TP.HCM đang xây dựng đề án "Thí điểm sử dụng xe bốn bánh chạy bằng điện vận chuyển khách tham quan, du lịch". Số lượng phương tiện khoảng 200 xe điện từ 5-14 chỗ, thời gian hoạt động từ 6h - 24h mỗi ngày.
Xung quanh đề án này, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về tính pháp lý, hiệu quả trong việc thu hút hành khách và ảnh hưởng đến giao thông đô thị.
Bài 1: Vì sao đề xuất phát triển xe điện ở trung tâm?
Theo đề án, sẽ có khoảng 200 xe điện từ 5 - 14 chỗ hoạt động từ 6 - 24h mỗi ngày tại khu vực 4 quận của TP.HCM.
200 xe điện hoạt động ở trung tâm
Đề án do Công ty Saigon Public Transport xây dựng, cũng là nhà đầu tư. Theo đó, các xe điện được hoạt động trên phạm vi giới hạn trên các tuyến đường, địa điểm khu vực quận 1, quận 4, quận 5, quận 6.
Cụ thể, quận 1 và quận 4 sẽ gồm các tuyến: Bến Nhà Rồng - cầu Khánh Hội - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Thị Minh Khai - Hoàng Sa - Hai Bà Trưng - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - cầu Calmette - Đoàn Văn Bơ - Hoàng Diệu - Nguyễn Tất Thành - Bến Nhà Rồng.
Quận 5 và quận 6 gồm các tuyến: Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Trãi - Nguyễn Tri Phương - Hùng Vương - Hồng Bàng - Nguyễn Thị Nhỏ - Lê Quang Sung - Phạm Đình Hổ - Tháp Mười - Hải Thượng Lãn Ông - Võ Văn Kiệt - Nguyễn Văn Cừ.
Số lượng phương tiện khoảng 200 xe điện từ 5-14 chỗ, thời gian hoạt động từ 6h - 24h mỗi ngày. Người điều khiển phương tiện có giấy phép lái xe từ hạng B2 trở lên và được tập huấn nghiệp vụ theo quy định của Bộ GTVT.
Phương tiện được trang trí biểu tượng hoa sen, sơn (hoặc dán), các biểu trưng của thành phố như: Chợ Bến Thành, trụ sở UBND TP.HCM và không thực hiện bất kỳ hình thức quảng cáo thương mại nào trên phương tiện. Kế hoạch triển khai thí điểm từ quý I đến hết 31/12/2025.
Theo đề xuất của Công ty TNHH Saigon Public Transport, giá vé mỗi lượt dự kiến 10.000-50.000 đồng, tùy cự ly. Khách thuê nguyên ngày trả phí 100.000 đồng; Thuê nguyên chuyến có giá 70.000-250.000 đồng.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Công ty TNHH Saigon Public Transport cho biết, phạm vi hoạt động của phương tiện là trong khu vực đề xuất. Trong khu vực này có các điểm du lịch, du khách có thể sử dụng phương tiện xe điện để đi từ điểm này đến điểm khác một cách thuận lợi, thay vì đi xe buýt lòng vòng hay đi taxi tốn nhiều chi phí.
Nói về đề án, đại diện Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, TP.HCM là 1 trong 35 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thí điểm hoạt động đối với xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện hoặc động cơ xăng phục vụ chở khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế.
Loại xe này hiện được quản lý theo quy định tại Thông tư 86/2014 của Bộ GTVT. Cụ thể, xe chạy bằng động cơ, có hai trục, ít nhất bốn bánh xe, vận tốc thiết kế tối đa 30km/h, số chỗ ngồi tối đa không quá 15 chỗ (kể cả người lái).
Điều kiện hoạt động chở khách phải có đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, người lái phải có GPLX hạng B2 trở lên.
Giúp phát triển giao thông công cộng?
Là đơn vị thẩm định đề án, Sở GTVT nhìn nhận các tuyến xe điện thí điểm triển khai hoạt động thời gian qua đã cung cấp thêm loại hình vận tải hành khách công cộng, đáp ứng được nhu cầu đi lại của một bộ phận hành khách tại khu vực trung tâm, khu đô thị mới.
Tuy nhiên, lượng khách đi lại trên các lộ trình đang hoạt động chưa cao như kỳ vọng. Các tuyến hoạt động theo lộ trình và biểu đồ chạy xe cố định nên một số khung giờ nhu cầu đi lại thấp, khiến nhà đầu tư không đảm bảo được kinh phí hoạt động.
Theo Sở GTVT, việc triển khai loại hình xe điện theo đề án mới sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhất là khách tham quan, du lịch. Xe điện cũng kết nối với các phương thức khác như xe buýt, xe đạp... giúp phát triển giao thông công cộng.
Quan sát của PV cho thấy, những khu vực được giới hạn như trên phần lớn đều qua các tuyến đường thường ùn tắc giao thông dịp cuối ngày như Tôn Đức Thắng, cầu Khánh Hội, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thị Minh Khai…
Vì vậy, với lưu lượng như hiện nay, nếu nhồi thêm một lượng lớn phương tiện vào khu vực trung tâm sẽ càng tăng thêm ùn tắc, kẹt xe.
Việc đầu tư xe điện chạy ở khu trung tâm không phải mới. Trước đó, đầu năm 2017, Tập đoàn Mai Linh đã khai trương tuyến buýt điện từ Công viên 23/9 - Thảo cầm viên Sài Gòn. Tuyến hoạt động từ 5h - 22h, mỗi ngày có 70 chuyến và cách nhau 30 phút, giá vé 12.000 đồng/lượt.
Tuyến chủ yếu phục vụ khách du lịch, tham quan các địa điểm văn hóa, lịch sử... ở khu trung tâm thành phố. Thời gian đầu thu hút nhiều khách, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng khách giảm dần rồi vắng hẳn. Vì thế, đơn vị quyết định ngưng hoạt động.
Trả lời câu hỏi "Liệu đề án này có đi vào vết xe của Mai Linh?", đại diện chủ đầu tư cho rằng, hiện nay thành phố đang chủ trương phát triển kinh tế đêm. Nhưng giữa các điểm du lịch, giải trí có khoảng cách từ 2-3km, khiến việc đi lại của du khách nhiều lúc bất tiện. Chẳng hạn, từ phố đi bộ Nguyễn Huệ sang phố đi bộ Bùi Viện gần 2km, nhiều du khách rất ngại đi bộ. Nếu có xe điện nội đô sẽ thuận tiện cho du khách.
"Thực ra hiện nay nhiều tỉnh, thành đã phát triển xe điện và rất thành công như: Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hội An, Sa Pa… Công ty chúng tôi có một tuyến hoạt động ở Hội An khá hiệu quả.
Ở đây chúng tôi hướng đến đối tượng phục vụ chủ yếu là khách du lịch, cả khách quốc tế và khách trong nước khi tham quan ở khu vực nội đô thành phố", vị này nói.
Hiện tại, ở TP.HCM có hai tuyến buýt điện loại 12 chỗ là tuyến D2 và D3 đang hoạt động ở Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7). Tháng 5/2021, UBND TP.HCM cũng chấp thuận thí điểm ô tô dưới 15 chỗ chạy bằng điện ở huyện Cần Giờ, chở khách đến các khách sạn, khu du lịch theo hình thức hợp đồng, du lịch.
TP.HCM cũng đã đề xuất mở các tuyến buýt nhỏ 12-17 chỗ để đa dạng loại hình giao thông công cộng, phù hợp với đường hẹp, giúp người dân dễ tiếp cận. Tuy nhiên, việc này chưa được triển khai vì vướng quy định xe buýt phải có sức chứa từ 17 chỗ trở lên.
Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, việc có thêm 200 xe điện sẽ không ảnh hưởng lớn đến giao thông nội đô, bởi số lượng này không thấm vào đâu so với hàng triệu phương tiện trên địa bàn. "Có chăng, loại hình này chỉ cạnh tranh với xe hợp đồng, xe buýt", ông Hỷ nói.
(Còn nữa)
Ai cấp phép cho xe điện hoạt động?
Đại diện Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, phạm vi, tuyến đường và thời gian hoạt động đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.
Do đó, tùy theo định hướng phát triển du lịch của từng địa phương và nhu cầu của khách tham quan, UBND tỉnh, thành phố (thuộc 35 địa phương được cho phép thí điểm) sẽ quyết định việc cho phép thí điểm xe bốn bánh chở khách du lịch tại những tuyến đường và thời gian nhất định (kể cả trong khu vực thành phố).
Khi tham gia giao thông, các xe này chỉ được hoạt động trong phạm vi tuyến đường và thời gian được cấp phép theo quyết định của UBND cấp tỉnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận