Thị trường

Chợ Tết hàng Việt chưa hấp dẫn người nghèo

09/02/2015, 18:05

Người dân nông thôn, công nhân các khu công nghiệp vẫn chưa thỏa mãn mua sắm ở những phiên chợ Tết.

41

Người nghèo mong chợ Tết đa dạng hàng hóa thiết yếu hơn

Thiếu vắng hàng hóa thiết yếu

Sáng 7/2, Sở Công thương Hà Nội đã khai mạc “Chương trình bán hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015” đợt 1 tại các huyện Phúc Thọ, Ba Vì, Ứng Hòa.

Đến Trung tâm bán hàng phục vụ Tết (chợ Tết) tại sân vận động huyện Phúc Thọ từ rất sớm, chị Nguyễn Thị Bé (thị trấn Phúc Thọ) tỏ vẻ thất vọng vì chủng loại mặt hàng Tết thiết yếu như bánh kẹo, thực phẩm… không có nhiều, mà chiếm đa số hàng hóa tại chợ Tết này là những gian hàng bày bán quần áo, đồ gỗ mỹ nghệ và thiết bị điện nước…

Chị Bé cho biết, nghe thông tin những phiên chợ Tết này có nhiều hàng hóa sản xuất trong nước, chất lượng đảm bảo, giá rẻ hơn siêu thị, nên chị dành dụm tiền định hôm nay đi sắm Tết. “Thế nhưng đến đây, tìm mua gạo, gia vị thức ăn, đồ gia dụng thì không có, bánh kẹo cũng không nhiều chủng loại, mẫu mã, nên tôi cũng không mua sắm được nhiều”, chị Bé nói.

Chương trình bán hàng Việt phục vụ Tết được tổ chức thành 2 đợt, đợt 1 từ ngày 7-11/2 (tức ngày 19-23/12 Âm lịch) tại các huyện: Phúc Thọ, Ứng Hòa, Ba Vì. Đợt 2 từ ngày 10-15/2 (tức ngày 22-27/12 Âm lịch) tại các quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, quận Hoàng Mai.

Anh Nguyễn Minh Toàn (xã Cẩm Đình, Phúc Thọ) sau khi đi một vòng chợ Tết để chọn mua đồ, thì thấy một số mặt hàng có giá bán đắt hơn các cửa hàng, đại lý bên ngoài.

Chẳng hạn, chai nước mắm Chinsu 3 trong 7 ở đây bán 30.800 đồng/chai, nhưng ở ngoài chỉ bán với giá 28 nghìn đồng/chai; hay thùng mỳ tôm chua cay Hảo Hảo cao hơn 2.000 đồng (103.500 đồng/thùng) so với giá bán ngoài. “Đúng là có mặt hàng giá rẻ hơn siêu thị, nhưng cũng có mặt hàng giá cao hơn”, anh Toàn cho hay.

Khảo sát của PV Báo Giao thông tại chợ Tết ở huyện Phúc Thọ, sản phẩm có giá bán tương đương ngoài thị trường, có sản phẩm tăng/giảm cũng chỉ ở mức chênh vài nghìn đồng/hộp. Chẳng hạn, mứt hộp lục lăng 250g giá bán 45 nghìn đồng/hộp; mít sấy 100g giá bán 24 nghìn đồng/gói; tương ớt cao cấp Chinsu giá bán 9 nghìn đồng/chai; nước mắm Nam Ngư giá bán 19.700 đồng/chai; mỳ tôm chua cay Hảo Hảo giá bán 103.500 đồng/thùng; sữa Vinafood 900g giá bán 170 nghìn đồng/hộp…

Hàng hóa bày bán tại chợ Tết đều có mẫu mã, địa chỉ nhà sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng. Tuy nhiên, chợ Tết thiếu vắng những gian hàng riêng của những thương hiệu thực phẩm, bánh kẹo tên tuổi, dù nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn, khu công nghiệp đối với mặt hàng này rất cao.

Chưa hấp dẫnkhách hàng có thu nhập thấp

Theo kế hoạch xúc tiến thương mại dịp Tết Nguyên đán của Sở Công thương Hà Nội, các Trung tâm bán hàng phục vụ Tết sẽ được tổ chức 7 điểm bán hàng Việt tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố, với quy mô khoảng 1.500 - 2.000 m2/điểm. Trong đó, diện tích bán hàng từ 800-1.000 m2, tương đương 40-60 gian hàng tiêu chuẩn.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, các mặt hàng Tết được đưa về nông thôn, khu công nghiệp là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu với cuộc sống của người dân nông thôn. Sản phẩm tham gia chương trình phải là hàng Việt Nam bảo đảm rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân.

Mục đích của chương trình là nhằm kết nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng nông thôn, công nhân khu công nghiệp, đối tượng ít có cơ hội được mua sắm hàng hóa chính gốc, đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, thực tế tại các điểm chợ Tết đầu tiên của Hà Nội cho thấy, số lượng, chủng loại, mẫu mã của mặt hàng bày bán chưa thực sự phong phú, một số sản phẩm còn đắt hơn so với thị trường bên ngoài, số ki ốt bày bán không nhiều, còn bỏ trống. Điều đó cho thấy, các phiên chợ Tết vẫn cần thêm sức sống để thực sự kích cầu đối tượng khách hàng có thu nhập thấp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.