên liệu thô như gỗ từ Indonesia của các nhà sản xuất Trung Quốc. Để đối phó với điều này, Chính phủ Indonesia cho biết, họ sẽ tối ưu hóa việc sử dụng các công cụ tài chính như thuế xuất nhập khẩu, cũng như cân đối thuế nhập khẩu để các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh và có khả năng xuất khẩu.
Các chuyên gia cũng dự đoán rằng, Việt Nam, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới có thể chững lại đáng kể bởi các tác động từ cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường Mỹ - Trung.
Các quan chức Chính phủ Việt Nam sẽ phải tìm cách kiểm soát giá trị đồng nội tệ bởi nếu phá giá đồng tiền Việt Nam so với USD thì sẽ là cách đối phó hữu hiệu với việc đồng nhân dân tệ giảm giá, nhưng điều này cũng sẽ làm lạm phát tăng cao.
Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ là một cuộc chiến thương mại mà còn là “một cuộc chiến tranh về quyền lực, công nghệ và chính sách tiền tệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới”.
Trong cái rủi, liệu có cái may?
Trong khi đó, cơ quan đặc biệt về thương mại mới được thành lập bởi Chính phủ của tân Tổng thống Malaysia Mahathir Mohamad vừa kết luận rằng, tác động của vòng thuế quan đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc với Malaysia là tương đối lớn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Darrell Leiking nói rằng, ở một góc độ của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ông đã nhận thấy “trong cái rủi sẽ có cái may”. “Trung Quốc là một nhà nhập khẩu lớn hàng hóa của Malaysia và Kuala Lumpur cũng nhập khẩu rất nhiều từ Bắc Kinh. Tôi tin rằng, Trung Quốc sẽ chú ý hơn tới Malaysia vì rất nhiều sản phẩm của họ hiện không có khả năng xuất khẩu hoặc đang bị đánh thuế cao bởi các thị trường khác”.
Còn đối với Philippines, Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s hôm 3/8 nói rằng, Manila không bị ảnh hưởng nhiều như những nước láng giềng trong cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington và có khả năng duy trì tăng trưởng kinh tế do nhu cầu trong nước ổn định.
Tuy nhiên, SCMP vẫn xếp Philippines nằm trong nhóm các nước Đông Nam Á bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Ngân hàng RHB của Malaysia ước tính rằng 16,9% các lô hàng Philippines ở nước ngoài là một phần trong chuỗi giá trị của Trung Quốc (tức là các hàng hóa đầu vào cho xuất khẩu của Bắc Kinh).
Người phát ngôn Harry Roque của Tổng thống Rodrigo Duterte nói trong một sự kiện hồi tháng 7 rằng, Bộ thương mại và Tài chính Philippines vẫn đang cẩn thận nghiên cứu và xác định các mặt hàng xuất khẩu dễ bị ảnh hưởng nhất bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Ngược lại với những ảm đạm ở những quốc gia nêu trên, các quan chức Thái Lan lại lạc quan khi nhìn thấy những tác động bề nổi của cuộc chiến thương mại. Bộ trưởng Thương mại Sontirat Sontijirawong đã nói rằng, ông dự kiến sự căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc lớn sẽ tạo ra một thị phần lớn hơn cho thực phẩm Thái Lan tại các siêu thị ở cả Mỹ và Trung Quốc.
Cả hai cường quốc trên thế giới đã áp dụng thuế quan đối với các sản phẩm hải sản của nhau. Hoa Kỳ áp đặt thuế đối với cá hồi, cua và tôm hùm Thái Bình Dương xuất khẩu của Trung Quốc và theo ông Sontirat Sontijirawong, đây là cơ hội cho hải sản Thái Lan. Bangkok đã kiếm được khoảng 5,5 tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu thủy sản trong năm 2017, chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận