Theo các chuyên gia, việc cho thuê và thu phí vỉa hè mang lại nhiều lợi ích, đã được chứng minh trong thực tế ở TP.HCM. Tuy nhiên, quan trọng nhất khi triển khai là cần minh bạch, đồng thời đảm bảo không gian cần thiết cho người đi bộ.
Nhiều nơi vỉa hè bị chiếm dụng
Ghi nhận của PV Báo Giao thông ở quận Hoàn Kiếm đến nay mới có 4 vị trí được cho thuê thí điểm gồm: 94 Lý Thường Kiệt, 30 Lý Thường Kiệt, 11 Lê Phụng Hiểu và 15 Ngô Quyền. Tại những vỉa hè cho thuê chủ yếu bán cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh... và ngay sát khách sạn lớn.
Tại khu vực 94 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, vỉa hè ngăn nắp, sạch đẹp, đảm bảo mỹ quan đô thị. Một người quản lý tại đây cho biết, do vỉa hè rộng rãi nên đặt bàn ghế cho khách ngồi uống cà phê không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
"Ngồi vỉa hè thưởng thức cà phê, ngắm phố phường được nhiều người lựa chọn hơn là ngồi trong phòng", người này cho hay.
Ngoài 4 địa điểm trên, 4 quận nội thành là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng được UBND TP Hà Nội giao rà soát, đề xuất các tuyến phố có đủ điều kiện để thí điểm cho thuê vỉa hè. Các quận sau đó đã lên kế hoạch triển khai hàng trăm vị trí cho thuê từ cuối năm 2023. Tuy vậy, đến nay các điểm dự kiến vẫn chưa được triển khai, nhiều chỗ vẫn rất lộn xộn, hộ kinh doanh tự do chiếm dụng.
Ghi nhận tại các tuyến phố như: Tạ Hiện, Hàng Mã, Hàng Buồm, Phùng Hưng… vỉa hè rộng khoảng 2 - 3m đều bị người dân lấn chiếm để đặt bàn ghế làm nơi buôn bán hoặc để xe hàng, trưng bày sản phẩm.
Thậm chí, trên phố Phùng Hưng, do vỉa hè rộng nên người dân không chỉ lấn chiếm làm nơi kinh doanh mà tận dụng làm nơi trông xe, người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường.
Người dân mong sớm được thuê
Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đang phối hợp với 16 quận, huyện khảo sát, nghiên cứu để cho thuê vỉa hè ở 123 tuyến phố với mức giá từ 20 - 40 nghìn đồng/m2/tháng.
6 tiêu chí cho thuê vỉa hè
Từ kinh nghiệm của một số nước đã nghiên cứu và của một số đô thị trong nước, Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra 6 tiêu chí để cho thuê vỉa hè.
Cụ thể, hè phố cho phép kinh doanh phải có vỉa hè rộng tối thiểu 3m (trừ trường hợp đặc biệt trong khu vực phố cổ ở quận Hoàn Kiếm).
Bề rộng hè phố đảm bảo từ 3m trở lên để đáp ứng cho người đi bộ 1,5m, bố trí hạ tầng kỹ thuật, một phần để kinh doanh và trông giữ phương tiện.
Đối với khu phố cổ cho phép hè phố có chiều rộng nhỏ hơn 3m, được kinh doanh trong thời gian tổ chức không gian đi bộ hoặc thời gian khác do UBND quận cấp phép.
Các tiêu chí tiếp theo là đảm bảo chỗ đỗ xe cho khách tại chỗ hoặc trong phạm vi cho phép; hoạt động kinh doanh phải đảm bảo yếu tố an toàn, văn minh; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường; hè phố tổ chức kinh doanh phải được UBND cấp quận, huyện cấp phép về thời gian và mặt hàng kinh doanh.
Biết được thông tin này, bà Nguyễn Thu Trang, bán nước tại vỉa hè ở ngã tư Hàng Ngang - Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm) cảm thấy phấn khởi và bày tỏ ủng hộ. "Tôi sẵn sàng đóng tiền để có vị trí buôn bán đàng hoàng, không còn phải nơm nớp lo bị lực lượng trật tự phường đuổi nữa", bà Trang nói.
Chị Nguyễn Thu Hương, chủ quán nước tại phố Nhà Thờ (quận Hoàn Kiếm) cho hay: "Tại khu vực này, các quán nước đều sử dụng vỉa hè để kinh doanh. Nếu thành phố cho thuê, tôi nghĩ mọi người đều ủng hộ. Việc kinh doanh hợp pháp sẽ giúp người dân yên tâm buôn bán hơn so với việc tự phát".
Theo ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, việc cho thuê sẽ giúp quản lý tốt vỉa hè, tránh được lộn xộn, cùng với đó là thu được ngân sách để tái đầu tư chỉnh trang đô thị.
"Quận Tây Hồ có 6 tuyến phố đưa vào đề án, song chỉ có 2 tuyến Xuân La và Tứ Liên đủ điều kiện diện tích. Nhưng 2 tuyến này lại không giải quyết vấn đề căn cơ trên địa bàn quận, bởi theo khảo sát thì nhu cầu thuê không cao. Nhu cầu cao nằm ở các tuyến phố ven hồ Tây, mà các tuyến này lại không đủ tiêu chí", ông Khuyến nói và cho biết, thời gian tới quận sẽ mở rộng, chỉnh trang một số đoạn vỉa hè quanh hồ Tây để đáp ứng.
Sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi
Ông Vũ Hoài Nam, Phó trưởng phòng Quản lý Đô thị quận Hoàn Kiếm cho biết, Sở Xây dựng Hà Nội đã khảo sát khoảng 40 tuyến phố trên địa bàn quận.
Đây là những tuyến bước đầu đáp ứng được các tiêu chí mà Sở Xây dựng đưa ra tại đề án, trong đó tiêu chí diện tích là tiên quyết. Theo đó, cần dành tối thiểu 1,5m cho người đi bộ và người khuyết tật ở các tuyến phố dùng vỉa hè để cho thuê kinh doanh.
Theo ông Nam, từ việc thí điểm cho thuê vỉa hè ở 4 điểm đã đem lại một số bài học kinh nghiệm. Cụ thể, phải đảm bảo chiều rộng của hè phố nhằm đáp ứng nhu cầu đi bộ của người dân; chọn vị trí phù hợp với cảnh quan, không phải vị trí nào đủ điều kiện về diện tích cũng cho thuê. Đồng thời, cần có quy chuẩn, như được phép kê bàn ghế thế nào, dựng ô che, mái che ra sao; ưu tiên cho chính những cá nhân, tổ chức có nhà ở sau vỉa hè thuê…
"Về giải pháp quản lý những diện tích vỉa hè cho thuê, cần áp dụng khoa học công nghệ để tăng hiệu quả. Có thể lắp đặt camera, từ đó sẽ giám sát được việc tuân thủ của những cá nhân, tổ chức thuê. Nếu lấn chiếm, lực lượng chức năng sẽ nhắc nhở, xử phạt, thậm chí là chấm dứt thuê", ông Nam nói.
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, mục đích của đề án lần này nhằm quản lý lòng đường, vỉa hè có trật tự, không đơn thuần chỉ là quản lý để kinh doanh.
"Hiện nay, nhiều vỉa hè trên các tuyến phố người dân đã lấn chiếm, kinh doanh tự do rồi, nhưng không được quản lý. Bây giờ lập đề án để quản lý bài bản, trật tự hơn. Nếu thu phí được thì càng tốt", ông Công nói.
Ông Công cũng cho hay, đề án cũng quy định chi tiết công năng sử dụng vỉa hè, chỗ nào được để xe, chỗ nào được kinh doanh. Nơi kinh doanh phải đảm bảo tuân thủ mô hình được duyệt. Các vị trí vỉa hè đều được đấu thầu và lắp camera giám sát.
"Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo để lắng nghe ý kiến của chuyên gia và của quận Hoàn Kiếm, là nơi đã tổ chức thí điểm cho thuê. Trong đó, sẽ có báo cáo tổng kết, bài học kinh nghiệm quá trình thực hiện", ông Công nói.
Cần đảm bảo đủ không gian cho người đi bộ
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật), đặc thù vỉa hè tại những đô thị lớn, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM từ trước đến nay là nơi kinh doanh, mưu sinh của nhiều người dân. Chính vì thế, phương án cho phép sử dụng vỉa hè để kinh doanh theo hình thức thu phí cần được nghiên cứu để sớm triển khai.
"Việc này vừa duy trì được trật tự, mỹ quan đô thị, vừa tạo nguồn thu cho ngân sách, từ đó có kinh phí để cải tạo vỉa hè sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, việc cho thuê dứt khoát không được làm ảnh hưởng không gian của người đi bộ", ông Hòa góp ý và cho rằng, bên cạnh chính sách rõ ràng, minh bạch, cần đi đôi với kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt. Bên cạnh những tuyến phố tổ chức thu phí, cần sớm lập lại trật tự ở những tuyến không thu phí để đảm bảo công bằng.
Chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình cho rằng, đã là vỉa hè thì chỉ nên dành cho người đi bộ. Trong trường hợp vẫn cố gắng cho thuê, phải đảm bảo không gian cho người đi bộ. Cùng đó, chỉ cho thuê ở một số tuyến phố có đông khách du lịch.
"Ở các nước châu Âu, với những khu vực lõi của các thành phố cổ, sau khi buổi tối, lượng giao thông ít, thì người ta mới cho phép kinh doanh ở vỉa hè.
Cái chính là vẫn phải ưu tiên cho người đi bộ. Việc có không gian đi bộ thoải mái cũng sẽ thay đổi thói quen chuyển từ sử dụng phương tiện cá nhân sang dùng phương tiện công cộng", ông Bình nêu quan điểm.
TP.HCM: Cho thuê vỉa hè 7 tháng thu hơn 5 tỷ đồng
Từ tháng 5/2024, UBND quận 1, TP.HCM bắt đầu thí điểm thu phí sử dụng tạm thời một phần hè phố làm điểm kinh doanh, dịch vụ, mua, bán hàng hóa đối với 11 tuyến đường đủ điều kiện. Sau khi triển khai, có gần 400 trường hợp đăng ký thuê vỉa hè để kinh doanh với số tiền thu về khoảng 810 triệu đồng.
Phát huy hiệu quả, đến tháng 10/2024, quận 1 tiếp tục triển khai cho thuê vỉa hè ở 41 tuyến đường khác, nâng tổng số vỉa hè cho thuê là 52 tuyến.
Ghi nhận trên một số tuyến đường cho thuê vỉa hè tại quận 1 như: Hải Triều, Lê Thánh Tôn, Hàm Nghi... người dân chấp hành nghiêm túc việc thuê vỉa hè. Các khu vực dành cho đậu xe, kê bàn ghế buôn bán và khu vực dành cho người đi bộ được sắp xếp chuẩn chỉ. Dù lúc đông hay vắng khách, khu vực dành cho người đi bộ vẫn được đảm bảo.
Ông Nguyễn Thành Phát, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 1 cho biết, thời gian qua, việc quản lý và sử dụng một phần hè phố trên địa bàn quận được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo hè phố tối thiểu 1,5m dành cho người đi bộ, không lấn chiếm lòng đường. Việc thu phí nhằm đầu tư xây dựng, cải tạo lòng đường, hè phố thường xuyên, đột xuất...
Tại các quận 3, 10, 12 cũng đã bắt tay vào thí điểm cho thuê vỉa hè và mang lại những tín hiệu khả quan. Các quận huyện còn lại đang trong thời gian chuẩn bị để triển khai.
Ông Hoàng Phúc Dũng, Phó phòng Khai thác quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM cho biết, tổng số phí cho thuê tạm thời một phần hè phố tại TP.HCM khoảng 5 tỷ đồng. Trong đó, Sở GTVT thu phí các hoạt động văn hóa, bố trí công trình tiện ích phục vụ giao thông công cộng là trạm xe đạp... với khoảng 1,5 tỷ đồng; hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa trên hè phố tại các quận khoảng 3,2 tỷ đồng.
Ông Dũng đánh giá, việc thu phí vỉa hè tạo được sự đồng thuận từ người dân, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, hiện quá trình triển khai cũng gặp nhiều vướng mắc. Một phần do hiện trạng bề rộng lòng đường hẹp, lại bố trí nhiều công trình hiện hữu, công tác bảo trì chưa được quan tâm, xử lý kịp thời, nguồn kinh phí cho công tác bảo trì hè phố còn hạn chế.
Một bộ phận không nhỏ người dân vẫn duy trì tâm lý, thói quen xem hè phố, lòng đường trước nhà thuộc quyền quản lý, định đoạt của bản thân. Một số đơn vị quản lý còn chậm trễ trong triển khai thu phí, quản lý lòng đường, hè phố. Sở GTVT đang phối hợp, rà soát, xác định các vướng mắc để đề xuất các giải pháp phù hợp.
Mỹ Quỳnh
Kinh nghiệm từ Thái Lan, Singapore
Dù những quán hàng đồ ăn trên đường phố đã trở thành nét đặc trưng của du lịch Bangkok, nhưng chính quyền địa phương cho rằng các quán hàng rong gây bất tiện và nguy hiểm cho người đi bộ.
Bangkok đang có kế hoạch học tập kinh nghiệm từ Singapore, đó là thành lập một trung tâm riêng cho phép các quán hàng rong hoạt động. Trước mắt, Bangkok đưa ra một loạt quy định.
Đơn cử, chỉ những người Thái Lan thuộc diện nghèo mới được phép bán hàng rong trên phố; phải khai thuế thu nhập cá nhân và chỉ người có thu nhập hàng năm không vượt quá 300.000 bath (khoảng 223 triệu VNĐ) mới được bán hàng.
Những người bán hàng rong phải dành khoảng không gian từ 1,5 - 2m phía bên trong dành cho người đi bộ tùy theo độ rộng vỉa hè. Mỗi quầy bán hàng rong sẽ được giới hạn diện tích 3m2.
Các quầy bán hàng rong chỉ được chiếm dụng phần vỉa hè gần mặt đường và phải cách mặt đường ít nhất 50cm để đảm bảo an toàn giao thông. Cứ mỗi 10 quầy bán hàng rong sẽ cách nhau một khoảng rộng ít nhất 3m để dùng trong những trường hợp khẩn cấp.
Còn tại Singapore, chính quyền quy hoạch khu vực dành riêng cho người bán hàng rong hay lập những tuyến phố ẩm thực để các tiểu thương tới đó buôn bán. Singapore cũng cấp phép hoạt động cho người bán hàng rong, bắt buộc họ phải tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo môi trường cảnh quan xung quanh và không làm ảnh hưởng tới người đi bộ.
Trang Trần
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận