Hạ tầng

Chờ vốn tín dụng, nguy cơ “treo” cao tốc Bắc - Nam

17/05/2020, 14:49

8 dự án cao tốc Bắc - Nam có nguy cơ bị "treo" nếu tiếp tục triển khai theo hình thức PPP khi nguồn vốn tín dụng gần như bị "đóng cửa".

img
Nếu 8 dự án PPP được chuyển đổi sang hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư của các dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ giảm khoảng 19.223 tỷ đồng

8 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam thực hiện đầu tư bằng hình thức đối tác công tư (PPP) đang đứng trước nhiều rủi ro, thậm chí có thể bị “treo” nếu cấp thẩm quyền không có những giải pháp quyết liệt, đột phá.

Có nhà đầu tư qua sơ tuyển không phải triển khai được dự án

Dự án đầu tư một số dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đang được Bộ GTVT triển khai rất quyết liệt. Bên cạnh 3 dự án thực hiện theo hình thức đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2) đã được khởi công xây dựng, 8 dự án PPP còn lại triển khai bằng hình thức PPP theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội cũng đã hoàn thành công tác sơ tuyển nhà đầu tư. Ngoài hiện trường, công tác giải phóng mặt bằng cũng được các địa phương bàn giao được 477/654km (đạt 73%).

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đầu tư 8 dự án cao tốc Bắc - Nam bằng hình thức PPP đang đứng trước rủi ro rất lớn, thậm chí có thể bị “treo” trong giai đoạn tới vì không có vốn tín dụng để triển khai.

Trong cơ cấu tổng mức đầu tư ban đầu của các dự án cao tốc Bắc - Nam lên tới 118.716 tỷ đồng, ngoài 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án, còn lại nguồn vốn nhà đầu tư phải huy động 63.716 tỷ đồng, chủ yếu là vay vốn tín dụng, trong khi với chính sách của các ngân hàng hiện nay, việc nhà đầu tư vay được vốn dường như là bất khả thi.

Cần phải nói rõ, ngay từ năm 2017, khi đề xuất cấp thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam với 8 dự án thực hiện bằng hình thức PPP, Chính phủ đã nhận diện và báo cáo Quốc hội khả năng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước sẽ khó khăn. Tuy nhiên, đến nay, những vướng mắc trong huy động vốn tín dụng cho dự án này vẫn không thể giải quyết triệt để.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, hiện nay, 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đầu tư tư bằng hình thức PPP đã hoàn thành công tác sơ tuyển. Trong đó, 7 dự án (Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Phan Thiết - Dầy Giây) có từ 2 nhà đầu tư trở lên trúng sơ tuyển. Dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết không có nhà đầu tư qua sơ tuyển.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, các doanh nghiệp tham gia sơ tuyển các dự án cao tốc Bắc - Nam chủ yếu là các nhà thầu, có năng lực thi công tốt nhưng không có thế mạnh trong huy động vốn tín dụng, trong khi tỷ lệ vốn tín dụng trong tổng mức đầu tư dự án rất lớn.

Hơn nữa, tại Nghị quyết 20/2018 của Chính phủ quy định, trong trường hợp sau 6 tháng không ký được hợp đồng tín dụng đủ phần vốn vay theo quy định để triển khai dự án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng và hợp đồng hết hiệu lực.

“Trường hợp lựa chọn được nhà đầu tư trong năm 2020 cũng chưa thể khẳng định có thể triển khai ngay các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP trong năm 2021. Nếu nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng, sẽ phải hủy hợp đồng và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo đó, việc sớm hoàn thành các dự án, đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đối với tăng trưởng kinh tế theo tiến độ đã đề ra tại Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội là rất khó bảo đảm và chưa thể xác định được thời điểm hoàn thành đưa vào khai thác”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Hàng loạt vướng mắc về vốn tín dụng cho cao tốc Bắc - Nam

Đề cập đến các khó khăn về nguồn vốn tín dụng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các dự án BOT, BT giao thông có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài,… trong khi nguồn vốn của tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn, dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn.

Bên cạnh đó, để đảm bảo ổn định chính sách tiền tệ, pháp luật về tín dụng quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn.

Cụ thể, tại Thông tư 22/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện nay, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn là 40% và sẽ tiếp tục giảm dần theo lộ trình, đến 1/10/2022 còn 30% nên khả năng cung cấp tín dụng của các ngân hàng sẽ ngày càng bị thu hẹp và khó khăn.

Hơn nữa, hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại Nhà nước đã chạm ngưỡng, tổng dư nợ và cam kết tín dụng đối với các dự án BOT, BT đã chạm tới giới hạn cấp tín dụng đối với lĩnh vực này, đặc biệt là những vướng mắc về thu phí, dẫn đến doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến chưa được xử lý nên các tổ chức tín dụng sẽ rất khó khăn để tham gia tài trợ vốn đối với dự án.

Đặc biệt, do tác động của dịch Covid-19, để hỗ trợ nền kinh tế duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 02 ngày 31/3/2020 về các giải pháp cấp bách nhằm tăng cường phòng chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch Covid-19, trong đó hệ thống ngân hàng đã dành một lượng lớn vốn tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, tiêu dùng thiết yếu nên hạn mức tín dụng cho vay trung và dài hạn sẽ bị ảnh hưởng.

Đồng thời, do tác động của dịch Covid-19, có một tỷ lệ khá lớn doanh nghiệp gặp khó khăn, rút khỏi thị trường, tạm dừng kinh doanh, hoặc phá sản, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dẫn tới nguy cơ rủi ro đối với hệ thống ngân hàng là nợ xấu có thể gia tăng, tỷ lệ trích lập quỹ dự phòng rủi ro có thể được điều chỉnh tăng, theo đó khả năng cung cấp tín dụng dài hạn cho các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam là không khả thi trong giai đoạn hiện nay.

img
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ tín dụng của các dự án BOT giao thông hiện nay khoảng 102 nghìn tỷ đồng.

Dẫn ví dụ từ thực tế triển khai một số dự án BOT giao thông thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, trong điều kiện chưa có quy định pháp luật về cơ chế chia sẻ rủi ro, đặc biệt là rủi ro về doanh thu nên việc huy động vốn tín dụng để triển khai đầu tư các dự án BOT giao thông thời điểm hiện nay là rất khó khăn.

“Ngay cả một số dự án có nhu cầu vận tải lớn, khả thi về tài chính như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cũng rất khó khăn trong việc huy động vốn tín dụng. Một số dự án đã ký kết hợp đồng để triển khai như cao tốc đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng ký hợp đồng từ năm 2017, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái ký hợp đồng từ tháng 9/2018 nhưng đến nay vẫn chưa thể huy động được vốn tín dụng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể dẫn chứng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Văn Thể cho rằng, với những khó khăn, vướng mắc hiện nay, nếu không có giải pháp kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án, tác động đến mục tiêu phát triển KT-XH đã được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội đã đề ra, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đất nước phải chịu tác động nghiêm trọng do dịch Covid-19 gây ra.

Ngân hàng “đóng cửa” tín dụng dự án PPP giao thông triển khai mới

Liên quan đến việc cung cấp vốn tín dụng cho dự án cao tốc Bắc - Nam, theo thông tin của Báo Giao thông, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 2/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông thường có tổng mức đầu tư lớn, nguồn vốn vay ngân hàng lên tới 80% nên có thể vượt giới hạn cấp tín dụng.

Trong khi hiện nay hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại nhà nước đã chạm ngưỡng, tổng mức dự nợ và cam kết tín dụng đối với các dự án BOT, BT đã chạm giới hạn cấp tín dụng đối với lĩnh vực này.

“Cùng đó, những vướng mắc về thu phí, doanh thu chưa được cấp thẩm quyền xử lý dẫn đến doanh thu thực tế thấp hơn với dự kiến nên các tổ chức tín dụng sẽ rất khó khăn để tham gia tài trợ vốn đối với dự án mới”, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng của các dự án BOT giao thông hiện nay khoảng 102 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 59/116 dự án có doanh thu không đảm bảo phương án tài chính, doanh thu không đủ trả nợ ngân hàng.

Nghiêm trọng hơn, 43/116 dự án BOT giao thông hiện nay đang phải cơ cấu chuyển đổi nợ với tổng số tiền khoảng 66.474 tỷ đồng, gồm: 10 dự án khả năng chuyển ngay sang nợ xấu với số tiền 14.618 tỷ đồng và 33 dự án có nguy cơ chuyển sang nợ xấu với số tiền trên 51.000 tỷ đồng.

Đối với 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, ông Hùng cho cho rằng, các nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển chủ yếu là các nhà thầu, họ có năng lực về thi công nhưng năng lực về tài chính còn nhiều hạn chế.

“Chủ đầu tư chủ yếu là những nhà thầu thì rất khó thuyết phục ngân hàng cho vay số tiền lên đến 5.000 - 10.000 tỷ đồng đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam. Tôi chưa hình dung ra, nhưng khả năng là không ngân hàng nào họ đồng ý cho vay. Hơn nữa, theo quy định của pháp luật, không một cơ quan nào có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng phải cho vay khi dự án không có hiệu quả tài chính hoặc là nhà đầu tư không đủ năng lực”, ông Hùng cho biết.

Tổng mức giảm 19.223 tỷ đồng khi chuyển sang đầu tư công

Ngày 14/5/2020, Chính phủ đã có tờ trình Quốc hội về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Trong đó, Chính phủ đề xuất chuyển đổi 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang hình thức đầu tư công, sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước. Theo tờ trình của Chính phủ, việc chuyển đổi hình thức đầu tư sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ cầu cho tăng trưởng GDP của nền kinh tế; tổng mức đầu tư dự án sau khi điều chỉnh còn khoảng 99.493 tỷ đồng, giảm khoảng 19.223 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt tại Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.