Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại hội nghị |
Ngày 26/9, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp với Bộ KH&ĐT và Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến và tiếp xúc cử tri chuyên đề về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu). Một trong những nội dung được quan tâm nhiều nhất là mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, cơ quan Nhà nước tại đặc khu.
Lo lạm quyền
Về mô hình chính quyền địa phương, cơ quan soạn thảo dự án Luật là Bộ KH&ĐT đưa ra hai phương án.
Phương án 1: Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức Trưởng đặc khu. Đặc khu có hai cấp phó, các đơn vị sự nghiệp (trung tâm dịch vụ hành chính công; trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ; trung tâm quản lý đô thị thông minh) và có không quá 9 cơ quan chuyên môn giúp việc. Số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn trực thuộc Trưởng đặc khu không quá 2. Bên cạnh Trưởng đặc khu có Hội đồng đặc khu, thực hiện chức năng giám sát. Nhân dân, HDNĐ tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng tham gia giám sát Trưởng đặc khu.
Phương án 2: Quốc hội quyết định thành lập đặc khu. Tổ chức chính quyền địa phương một cấp tại đặc khu gồm HĐND và UBND. Đặc khu được chia thành các khu hành chính trực thuộc, khu hành chính không tổ chức cấp chính quyền địa phương mà tổ chức Văn phòng khu hành chính với tính chất là cơ quan hành chính đại diện của UBND đặc khu trên địa bàn.
Theo quan điểm của ban soạn thảo, nếu thực hiện mô hình theo phương án 1, sẽ thể hiện được sự đột phá về thể chế hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; bảo đảm tổ chức bộ máy và nhân sự tinh gọn, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; làm rõ và đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, bảo đảm sự giám sát.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là Trưởng đặc khu nhưng không phải là một cấp chính quyền địa phương nên có thể dẫn đến lạm quyền nếu không có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ.
Còn đối với mô hình chính quyền địa phương một cấp tại đặc khu theo phương án 2, mặc dù không gây xáo trộn nhiều so với tập quán tổ chức chính quyền địa phương hiện nay, nhưng chưa tạo được bước đột phá và đặc biệt về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương vẫn chủ yếu làm việc theo chế độ tập thể, thủ tục phức tạp, chậm trễ, chưa tương thích với tính chất đặc biệt của chính sách KT-XH của đặc khu.
“Vấn đề mới và khó”
Bày tỏ đồng tình với phương án 1, Chủ tịch HĐND huyện Vạn Ninh Nguyễn Tấn Thoại (nơi có đặc khu Bắc Vân Phong) cho rằng, đã là đặc khu thì phải có thiết chế rất đặc biệt, gọn nhẹ, hiệu quả. “Khi trao quyền rất lớn cho Trưởng đặc khu, các công việc chung sẽ được giải quyết nhanh chóng. Tôi nghĩ đã trao quyền hạn thì phải có cơ chế giám sát hiệu quả. Chúng tôi đang băn khoăn về sự lãnh đạo của Đảng ở đây thế nào, rồi khi hình thành đặc khu, cán bộ, công chức cũ có tiếp tục được làm trong đặc khu?”.
Cùng đồng tình phương án này, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh cho rằng, tổ chức chính quyền gồm Trưởng đặc khu và Hội đồng đặc khu là mô hình mới một cấp và xuyên suốt. Với mô hình này sẽ thực hiện được các nội dung yêu cầu mà nhiều nhà đầu tư quan tâm, việc triển khai giải quyết các thủ tục hành chính sẽ nhanh gọn, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển đối với đặc khu. Nếu theo phương án 2, thêm HĐND đặc khu thì vẫn như một chính quyền cấp huyện, không có gì mới khác biệt, vẫn ràng buộc bởi nhiều quan hệ trong công việc dẫn đến sự chậm trễ, trì trệ mang tính hệ thống.
Ở chiều ngược lại, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Nguyễn Hồng Vân lại băn khoăn vì theo phương án 1, bên cạnh Trưởng đặc khu lại có Hội đồng đặc khu, vậy Hội đồng này có chủ tịch không? Ai giám sát Hội đồng?
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý phân tích cả hai phương án và cho rằng đều chưa hoàn chỉnh, vì thế ông đề xuất kết hợp cả hai phương án, đặc khu có Trưởng đặc khu và Hội đồng giám sát, nhưng trong Hội đồng giám sát cần có thêm đại biểu HĐND.
Đánh giá đây là vấn đề khó, mới, phức tạp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, chính quyền địa phương phải tuân thủ quy định của Hiến pháp.
Theo ông Lưu, nếu lựa chọn phương án 1, phải trả lời được với cử tri, ĐBQH có phù hợp với đặc thù của hệ thống chính trị nước ta là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ? Cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân ở đặc khu như thế nào, thông qua cơ chế nào, cơ quan đại diện nào? Dẫn chứng từ việc Quốc hội khóa XII đã có Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường ở 10 tỉnh, thành phố, sau 4 năm triển khai, lại tiếp tục tổ chức lập lại HĐND ở các cấp này, Phó Chủ tịch QH băn khoăn “trở lại vấn đề không thiết chế HĐND liệu có phù hợp”. Theo ông, vẫn đưa ra 2 phương án nhưng phương án 1 phải có HĐND.
Trưởng đặc khu phải tương đương hoặc “to” hơn Chủ tịch tỉnh Trao đổi với Báo Giao thông, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho biết, mô hình đặc khu kinh tế hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa thống nhất được phương án cuối cùng. Đặc khu là một đơn vị đặc biệt, nên phải có những cơ chế đặc biệt và phải được quy định rõ trong luật. Nhưng phải nghiên cứu kỹ xem quyết định chọn mô hình nào, nếu nhỏ thì không được quyền, sẽ không làm được, còn nếu lớn quá lại sợ lạm quyền. “Tôi cho rằng, đặc khu phải tương đương cấp tỉnh và có thể thẩm quyền còn to hơn cấp tỉnh. Có nghĩa là Trưởng đặc khu tương đương Chủ tịch tỉnh hoặc có thể to hơn cả Chủ tịch tỉnh”, ông Phúc nói và đề xuất đặc khu phải thuộc T.Ư, nếu để phụ thuộc tỉnh thì không thể tự quyết các vấn đề. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cũng cho rằng, nếu không làm rõ tính đặc biệt thì đã có Luật Tổ chức chính quyền địa phương rồi, không cần thiết làm luật này nữa. “Chẳng hạn như, Đà Nẵng có huyện đảo Hoàng Sa, Giám đốc Sở Nội vụ kiêm chủ tịch huyện, không có HĐND. Việc này do Quốc hội quyết mà không có trong luật. Đấy là yêu cầu của thực tiễn để bảo vệ chủ quyền. Vì vậy, việc xây dựng mô hình chính quyền địa phương phải phù hợp với Hiến pháp nhưng phải vượt trội lên các quy định hiện hành”, ông Tuấn nói và cho biết thêm, Chính phủ và các cơ quan T.Ư ủng hộ phương án 1, theo hướng có Trưởng đặc khu, đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Tỉnh ủy giới thiệu nhân sự, HĐND xem xét thống nhất, Chủ tịch tỉnh trình Thủ tướng xem xét bổ nhiệm. Hoài Vũ |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận