Chính trị

Chính phủ ngày càng gần dân, doanh nghiệp

01/01/2018, 07:01

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trò chuyện với Báo Giao thông nhân dịp đầu xuân mới 2018.

12

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Hải Phòng khu vực III ngày 19/9/2017 - Ảnh: NP

Lần đầu tiên không nợ đọng văn bản

Đến giờ phút này, Bộ trưởng đánh giá thế nào về kết quả việc thực hiện xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp ngay từ khi vừa được Quốc hội bầu và phê chuẩn?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Cùng với việc đưa ra thông điệp, trong chỉ đạo điều hành, Thủ tướng cũng thể hiện rất rõ sự kiến tạo khi quyết tâm hoàn thiện thể chế, cơ sở pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt quan tâm đến môi trường đầu tư kinh doanh.

"Nói làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP ai cũng muốn làm, nhưng đơn cử như việc tiếp xúc với báo chí, thực tình mà nói không phải ai cũng thích, ai cũng đủ bản lĩnh. Hơn nữa, Thủ tướng là một người quyết tâm hành động, nên VPCP cũng không thể làm khác được. Áp lực không chỉ riêng tôi mà tất cả các Bộ, ngành, địa phương đều áp lực, vì một Chính phủ hành động thì cả hệ thống phải hành động chứ không phải riêng tôi. Tôi chỉ là một hạt cát trong biển cát!"

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng

Chính phủ liêm chính yêu cầu cán bộ công chức thực hiện đúng chức trách, nâng cao hiệu quả năng suất và tạo được thuận lợi nhất cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngay khi Chính phủ mới thành lập, Thủ tướng đã chỉ đạo ngay việc phải hoàn thiện vấn đề quy trách nhiệm của Chính phủ, ban hành các chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ. Tiếp đó, phải rà soát toàn bộ các văn bản có hiệu lực thi hành, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ được giao, xây dựng trình Chính phủ các Nghị định để triển khai, cụ thể hóa các luật, pháp lệnh. Có lẽ nhờ thế mà từ trước đến nay, năm 2017 là năm đầu tiên Chính phủ không nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành Luật, pháp lệnh.

Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm việc phân cấp và đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt là các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP.

Tổ công tác của Thủ tướng có thể coi là “điểm nhấn” trong xây dựng Chính phủ kiến tạo. Thời gian đầu khi Tổ công tác đi kiểm tra đã có sức ép lớn từ các bộ, ngành, thậm chí có câu chuyện các Bộ ý kiến “anh cũng là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, sao anh kiểm tra tôi”? Cho đến nay có còn câu chuyện đó, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Việc Thủ tướng quyết định thành lập Tổ công tác Thủ tướng với nhiệm vụ giúp Thủ tướng đôn đốc các Bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng, Chính phủ giao là chưa có tiền lệ.

Trước mỗi cuộc kiểm tra, Tổ công tác luôn phải nghiên cứu đầy đủ chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành, phân định rõ việc nào thuộc thẩm quyền của Tổ công tác, việc nào là truyền đạt ý kiến của Thủ tướng. Đây là việc rất nhạy cảm, động chạm, nhưng cũng thể hiện quyết tâm cao của Tổ công tác.

Thời gian đầu khi Tổ công tác kiểm tra tại một số Bộ, đúng là có ý kiến “Anh cũng là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, tại sao anh kiểm tra, phê bình tôi?” nhưng sau một thời gian ngắn thì các Bộ trưởng lại rất mong mỏi Tổ công tác về giúp cho Bộ, bởi Tổ công tác truyền tải chỉ đạo của Thủ tướng cũng tạo ra động lực, chỉ đạo quyết liệt hơn của Bộ trưởng Bộ đó, tạo ra  tính lan tỏa rất tốt xuống cơ sở. Các bộ, các tỉnh cũng đều có Tổ công tác giúp cho Bộ trưởng và Chủ tịch tỉnh để đôn đốc việc này. Quan điểm “Anh cũng là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, sao anh kiểm tra tôi” giờ đã bị lãng quên!

“Bắn trúng đích - đi đúng đường”

Khi giao nhiệm vụ cho Tổ công tác, Thủ tướng yêu cầu rõ ràng, là “phải bắn trúng đích chứ không bắn chỉ thiên”, vậy thời gian qua, Tổ công tác đã thực hiện thế nào?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Việc đó cũng đạt được mong đợi ban đầu của Thủ tướng. Tổ công tác kiểm tra không phải “cưỡi ngựa xem hoa” mà kiểm tra có mục tiêu theo từng thời kỳ. Vào giữa năm 2017, khi Thủ tướng chỉ đạo về tăng trưởng thì Tổ công tác giúp Thủ tướng đi thực tế xuống các tập đoàn, địa phương, để thấy rằng cần có sự tháo gỡ về tăng trưởng. Tháng 8/2017, khi Thủ tướng đưa ra Nghị quyết 75 và 115 của Chính phủ về cắt giảm chi phí chính thức và phi chính thức cho doanh nghiệp, cắt bỏ rào cản trong kiểm tra chuyên ngành và các điều kiện liên quan, Tổ công tác đã đi thực tế xuống cơ quan Hải quan tại Hải Phòng, rồi khu vực 3 của TP HCM, đi xuống các bộ, ngành có liên quan đến thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Trong 41 lần kiểm tra các bộ, ngành, địa phương, chúng tôi đã dành ra 9 cuộc kiểm tra chuyên ngành. Từ đó có thể nói, các cuộc kiểm tra đã “bắn trúng đích, đi đúng đường”.

Mạnh dạn điều chuyển cán bộ yếu kém

Kênh tiếp nhận ý kiến, phản ánh của người dân, doanh nghiệp được nhiều người đánh giá cao. Tuy nhiên, cũng có ý kiến từ một số địa phương cho rằng, việc này đang tạo sức ép cho họ, tạo ra tiền lệ để người dân khiếu kiện vượt cấp, có vấn đề gì cứ đưa lên Chính phủ chứ không qua địa phương?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Có những ý kiến thế, nhưng phải nghe từ 2 chiều, xem vì sao người ta cứ phải phản ánh lên Chính phủ? Vì người ta cũng đề nghị với địa phương nhiều rồi, từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh nhưng giải quyết chưa thấu tình đạt lý. Đơn giản như người dân sống ổn định bao năm rồi nhưng không cấp bìa đỏ, cũng không đưa ra lý do gì, không làm gì khiến dân bức xúc. Ngay cả việc ban hành chính sách không đồng nhất, chồng chéo với các chính sách trước đều được phản ánh ở địa phương nhưng không được giải quyết nên người ta mới phản ánh tới Chính phủ.

Với mong muốn xây dựng Chính phủ công khai, minh bạch, phục vụ dân, Thủ tướng rất quyết tâm trong vấn đề tiếp cận người dân, doanh nghiệp. Ngày 1/12/2016, Thủ tướng quyết định thành lập website tương tác giữa Chính phủ với doanh nghiệp. 4 tháng sau, Thủ tướng quyết định thành lập một website nữa giữa Chính phủ với người dân, đến nay đã tiếp nhận 4.600 ý kiến người dân và 1.100 ý kiến doanh nghiệp. Thủ tướng yêu cầu Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm việc trả lời khi nhận được ý kiến doanh nghiệp và người dân.

Thủ tướng từng nói “Chính phủ kiến tạo phải thay ngay những cán bộ không làm được việc”. Bộ trưởng cũng từng nói “Để văn bản chạy nhanh thì cứ thay người”. Vậy trong hơn một năm hoạt động của Tổ công tác, Bộ trưởng đã bao giờ tính đến việc phải có chế tài, kiến nghị thay người, thậm chí ở ngay trong VPCP - nơi ông là người đứng đầu?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Thực tế hiện nay chế tài xử lý những việc như vậy còn thiếu. Lâu nay, với những văn bản ban hành chậm, hiệu quả công tác kém thường do hai nguyên nhân, một là do cán bộ kém thực sự, hai là cán bộ giỏi, nhưng lại giỏi “đánh võng”. Vì vậy, cũng cần giáo dục chính trị tư tưởng, nhắc nhở anh em nếu không làm được thì bắt buộc phải điều chuyển. Ngay cả ở VPCP, khi kiểm tra những văn bản, những việc Thủ tướng giao, việc bộ, ngành, địa phương đề xuất nhưng quá hạn mà chưa xử lý được, thì VPCP thường xuyên có tổ công tác của Bộ trưởng thanh, kiểm tra công vụ. Vừa qua, tôi cũng đã sắp xếp, điều chuyển một số cán bộ. Tinh thần là VPCP làm mẫu luôn. Nếu như không đáp ứng được sẽ phải điều chuyển.

Thủ tướng nói xây dựng Chính phủ kiến tạo mà văn phòng không chuyển động, không đáp ứng yêu cầu Thủ tướng thì không còn là văn phòng tham mưu cho Thủ tướng nữa, không cẩn thận sẽ trở thành rào cản. Vì thế, VPCP không chuyển động, không mẫu mực và gương mẫu thì không ổn. Hiện nay, cán bộ VPCP làm việc rất tự giác, đến 9-10h đêm điện vẫn sáng, ngày nghỉ hầu như các vụ đều làm việc.

Đó chính là động lực có được từ sự quyết tâm của Thủ tướng. Nếu đánh giá công tâm, cán bộ sẽ tự gắn trách nhiệm mà không cần đôn đốc, quẹt thẻ. Lãnh đạo VPCP cũng không chấp nhận những cán bộ làm việc trì trệ, kém hiệu quả và không có trách nhiệm.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng đã kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân không đưa hối lộ chính quyền. Theo Bộ trưởng, việc này có thể làm được không?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Tới đây, với việc xây dựng Chính phủ điện tử, thực hiện được cấp độ 4 (làm thủ tục, nhận và trả thủ tục qua mạng) thì người ta không phải xếp hàng nữa, cũng không cần lên Hà Nội nữa mà ở ngay địa phương cũng nhận được thủ tục.

Thủ tướng nói khi trả lời chất vấn trước Quốc hội vừa rồi là ý rất sâu sắc. Bởi thực tế có những doanh nghiệp cũng có ý tứ lợi dụng và “tranh thủ” hết. Dù giải quyết tốt cho họ nhưng họ lại muốn làm thêm cái này, làm nhanh hơn cái kia, những cái ngoài quy định của pháp luật nên họ tìm đến hối lộ chính quyền. Vì thế, cái cơ bản nhất là chúng ta phải xây dựng một thể chế quy định chế tài xử lý.

Cảm ơn Bộ trưởng!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.