Phối cảnh dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành |
Chính phủ vừa có tờ trình về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo tờ trình của Chính phủ, tổng mức đầu tư của dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành khoảng 23.049 tỷ đồng. Tuy nhiên, với nguồn vốn dự kiến thu hồi được khoảng 3.022 tỷ đồng từ việc khai thác, sử dụng ngắn hạn quỹ đất chưa xây dựng hạ tầng thì thực chất tổng chi phí dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 20.027 tỷ đồng.
Dự kiến trong giai đoạn đến 2020, nhu cầu vốn cho dự án khoảng 10.821,6 tỷ đồng nhưng đến nay mới bố trí 5.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, còn thiếu khoảng 5.821 tỷ đồng, vì vậy cần tiếp tục bổ sung nguồn vốn.
Đề xuất nhiều cơ chế đặc thù
Theo đánh giá của Chính phủ, Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô thu hồi đất lớn, được quy hoạch từ năm 2005, có ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư.
Trong nhiều năm qua, người dân sống trong vùng Dự án không thể đầu tư sản xuất, kinh doanh lâu dài, không được xây dựng nhà ở kiên cố, tách hộ… là do quyền sử dụng đất bị hạn chế theo quy hoạch sân bay Long Thành; cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không được đầu tư, nâng cấp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, theo tiến độ dự kiến, Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua vào năm 2019; theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, cần khoảng thời gian ít nhất là 3 năm để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng bàn giao cho Chủ đầu tư.
Do vậy, việc sớm thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành nhằm trước hết để ổn định cuộc sống của người dân, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân có đất bị thu hồi, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án
Trước khó khăn về nguồn vốn hiện tại, ngoài những chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt, Chính phủ cho rằng Quốc hội cần có những cơ chế đặc thù để triển khai dự án.
Cụ thể, khoản 6, điều 16, Luật Đầu tư công năm 2014 quy định các hành vi bị cấm trong đầu tư công: “Yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt hoặc chưa được bố trí vốn kế hoạch, gây nợ đọng xây dựng cơ bản.
Chính phủ đề nghị không áp dụng khoản này, mà giao Chính phủ xây dựng các chính sách cụ thể huy động các nguồn vốn để thực hiện thu hồi đất..., trong đó có việc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khai thác hàng không ứng vốn để thực hiện.
Điểm 1, khoản 1, điều 64, Luật Đất đai năm 2013 quy định các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
Chính phủ cũng đề nghị không áp dụng quy định này mà được khai thác, sử dụng ngắn hạn quỹ đất đã được giao chưa xây dựng hạ tầng và không phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; không bị thu hồi đất khi chưa đưa đất vào sử dụng theo tiến độ thực hiện dự án.
Ngoài các chính sách hiện hành, Chính phủ cho rằng cần hỗ trợ mỗi hộ gia đình bị ảnh hưởng thu nhập với mức 21 triệu đồng như đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai.
Báo cáo cũng nêu rõ, một phần nguồn vốn cho dự án dự kiến huy động từ việc đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình thương mại và dịch vụ, khấu trừ tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư, nguồn thu từ việc cho thuê đất ngắn hạn đối với các khu vực chưa triển khai xây dựng các hạng mục công trình của dự án sẽ được hoàn trả ngân sách.
Tuy nhiên, với đặc thù công tác giải phóng mặt bằng thì việc thu hồi các nguồn vốn nêu trên cần phải có thời gian (thu hồi sau khi giao đất tái định cư, cho thuê đất). Vì vậy, trước mắt ngân sách cần ứng đủ vốn để thực hiện dự án, nguồn thu này sẽ được cân đối hoàn trả ngân sách và đề nghị bố trí cho dự án sân bay Long Thành.
Cần biện pháp huy động vốn phù hợp
Thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo nghiên cứu khả thi mới chỉ làm rõ được tổng mức đầu tư dự án, tiến độ phân bổ nguồn vốn mà chưa làm rõ biện pháp cụ thể huy động phần vốn còn thiếu cho việc giải phóng mặt bằng dự án. Mặt khác, báo cáo còn chưa tách bạch được các chi phí phục vụ Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành với các dự án khác như chi phí thu hồi đất, bồi thường để thực hiện xây dựng khu tái định cư, nghĩa trang...
Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, cũng cần nhìn nhận đặc thù công tác giải phóng mặt bằng thường gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn ngoài ngân sách để thực hiện, do vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, có biện pháp huy động vốn phù hợp; trường hợp không thể huy động các nguồn khác, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, bố trí vốn bổ sung từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 để thực hiện công tác này.
Với các cơ chế đặc thù do Chính phủ đề xuất, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành. Riêng mức hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng, cơ quan thẩm tra đề nghị đề nghị thực hiện theo phương án 2 với mức hỗ trợ 10,5 triệu đồng/hộ để không quá chênh lệch so với mức hỗ trợ của dự án Bến Lức - Long Thành (9 triệu đồng/hộ) trước đó.
Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng HKQT Long Thành khi thực hiện sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người dân vùng Dự án. Thực tế khi triển khai công tác giải phóng mặt bằng thường gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai có các biện pháp hữu hiệu tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương thực hiện, tránh sự chống phá, kích động của các thế lực thù địch; xử lý những tác động, thay đổi về kinh tế - xã hội do dự án tạo ra đối với các khu vực chịu tác động.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận