Sau khi kết thúc dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor, Tổ chức xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản đã tiến hành tháo dỡ toàn bộ hệ thống thiết bị trên sông Tô Lịch.
Đàn cá Koi Nhật Bản và cá chép đỏ Việt Nam được thả trước đó tại khu thí điểm tại sông Tô Lịch nói trên sẽ được di chuyển sang khu thí điểm ở Hồ Tây.
Đơn vị này cũng cho biết đã báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại văn bản số 398/2019/JEBO ngày 16/9/2019 về việc tiếp tục duy trì khu thí điểm tại Hồ Tây để chứng minh khả năng không bị tái ô nhiễm.
"Việc giữ lại khu thí điểm Hồ Tây để chứng minh việc sau khi xử lý chất lượng nước Hồ Tây đã đạt QCVN 08 MT:2015/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì không cần vận hành máy nano (thời gian vận hành: 0/24h). Nước bên trong khu thí điểm vẫn không bị tái ô nhiễm, cá sẽ không bị chết mặc dù thời tiết có thay đổi đột ngột dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt như đã xảy ra tại bên ngoài khu thí điểm tại Hồ Tây và một số hồ khác trên địa bàn thành phố trong suốt vài năm gần đây", đại diện Tổ chức xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản cho hay.
Video: Cá Koi và cá chép Việt Nam sau gần 2 tháng kể từ ngày thả xuống khu thí điểm trên sông Tô Lịch vẫn khoẻ mạnh.
Trước đó, ngày 16/5, Dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản” đã được khởi động. Sau khi triển khai dự án, kết quả bước đầu được các chuyên gia đánh giá khả quan.
Đến ngày 16/9, các chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam đã tiến hành thả hàng trăm con cá Koi (Nhật Bản) và cá chép Tam Dương (Việt Nam) xuống đoạn sông Tô Lịch cùng một góc Hồ Tây để chứng minh việc thí điểm làm sạch bằng công nghệ Nano - Bioreactor đem lại hiệu quả, nguồn nước sau xử lý đạt quy chuẩn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận