Hỏi:
Những ngày gần đây, tôi thường cảm thấy choáng mỗi khi đứng dậy, vậy tôi có mắc bệnh gì không thưa bác sĩ?
Mỹ Anh (Hà Nội)
Ảnh minh họa
BS. Hoàng Thị Thúy, Bệnh viện Đa khoa Medlatec trả lời:
Choáng khi đứng dậy có nhiều nguyên nhân, ví như do thiếu máu. Những người bị thiếu máu nếu đứng dậy quá nhanh và đột ngột rất dễ bị choáng.
Bình thường, máu từ tim đến các cơ quan trong cơ thể rồi về trở lại tim. Khi đứng, máu từ chân phải chống lại trọng lực để đi tới tim.
Nếu đang ở tư thế ngồi mà đứng dậy quá nhanh thì tim không thể điều chỉnh được việc bơm máu thêm nên làm cho huyết áp giảm xuống nhanh chóng.
Không những thế, lưu lượng máu giảm còn khiến cho não bị thiếu oxy nên chức năng hoạt động suy giảm. Tất cả những điều này rất dễ sinh ra tình trạng choáng, buồn nôn, chóng mặt...
Hoặc do hạ huyết áp tư thế, xảy ra khi bỗng nhiên thay đổi tư thế quá đột ngột. Những trường hợp này cũng sẽ xuất hiện các triệu chứng: Hoa mắt, buồn nôn, chóng mặt...
Có những trường hợp bị choáng do hạ huyết áp tư thế trong khoảng vài giây là hết nhưng cũng có trường hợp gây ra ngất xỉu.
Nguyên nhân gây choáng khi đứng dậy trong trường hợp này là do thiếu máu, mất nước, lão hóa, bệnh tim...
Trong số những nguyên nhân này thì có nguyên nhân sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện cục máu đông gây ra đột quỵ. Đối với người ở độ tuổi trung niên, hạ huyết áp tư thế còn gây té ngã, ngất xỉu và chấn thương.
Với những trường hợp này, tốt nhất nên hạn chế thay đổi tư thế từ ngồi hoặc nằm sang đứng đột ngột; thay vào đó là thực hiện động tác một cách từ từ.
Choáng khi đứng dậy cũng có thể có nguyên nhân do thoái hóa đốt sống cổ. Lúc này, người bệnh sẽ có những cơn đau từ gáy lên đầu hoặc từ cổ đi xuống bả vai. Ban đầu, người bệnh chỉ cảm thấy choáng khi đứng dậy nhưng càng để lâu thì càng dễ bị gián đoạn lưu thông máu, tê yếu tay.
Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như rối loạn tiền đình, tim mạch hoặc rối loạn hô hấp.
Tuy nhiên, choáng khi đứng dậy không phải là một bệnh mà chỉ là một triệu chứng có thể cảnh báo nhiều bệnh lý khác nhau.
Bản thân chúng ta không thể khẳng định hay biết được choáng khi đứng dậy là bị sao nên để chắc chắn nhất thì cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám, tìm ra nguyên nhân gây nên hiện tượng này. Có như vậy thì chúng ta mới tìm ra giải pháp tốt nhất để nó không lặp lại.
Nếu hiện tượng choáng kèm theo cảm giác không có sức, khó thay đổi tư thế ở một bên chân, buồn nôn, đau đầu dữ dội... thì cần phải cảnh giác.
Nguyên nhân của hiện tượng này có thể do vấn đề ở não, tim, chuyển hóa chất, thần kinh... Khi ấy, việc đến bệnh viện càng sớm càng tốt sẽ giúp tìm ra lý do choáng khi đứng dậy là bị sao, từ đó có biện pháp để xử trí hiệu quả, tránh được những hệ lụy xấu cho sức khỏe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận